Thứ hai, 02/12/2024, 03:46

Báo chí đa kênh, đa nền tảng - sự linh hoạt trong tiếp cận công chúng

Cách thức phát triển nội dung để phù hợp với các nền tảng mạng xã hội; phát triển các sản phẩm báo chí mới dựa trên nền tảng công nghệ; những khó khăn và cách thức giải quyết khi phát triển nội dung đa nền tảng, đa phương tiện để tiếp cận công chúng một cách tốt nhất…là vấn đề rất được quan tâm.

Đưa nội dung lên đa nền tảng để làm chủ thông tin trên không gian mạng

Trên thực tế, độc giả ở đâu thì báo chí phải ở đấy - đó là nguyên tắc đã được báo chí quốc tế khẳng định. Người đọc đã và đang tiếp tục chuyển dịch từ các nền tảng truyền thống như báo in, truyền hình và cả báo điện tử lên các nền tảng mạng xã hội. 

Tại phiên thảo luận 6 với chủ đề: “Phát triển báo chí đa kênh, đa nền tảng để tiếp cận công chúng” diễn ra chiều 12/11 trong khuôn khổ Hội nghị nâng cao chất lượng nội dung báo Đảng toàn quốc, bà Lê Thị Bảo Ngọc - Trưởng Ban Hợp tác sản xuất và Phát hành Nội dung Tập đoàn MCV cho rằng, trong những năm gần đây, số lượt người dùng mạng xã hội tại Việt Nam thật sự gia tăng nhanh chóng.   

bao chi da kenh da nen tang su linh hoat trong tiep can cong chung hinh 1

Báo chí đa nền tảng trong kỷ nguyên số sẽ giúp báo chí tiếp cận công chúng hiệu quả hơn. Ảnh: TL

 

Theo số liệu thống kê từ DataReportal, tính đến tháng 2/2022, tại Việt Nam có gần 77 triệu người dùng mạng xã hội, tương đương 78,1% dân số Việt Nam. Trong đó Facebook có khoảng 70,4 triệu người dùng, Youtube 62,5 triệu. Đặc biệt, là sự bùng nổ của TikTok sau đại dịch Covid với hơn 40 triệu người dùng đã khiến ứng dụng video ngắn trở thành xu hướng giải trí mới tại Việt Nam, tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt trên mạng xã hội.

Theo thống kê này, khán giả thường có xu hướng dùng internet để học tập, nghiên cứu, nghe nhạc, xem phim, giải trí, xem tin tức thời sự, mua sắm.. thông qua mạng xã hội, với thời gian truy cập tới 6 giờ 38 phút mỗi ngày, trong đó có tới 2 giờ 28 phút lướt mạng xã hội, 1 giờ 55 phút đọc tin tức từ báo chí, 82 phút nghe Podcats và radio…

Do đó, các cơ quan báo chí cũng cần phải thay đổi bổ sung trong chiến lược truyền đạt thông tin, ngoài phương thức đưa tin truyền thống, các cơ quan báo đài cũng cần thông tin đồng thời trên nhiều nền tảng trên mạng xã hội, để có thể đưa tin kịp thời, chính thống và đáp ứng được nhu cầu của người dùng.

“Việc tận dụng ưu thế của mạng xã hội với tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, tận tâm phục vụ cùng những thông tin hữu ích sẽ tạo chất “keo” gắn kết mối quan hệ bền chặt giữa các đơn vị Báo chí với độc giả - khán - thính giả là giúp gắn kết giữa chính quyền với nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ, tạo sức mạnh, động lực thực hiện thắng lợi những mục tiêu đề ra” – Bà Ngọc cho hay.

Mạng ảo nhưng quả ngọt thật

Nắm bắt xu hướng này, các cơ quan báo chí truyền thông thời gian qua đã  “di chuyển” nội dung thông tin một cách rất linh hoạt lên các nền tảng mạng xã hội. Nhà báo Nguyễn Hồng Sâm, Tổng Giám đốc Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Tổng Biên tập Báo điện tử Chính phủ trong vai trò là một diễn giả của hội thảo ngày 12/11 cho rằng, đối với những người làm công tác truyền thông, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phải chủ động, tận dụng mạng xã hội (MXH) để phục vụ công chúng. Báo chí làm chậm thì mạng xã hội sẽ chiếm lĩnh và phủ sóng thay các nguồn thông tin chính thống.

Ông chia sẻ: Trang Thông tin Chính phủ là một trong những điển hình sinh động nhất về tính hiệu quả, linh hoạt trong việc tận dụng mạng xã hội phục vụ truyền thông về đường lối của Đảng, Chính sách pháp luật của nhà nước và chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… Hiện số lượng người theo dõi trang không ngừng tăng và hiện đang có khoảng hơn 3,6 triệu người theo dõi; số lượng tương tác tính trung bình/tuần đến nay khoảng 900.000 lượt; số tin, bài, clip xuất bản trung bình/ngày từ 7-12 tin (cao điểm thời sự là gần 30 tin).

bao chi da kenh da nen tang su linh hoat trong tiep can cong chung hinh 2

“Phát triển báo chí đa kênh, đa nền tảng để tiếp cận công chúng” là chủ đề của Hội thảo diễn ra chiều 12/11 trong khuôn khổ Hội nghị nâng cao chất lượng nội dung báo Đảng toàn quốc,

Phát huy những kết quả đạt được từ việc vận hành Fanpage “Thông tin Chính phủ” tiếng Việt trên Facebook, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tiếp tục đưa vào vận hành thêm 3 tài khoản mạng xã hội tiếng nước ngoài phục vụ mục tiêu đối ngoại, gồm tài khoản Twitter Anh (@VNGovtPortal), tài khoản Twitter Tiếng Trung (@VGPzhnews), cùng với Fanpage song ngữ Anh+Trung trên Facebook (@VNGov); đồng thời bắt đầu thử nghiệm vận hành trang Youtube với số lượng người tương tác tăng 130% mỗi tháng.

Ông Sâm cũng phân tích rằng, việc chủ động tham gia mạng xã hội không chỉ đơn thuần là lập ra một trang fanpage đại diện cho cơ quan mình để truyền tải các nội dung. Cần hiểu, chủ động tham gia mạng xã hội cũng cần đến việc lắng nghe “hơi thở, tiếng lòng của nhân dân”, những vấn đề mà người dân thực sự quan tâm, có ảnh hưởng sâu sát tới đời sống của họ, đồng thời cần tuyệt đối tránh khuynh hướng “lá cải”, “câu view”, hay “chạy theo” thị hiếu của một bộ phận công chúng…

“Theo kinh nghiệm từ các phần công việc chúng tôi đã triển khai, việc chủ động tham gia mạng xã hội cần sự an toàn, linh hoạt, nhạy bén, hiệu quả. Tùy từng loại hình, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, chúng ta cần lựa chọn việc tham gia một cách phù hợp, có thể là lập đại diện trên trang mạng xã hội hoặc không, nhưng việc nắm bắt thông tin trên mạng xã hội là rất cần thiết cho công tác chỉ đạo, điều hành. Nhưng điều nên nhớ, mạng xã hội không thể thay thế chức năng của báo chí, báo chí vẫn là kênh không thể thay thế và luôn cần được chú trọng, thậm chí trong nhiều trường hợp, đây chính là nguồn gốc, “ngòi nổ” cho một số luồng thông tin trên mạng xã hội” – Ông Nguyễn Hồng Sâm nhấn mạnh.

Còn nhà báo Phan Thanh Phong – Vụ trưởng, Trưởng ban Nhân Dân hàng tháng, Báo Nhân Dân khi chia sẻ về podcast của báo Nhân dân cũng cho hay, khi xu hướng số hóa phát triển mạnh, không chỉ các đài phát thanh mà hầu hết các cơ quan báo chí của Việt Nam hiện nay cũng đã và đang chuyển đổi sang công nghệ số. Báo Nhân Dân cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Bắt đầu từ tháng 8-2021, Radio Nhân Dân, kênh phát thanh trên nền tảng số của Báo Nhân dân, khởi kênh bằng Chương trình Đọc truyện ra đời. 

Hiện nay Radio Nhân Dân có Chương trình Đọc truyện, phát 2 lần 1 tuần, mỗi chương trình kéo dài từ 20-30 phút; Bản tin thời sự: phát 2 bản tin mỗi ngày vào buổi sáng và chiều, mỗi bản tin 10 phút; Chương trình Dân tộc - Tôn giáo phát 1 lần/tuần, mỗi chương trình khoảng 30-40 phút; sắp tới chương trình mới trên Radio Nhân Dân sẽ ra mắt công chúng là Hò hẹn cuối tuần…

Các chương trình này được phát chủ yếu dưới dạng Podcast trên đa nền tảng từ các ứng dụng phổ biến đến các kênh nghe nhạc thông dụng được giới trẻ ưa chuộng hiện nay như: Youtube, Apple Podcast, Google Podcast, Spotify, Amazon Music, Soundcloud…

“Với lợi thế không biên giới, các chương trình phát thanh trên nền tảng số quốc tế dễ tiếp cận các đối tượng khán thính giả trẻ và người Việt ở nước ngoài - điều khá khó khăn đối với báo in. Thực tế theo dữ liệu, Radio Nhân Dân đã có lượng người nghe xem đáng kể từ Đức, Nhật, Mỹ, Australia, Nga, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc...” – nhà báo Phan Thanh Phong chia sẻ.


Theo Hà Vân/Nhà báo & Công luận


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây