Thứ năm, 21/11/2024, 14:45

Báo chí và xuất bản: Bản lĩnh nghề nghiệp và những lan tỏa năng lượng tích cực

Nói đến xuất bản và báo chí, không thể không đề cập đến giấy, không thể không nhớ ơn những làng nghề Việt Nam mà một trong đó là làng Bưởi – một địa danh sản xuất giấy nổi tiếng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

 

Chữ quốc ngữ, giấy in và máy in

Có thể khẳng định, nghề xuất bản sách ở nước ta đã xuất hiện khá sớm vào thời trung đại và dần dần xác định được chỗ đứng gắn với quá trình hình thành, sử dụng chữ viết, ban đầu là chữ Hán rồi đến chữ Nôm và sau này là chữ quốc ngữ. Báo chí có mặt ở nước ta muộn hơn, vào cuối thế kỷ XIX, và chỉ thực sự phát triển mạnh khi chữ quốc ngữ từng bước chiếm được vị trí áp đảo trong đời sống xã hội.

Từ chữ viết trên lá, trên thẻ tre, trên bản khắc gỗ, khi nghề làm giấy manh nha ra đời thì chữ viết trên giấy đã tạo ra bước phát triển mới cho ngành xuất bản thuở sơ khai. Chính vì thế, nói đến xuất bản và báo chí, không thể không đề cập đến giấy, không thể không nhớ ơn những làng nghề Việt Nam mà một trong đó là làng Bưởi – một địa danh sản xuất giấy nổi tiếng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX; cũng không thể không nhắc đến máy in – thứ máy móc đã làm nên cuộc cách mạng thực sự cho nghề in nói chung và nghề làm sách, báo.

Ngày 21/6/1925, Thanh niên - tờ báo cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập phát hành số đầu. 27 năm sau, ngày 10/10/1952, Nhà In quốc gia chính thức thành lập. Hai dấu mốc quan trọng đó giúp chúng ta hình dung được điểm khởi đầu của những hoạt động báo chí, xuất bản mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhen nhóm và huy động nhằm khơi dậy mạnh mẽ lòng yêu nước, tuyên truyền, giác ngộ hiệu quả con đường cứu nước, giải phóng dân tộc và làm nên chiều dài lịch sử cách mạng của ngành thông tin và truyền thông ở nước ta. 
Một số tài liệu nghiên cứu ít ỏi từng nhắc đến những bộ chữ đầu tiên rồi chiếc máy in đầu tiên do người Pháp chở bằng tàu thủy, nhập cảng Sài Gòn hồi đầu những năm 1860 chính là cơ sở cho việc in ấn và xuất bản một số sách báo thời kỳ này, trong đó có tờ Gia Định báo – tờ báo quốc ngữ đầu tiên, số 1 xuất bản ngày 15/4/1865. Từ 1865 đến 1900, số lượng báo chí tiếng Việt ra đời không nhiều, nhưng đủ khẳng định một xu hướng tất yếu của thông tin và truyền thông ở nước ta lúc bấy giờ, khi mà báo chí đã bám chân được vào một bộ phận dân chúng và chức sắc trong xã hội thuộc địa.

Báo Cứu quốc. Ảnh: Đại đoàn kết
Báo Cứu quốc. Ảnh: Đại đoàn kết

Vào những năm 1880, một sĩ quan Pháp tên là Schneider đã thâm nhập thị trường xuất bản và trở thành ông chủ lớn với hàng chục nhà in rải khắp hai miền Bắc Nam, ra lò nhiều sách báo, trong đó có những tờ báo lớn, những tờ nhật trình, tân văn nổi tiếng gắn với tên tuổi nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh như Đăng Cổ Tùng báo, Notre Journal, Notre Revue, Lục Tỉnh tân văn Đông Dương tạp chí và Trung Bắc tân văn…

Sách báo – vũ khí cách mạng phục vụ kháng chiến kiến quốc

Lịch sử đã ghi nhận những bằng chứng tiêu biểu và sống động về sự tồn tại và phát triển của hoạt động xuất bản cách mạng giai đoạn 1925-1945 và sự coi trọng đặc biệt lĩnh vực báo chí, xuất bản của Đảng ta với việc biên soạn, in ấn, phát hành các tác phẩm Đường Kách Mệnh (Nguyễn Ái Quốc - 1927), Vấn đề dân cày (Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp – 1938), Đề cương văn hóa Việt Nam (Trường Chinh - 1943)… trong những bối cảnh hiểm nguy, sống chết trong gang tấc.

Thời kỳ 1936-1939, phong trào Mặt trận dân chủ lên cao, Đảng ta tiếp tục nêu cao tinh thần đó, tích cực hỗ trợ một số nhà sách hoạt động cung cấp sách báo công khai, làm thành những mắt xích dũng cảm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê nin, góp phần giúp sách báo cách mạng đến với rộng rãi công chúng trong nước.. 

Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời vừa hình thành đã lập tức xúc tiến thành lập Bộ Thông tin - Tuyên truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam và Việt Nam Thông tấn xã. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân tham gia xây dựng và bảo vệ chính quyền và thực hiện công tác tư tưởng của Đảng là những hoạt động quan trọng hàng đầu lúc bấy giờ. 

Thập kỷ 50 của thế kỷ trước đã ghi dấu vào lịch sử in ấn và xuất bản cách mạng bằng việc ra đời một loạt các nhà xuất bản như Sự thật, Lao động, Vệ quốc đoàn và một số cơ sở in lần lượt được thành lập như Việt Nam Quốc gia ấn thư cục, Tiến bộ, Trần Phú, Cứu quốc, Lao động… Không những thế, Tổng phát hành sách báo cứu quốc được tổ chức thành hệ thống, thâu tóm những hoạt động phát hành riêng lẻ trước đó.

Đặc biệt, sự ra đời của Nhà in Quốc gia, theo sắc lệnh 122/SL ngày 10/10/1952 của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1952 trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn mới của cuộc kháng chiến chống Pháp, nhu cầu sách, báo ngày càng cao và nẩy sinh yêu cầu thống nhất quản lý xuất bản, in ấn và phát hành, từ đó mở ra những cơ hội mới cho ngành xuất bản.

Khó khăn, gian khổ là thế, nhưng sách, báo được in ấn, xuất bản trong kháng chiến không hề giảm sút về số lượng và chất lượng cũng như phạm vi phát hành. Điển hình như báo Cứu quốc, một tờ báo ngày, in trên giấy nứa, nhà in chuyển liên tục, nhưng vẫn có mặt khắp nhiều tỉnh thành, được chuyên chở bằng cả thuyền, xe đạp để đến với bạn đọc các vùng miền. Báo Quân đội nhân dân được xuất bản 33 số báo ngay giữa lòng trận địa Điện Biên Phủ. Các nhà in sơ tán nằm rải rác khắp các vùng chiến khu.

Những năm chống Mỹ, công tác thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh, ngành in ấn, xuất bản, phát hành kiên cường hoạt động, sách báo mang một sức mạnh to lớn. Tòa soạn báo Nhân Dân đặt dưới hầm và ra báo liên tục suốt 12 ngày đêm không nghỉ mặc cho B52 Mỹ đe dọa đưa Hà Nội về thời kỳ đồ đá.

Giữa rừng sâu Tây Ninh, Báo Giải phóng, Đài phát thanh Giải phóng, Thông tấn xã Giải phóng và Nhà in của Trung ương Cục cùng anh dũng bám trụ, không ít lần cán bộ, nhân viên, phóng viên phải đánh đổi cả máu xương để thực thi nhiệm vụ dưới bom đạn và những trận càn quét của kẻ thù.

Năm 1965, chiếc máy in quý giá của báo Giải phóng bị quân địch phát hiện trong một trận càn và dùng máy bay chở về Sài Gòn, khiến báo không in được, bài viết ra phải xuất bản qua làn sóng Đài phát thanh…

Năm 1970, tại Hà Nội, tín hiệu truyền hình đầu tiên được phát lên không trung, đầu năm 1971 phát tiếp "chương trình truyền hình thử nghiệm" phục vụ khán giả, chính thức bổ sung một “tân binh” mới đầy hứa hẹn vào lực lượng thông tin, tuyên truyền của đất nước, bước đầu đa dạng, hiện đại hóa hình thức thông tin, tuyên truyền cách mạng.

Đổi mới công nghệ gắn với nỗ lực thoát khỏi lạc hậu và manh mún 

Trong công cuộc đổi mới đất nước, có công cuộc đổi mới ngoạn mục về in ấn, xuất bản, phát hành sách báo. Việt Nam từ một quốc gia thiếu sách, tiến tới cung cấp đủ sách đáp ứng nhu cầu xã hội và mau chóng xác lập nền xuất bản độc lập, tự chủ.

Các phóng viên tác nghiệp tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN

Mức hưởng thụ xuất bản phẩm/đầu người tăng dần mỗi năm. Những khó khăn, thách thức khi chuyển đổi cơ chế đã phải nhường bước cho sự thích ứng với cơ chế thị trường và những bước phát triển mới trong đổi mới công nghệ và nâng cao đời sống, thu nhập của người lao động.

Báo chí thời kỳ đổi mới ngày một rõ nét bức tranh rộng lớn với những gam màu tươi sáng. Từ báo giấy gắn với công nghệ in ấn được đổi mới liên tục, với sự cộng hưởng và chuyển mình vươn tới công nghệ tiên tiến hiện đại của báo chí phát thanh và truyền hình, kể từ năm 1997 lại có thêm sự ra đời của báo chí điện tử, đã khiến môi trường thông tin, truyền thông hiện đại trong nước ngày một khởi sắc và đáp ứng ngày càng cao hơn nhu cầu đọc, nghe, nhìn của công chúng hôm nay, đặc biệt là công chúng trẻ ưa tiếp nhận thông tin trên thiết bị thông minh cầm tay thay vì đọc báo và nghe đài, xem tivi.

Những hoạt động hợp tác xuất bản toàn diện song phương và mở rộng, phát triển hợp tác quốc tế với các nước lớn và các tổ chức quốc tế đã mở ra những cơ hội đưa sách báo Việt Nam đến với thế giới, góp phần đắc lực vào hoạt động thông tin đối ngoại, đồng thời, chủ động mở rộng cánh cửa đón nhận tri thức tinh hoa thế giới vào Việt Nam.

Công chúng hôm nay có thể tự hào vì ngành xuất bản Việt Nam đã có tư cách thành viên sáng lập của tổ chức Hiệp hội Xuất bản châu Á Thái Bình Dương (APPA), Hiệp hội Xuất bản ASEAN (ABPA)…; và báo chí Việt Nam đã có những đại diện tự tin, sắc sảo sánh vai cùng các đồng nghiệp quốc tế trong các liên hoan phát thanh, truyền hình, trong những cuộc thi ảnh báo chí quốc tế…

Cùng với việc xuất hiện cộng đồng mạng thực sự đã góp phần lan tỏa văn hóa đọc, giúp cho nhiều tác phẩm tốt được chia sẻ, giới thiệu rộng rãi, thì những “đường sách”, phố sách, thư viện tư nhân mọc lên tại TPHCM và lan tỏa đến Hà Nội, Đà Nẵng và một số địa phương khác khiến chúng ta có thể lạc quan hơn trước những khái niệm “xã hội học tập”, “văn hóa đọc” vốn dĩ bị nhiều nghi ngờ, lo lắng xâm chiếm bấy lâu. 

Nỗ lực thoát khỏi sự lạc hậu và manh mún trong công nghệ để có được những thành quả chuyên nghiệp và đáng tự hào so với với thế giới và khu vực sẽ còn là một chặng đường dài đối với người làm thông tin và truyền thông Việt Nam. 


Theo Vietnamnet


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây