Thứ bảy, 23/11/2024, 03:04

Thay vì sợ ChatGPT, nhà báo nên tìm cách thích ứng

Tác động của công nghệ với báo chí vừa thú vị vừa đáng lo. Sự nổi lên của các chatbot và công cụ AI như ChatGPT hứa hẹn thay đổi cách sản xuất, phân phối và tiêu thụ tin tức.

 

Theo Jim Brady, Phó Chủ tịch chương trình báo chí tại tổ chức Knight Foundation, các nhà báo phải nắm bắt công nghệ và không lặp lại sai lầm xem mọi thứ như một nguy cơ tức thời như họ từng phạm phải với phát thanh, truyền hình và Internet.

“Thay vì tập trung vào việc nó sẽ thay thế công việc như thế nào, hãy nghĩ bạn có thể làm gì với nó”, ông nói.

Nhà báo nên tìm cách nắm bắt và thích ứng với các công cụ AI mới như ChatGPT. (Ảnh: worldpressinstitute)

Để thích ứng với công nghệ luôn thay đổi, Knight Foundation tổ chức nhiều khóa đào tạo cho toàn bộ nhân viên về cách sử dụng chatbot và các công nghệ mới nổi khác. Theo ông Brady, công cụ AI sẽ giúp nhà báo tập trung vào các câu chuyện quan trọng hơn, hơn là phải dành thời gian viết tin tức báo cáo kinh doanh, kết quả thi đấu thể thao có cấu trúc lặp lại.

Theo Trung tâm nhà báo quốc tế, ChatGPT còn có thể dùng để chuẩn bị các bài phỏng vấn. Trong một bài báo, tác giả Marina Cemaj Hochstein đưa ra vài gợi ý như liệt kê câu hỏi cho đối tượng phỏng vấn để phần mềm nghĩ ra nhiều câu hỏi hơn dựa trên nó. ChatGPT có khả năng sao chép bài phỏng vấn trước đó và phát triển các câu hỏi xoay quanh đề tài đó.

Hai nhà báo Francesca Paris và Larry Buchanan của The New York Times cũng xuất bản bài viết nêu 35 cách mọi người đang dùng ChatGPT. Các nhà báo có thể áp dụng như viết email, biên tập, nghiên cứu, đọc lướt hàng chục tài liệu và nhập công thức Excel.

Mặt khác, Sheri Berman – Giáo sư Cao đẳng Barnard thuộc Đại học Columbia – lại thận trọng hơn về tác động tiêu cực của công nghệ này. Một trong những lo ngại lớn nhất của bà là sự phát tán thông tin sai sự thật, một chiều từ mạng xã hội và chatbot. Bà cho rằng, những đối tượng chống phá dân chủ và tự do sẽ dùng nó một cách triệt để. Theo bà Berman, thách thức lớn là tìm ra cách kiểm soát công nghệ để bảo vệ quyền lợi của mỗi cá nhân và đối tượng yếu thế.

Chúng ta vẫn chưa biết rõ tác dụng hay tác hại của AI với báo chí. Trong khi đó, Alberto Ibargüen – Chủ tịch Knight Foundation – dường như lạc quan về về tiềm năng của các công cụ này trong cải thiện việc đưa tin. “Tôi nghĩ cuối cùng chúng ta sẽ có nhiều công nghệ tinh vi hơn. Tôi chào đón ChatGPT và công cụ tương tự. Chúng ta sẽ tìm ra cách xử lý chúng như đã làm được trước kia. Tôi là ‘tù nhân của hi vọng’”, ông chia sẻ.

(Theo worldpressinstitute)

 Tags: ChatGPT

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây