Các đại biểu thảo luận bên lề Hội thảo. Ảnh: Đức Anh |
Báo Đảng vẫn nặng về "bôi hồng"
Phát biểu tại phiên thảo luận, đồng chí Trần Thanh Lâm – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan báo chí, trong đó có cơ quan báo Đảng. Vì vậy, việc đổi mới, sáng tạo là vấn đề cấp bách, bởi nó liên quan đến vị trí, vai trò của báo Đảng trong kỷ nguyên số, kỷ nguyên công nghệ thông tin
Nêu các thế mạnh của các cơ quan báo Đảng, đồng chí Trần Thanh Lâm cho rằng, báo Đảng là lực lượng tiên phong trong công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các sản phẩm, ấn phẩm của báo Đảng là nguồn thông tin chính thống tin cậy, chính xác.
Bên cạnh đó, hệ thống báo Đảng rất tích cực tham gia đấu tranh phản bác các thông tin xấu, độc, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình hiện nay. Đây cũng là vấn đề được Ban Tuyên giáo Trung ương và các địa phương đặc biệt chú trọng, quan tâm.
Các báo Đảng cũng chấp hành nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác chính trị, tư tưởng, thông tin tuyên truyền. Cùng với đó, quy trình sản xuất, biên tập, xuất bản đảm bảo các yêu cầu mà xã hội đặt ra.
Đồng chí Trần Thanh Lâm - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Đức Anh |
Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập và kỷ nguyên số, báo Đảng cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế cần khắc phục. Nhiều cơ quan báo Đảng chưa phát huy được vai trò đi trước mở đường trong thông tin, tuyên truyền. Vai trò xung kích chưa được thể hiện rõ. Thông tin sự kiện còn chậm, chưa phản ánh được các vấn đề đa chiều, vẫn nặng về thông tin một chiều, tính phản biện chưa cao, nặng về “tô hồng”. Người làm báo Đảng vẫn còn đi theo lối mòn, chậm đổi mới, độ lan tỏa chưa cao; vẫn còn tình trạng văn bản hóa, báo cáo hóa thông tin. Thực tế này khiến việc thu hút độc giả gặp khó khăn.
Để giải quyết vấn đề này, các cơ quan báo Đảng cần nỗ lực đổi mới, nâng cao cả về hình thức, nội dung các ấn phẩm. Bám sát định hướng của Đảng và Nhà nước về công tác báo chí, qua đó, làm tốt vai trò định hướng thông tin; nâng cao công tác tuyên truyền đấu tranh có hiệu quả với tin xấu, độc. Đầu tư, chú trọng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật báo chí để theo kịp xu thế phát triển của xã hội. Không ngừng đào tạo, bồi dưỡng đạo đức, phẩm chất cách mạng cho người làm báo…
Nhiều khó khăn, thách thức đối với báo Đảng địa phương
|
Đi sâu làm rõ những khó khăn của các cơ quan báo Đảng địa phương hiện nay, tham gia thảo luận tại Hội nghị, đồng chí Ngô Đức Kiên – Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Nghệ An cho rằng, báo Đảng đang đứng trước nhiều thách thức của thực tiễn.
Đồng chí Ngô Đức Kiên - Tổng Biên tập Báo Nghệ An tham luận tại phiên thảo luận. Ảnh: Đức Anh |
Đối với nguồn nhân lực, hiện các cơ quan báo Đảng, trong đó có Báo Nghệ An đang phải thực hiện khối lượng công việc lớn. Như Báo Nghệ An, từ nhiều năm nay xuất bản 5 ấn phẩm gồm: nhật báo, báo cuối tuần, chuyên trang miền núi và dân tộc, báo điện tử và kênh youtube Báo Nghệ An. Các ấn phẩm xuất bản hàng ngày, hàng tuần, riêng Báo Nghệ An điện tử sản xuất, xuất bản cập nhật từng giờ, từng phút. Tuy nhiên, số lượng biên chế, nhân lực được giao đang còn ít, khó đáp ứng được các yêu cầu của đơn vị. Để khắc phục vấn đề này, Báo Nghệ An tập trung mở rộng hệ thống cộng tác viên, chuyên gia trên các lĩnh vực. Báo cũng thu hút nhiều chuyên gia nổi tiếng trên cả nước.
Các đại biểu tham gia thảo luận. Ảnh: Đức Anh |
Đối với vấn đề tài chính, kinh phí để chi trả nhuận bút cho đội ngũ phóng viên, cộng tác viên, chuyên gia, nhìn chung các báo Đảng vẫn đang gặp một số vướng mắc, nhất là việc chi trả tương xứng với trí tuệ, sự đóng góp của các cộng tác viên quan trọng. Lâu nay, ở Báo Nghệ An, một tác phẩm, sản phẩm của chuyên gia, cộng tác viên được sử dụng, đăng tải trên nhiều ấn phẩm khác nhau, trên cơ sở đó vận dụng các cơ chế đảm bảo việc chi trả nhuận bút hợp lý.
Đối với đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên: Có một số cán bộ, phóng viên đã nhiều tuổi khó thay đổi, ngại thay đổi, thậm chí hoài nghi về sự đổi mới mà cơ quan báo đang tiến hành. Việc khắc phục vấn đề này, Báo Nghệ An tiến hành bồi dưỡng, đào tạo và đào tạo lại cán bộ, phóng viên. Đối với các trường hợp không thể thay đổi, buộc phải đưa ra khỏi dây chuyền.
Đồng chí Lê Thị Thu Hồng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang tham gia ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: Đức Anh |
Hoạt động tác nghiệp của phóng viên: So với các cơ quan báo chí khác, phóng viên báo Đảng địa phương đang tác nghiệp trong môi trường hẹp, gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận thông tin, nhất là các thông tin điều tra, vụ việc. Kinh nghiệm xử lý vấn đề này ở Báo Nghệ An là xây dựng cơ chế, quy trình phối hợp tuyên truyền giữa Báo với các sở, ban, ngành, địa phương. Cùng với đó, Báo Nghệ An cũng thực hiện các cơ chế, chính sách để phóng viên không bị chi phối bởi các động cơ cá nhân, tập trung tiếp cận và xử lý, xuất bản thông tin kịp thời, chính xác.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trò chuyện với các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Đức Anh |
Tổng Biên tập Báo Nghệ An cũng cho rằng, hiện nay cơ chế, chính sách đối với báo chí chưa theo kịp sự đổi mới của thực tiễn. Hệ thống báo điện tử của cơ quan báo Đảng như Báo Nghệ An còn gặp khó khăn, hạn chế về cơ sở vật chất, công nghệ, thiết bị. Các ấn phẩm báo điện tử của các cơ quan báo Đảng còn thiếu các phần mềm hữu hiệu phục vụ công tác chuyên môn. Bên cạnh đó, đảm bảo an ninh hệ thống sản xuất báo điện tử; khó khăn trong phát triển nền tảng mạng xã hội… cũng là vấn đề được đặt ra.
Đổi mới là vấn đề sống còn của các cơ quan báo Đảng, nhưng thực tiễn cũng cho thấy, ở nhiều địa phương việc đổi mới vẫn rất trì trệ. Trong khi đó, đây là nguyên liệu, chất liệu để cơ quan báo chí khai thác, tuyên truyền. Cùng với đó, lãnh đạo nhiều địa phương vẫn cho rằng, báo Đảng địa phương chỉ cần đưa tin một chiều, không cần đưa tin đa diện, đa chiều. Báo Đảng địa phương cũng bị “mang tiếng”, ảnh hưởng bởi nhiều phóng viên, cộng tác viên thường trú.
Việc phát triển các ấn phẩm báo Đảng trên các nền tảng xã hội là yêu cầu thiết thực, đáp ứng nhu cầu thông tin, truyền thông của độc giả, khán, thính giả. Báo Nghệ An cũng như nhiều cơ quan báo chí địa phương khác đã phát triển duy trì các sản phẩm trên các nền tảng như: Kênh youtube, tik tok, fanpage… Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là: Việc chi trả nhuận bút, chế độ cho các phóng viên, cộng tác viên, chuyên gia tham gia sản xuất các sản phẩm, ấn phẩm trên nền tảng xã hội thực hiện như thế nào? Hiện nay vẫn chưa có quy định cho nội dung này. Lâu nay Báo Nghệ An đang phải vận dụng bằng nhiều giải pháp để khắc phục vấn đề này.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng tham gia thảo luận liên quan đến công tác đổi mới, sáng tạo nhằm nâng cao vai trò, vị thế của báo Đảng địa phương.
Theo Baonghean.vn