Thứ bảy, 07/09/2024, 22:59

Vi phạm bản quyền báo chí: Sự xâm hại đáng báo động

Việc xâm phạm bản quyền của các cơ quan báo chí đến từ nhiều đối tượng với phương thức đa dạng hơn. Nó chia sẻ độc giả và gây thiệt hại cho các cơ quan báo chí.

Hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng, cuộc chiến về bảo vệ bản quyền báo chí càng gay cấn và thách thức hơn bao giờ hết. Việc xâm phạm bản quyền của các cơ quan báo chí đến từ nhiều đối tượng với phương thức đa dạng hơn. Nó chia sẻ độc giả và gây thiệt hại cho các cơ quan báo chí.

Thiệt đơn, thiệt kép

Không phải thời gian gần đây, mà từ rất nhiều năm trước nhiều cơ quan báo chí bức xúc lên tiếng trước tình trạng bị vi phạm nghiêm trọng bản quyền đã rất phổ biến. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài tình hình có vẻ không chuyển biến nhiều, việc sao chép, bị đánh cắp, “xào nấu” hoặc ngang nhiên sử dụng không xin phép các tác phẩm báo chí vẫn ngày càng phức tạp và công khai.

Tại Hội thảo “Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số”, diễn ra vào ngày 13/9, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đưa ra nhận định, bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí là một vấn đề nóng và khó trong bối cảnh mạng xã hội phát triển, truyền thông xã hội đang chuyển biến mạnh mẽ.

Theo PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa, vi phạm bản quyền đến từ hai khía cạnh, thứ nhất là ngay trong nhà, khi các cơ quan báo chí vi phạm bản quyền của nhau; thứ hai, là các phương tiện truyền thông khác có thể khai thác lại tác phẩm báo chí mà không xin phép bản quyền hoặc có xin phép nhưng xin phép 1 kiểu, khai thác 1 kiểu. Và sự nguy hại không chỉ đến từ việc xâm hại giá trị sáng tạo của nhà báo, trách nhiệm chân chính để tạo ra được những tác phẩm chất lượng phục vụ công chúng - có những tác phẩm trong sự phát triển của báo chí vẫn nhắc đến đó là kết tinh của trí tuệ, có khi còn bị đánh cắp và sử dụng không xin phép - thì đó còn là sự xâm hại rất lớn đến giá trị tinh thần của tác giả.

Thêm nữa, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa đề cập đến vấn đề kinh tế, trong bối cảnh công nghệ phát triển vượt bậc, tác phẩm báo chí vừa xuất bản vài phút, đã được “trịnh trọng” đặt ở trang chủ ở một số phương tiện khác, trang mạng khác. Thậm chí các nền tảng này thực hiện tổ chức trình bày lại bắt mắt hơn sẽ hút được một lượng công chúng lớn hơn rất nhiều. Do đó, nguồn thu của các đơn vị nắm bản quyền bị “chảy ngược” vào những nền tảng truyền thông như thế.

Không khác gì tu hú chiếm tổ của những chú chim lao động cần mẫn, còn cắp luôn cả giá trị tinh thần chính thống - đó là điều không thể chấp nhận được trong một xã hội văn minh, không thể chấp nhận được khi báo chí đang được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và xã hội” - PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa nhìn nhận.

vi pham ban quyen bao chi su xam hai dang bao dong hinh 1

PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chia sẻ ý kiến tại Hội thảo “Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số” hôm 13/9.

Thực tế cho thấy, vì được khai thác theo lợi ích kinh tế, dẫn đến chuyện một số trang mạng khai thác rất sai lệch, giật lại tít, cắt xén theo mục đích cá nhân, có thể theo dụng ý không tốt về mặt chính trị - làm sai lệch nội dung và nguy hại hơn có thể biến công chúng có ác cảm với báo chí.

PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa cho biết, rất nhiều tác phẩm báo chí đã được cắt xén lại theo dụng ý của người dùng đưa lên các nền tảng mạng xã hội như Youtube, Tiktok, Facebook không định danh. Họ đổi phông chữ để các phần mềm dò quét không phát hiện ra được. Nhưng trong bài viết đó vẫn có hơi hướng báo chí, họ làm giả nên nó sẽ gần như thật, nhang nhác thật, người trong nghề tinh ý thì nhận ra và đau xót còn xã hội thì gánh đủ những điều không hay đó. “Thiệt đơn, thiệt kép là có thật - rõ ràng việc lên tiếng bảo vệ bản quyền tác giả trong thời đại số hiện nay là hết sức cấp thiết” - PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa khẳng định.

Vi phạm bản quyền báo chí - hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức và văn hóa 

Điều đáng buồn mỗi ngày, một sản phẩm sáng tạo của phóng viên, nhà báo vừa đăng tải lên Internet đã bị các trang mạng xã hội, thậm chí các cơ quan báo chí khác lấy lại, “xào nấu” thành của mình. Nhiều phóng viên ngồi ghế sa-lông nhưng mỗi ngày có thể đưa 10-20 tin bài chỉ bằng việc vô cùng đơn giản là “copy”, “paste”, dẫn lại nội dung y hệt.

 PGS,TS. Đỗ Thị Thu Hằng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, việc vi phạm bản quyền báo chí không chỉ là vấn đề vi phạm pháp luật mà hơn thế, đó là sự xuống cấp đạo đức và văn hóa. Giá trị cốt lõi của nhà báo và toà soạn báo là tính chính trực, trung thực, tôn trọng khách quan, tôn trọng sự thật và quyền sở hữu trí tuệ.

vi pham ban quyen bao chi su xam hai dang bao dong hinh 2

Trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến như YouTube, Facebook, TikTok, Instagram,… xảy ra rất nhiều tình trạng vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ của báo chí.

Việc nhà báo vi phạm bản quyền báo chí thường được coi là vi phạm chuẩn mực đạo đức và các tiêu chuẩn về văn hóa truyền thông vì nó liên quan đến một loạt giá trị quan trọng trong nghề báo và truyền thông, bao gồm: Sự trung thực và đáng tin cậy; tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ; tính đa dạng và độc lập trong nguồn tin và đề cao sáng tạo và sự công bằng.

Theo PGS,TS. Đỗ Thị Thu Hằng, biểu tượng cao đẹp về đạo đức và văn hóa của nhà báo và cơ quan báo chí là sự trung thực và đáng tin cậy. Nhà báo và toà soạn báo phải đảm bảo rằng thông tin họ cung cấp là đúng đắn và chính xác. Việc sao chép hoặc tái sử dụng nội dung mà không có sự cho phép hoặc sửa đổi nội dung, mạo danh… để đáp ứng mục tiêu riêng có thể gây hiểu lầm cho độc giả và đánh mất tính đáng tin cậy của người làm báo và cơ quan báo chí. Nếu một nhà báo sao chép một bài viết từ một nguồn khác mà không thay đổi nội dung và không đề cập đến nguồn gốc, làm cho độc giả tin rằng thông tin đó xuất phát từ nguồn của nhà báo đó. 

Tuy nhiên, PGS,TS. Đỗ Thị Thu Hằng tin tưởng đoàn kết tạo nên sức mạnh. “Ý thức của chủ thể mang quyền sở hữu trí tuệ, sự đoàn kết và liên kết mạnh mẽ giữa các cơ quan báo chí, giữa cơ quan báo chí với các cơ quan quản lý báo chí truyền thông, các đối tác, tập đoàn công nghệ vì sự phát triển của một nền báo chí Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại sẽ là một dấu hiệu tích cực cho việc đấu tranh chống vi phạm bản quyền hiện đang rất nhức nhối hiện nay” - PGS,TS. Đỗ Thị Thu Hằng nhận định.

Hòa Giang/Congluan.vn


 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây