Thứ sáu, 26/04/2024, 00:16

Việt Nam sắp đưa thiết bị bay không người lái vào sản xuất nông nghiệp

Việt Nam đang chuẩn bị mọi tiền đề để sử dụng công nghệ UAV/Drone vào sản xuất nông nghiệp.

 

Việt Nam sắp đưa thiết bị bay không người lái vào sản xuất nông nghiệp
Mô hình khảo nghiệm drone tại tỉnh Tiền Giang vụ đông xuân 2020-2021. Ảnh: Croplife

Sử dụng UAV/drone vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi

Theo ông Huỳnh Tấn Đạt – Phó Cục Trưởng Cục Bảo vệ Thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp đang là xu thế tất yếu hiện nay nhằm giải quyết nhu cầu lương thực đang ngày càng gia tăng trên toàn cầu cùng lúc với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Các nghiên cứu cho thấy sản lượng thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và nhiên liệu sinh học cần phải gia tăng thêm 50% để có thể đáp ứng đủ nhu cầu của hơn 10 tỉ người trên thế giới.

Trong khi đó, mỗi năm trên toàn cầu có đến 12 triệu hécta đất canh tác nông nghiệp bị mất đi và tỉ lệ mất mùa hàng năm vẫn ở mức 17%. Vì vậy đổi mới khoa học công nghệ là một trong những công cụ then chốt nhằm giải quyết các vấn đề này, trong đó, ứng dụng và quản lý thiết bị bay không người lái (UAV/Drone) được coi là giải pháp hữu hiệu.

"Ứng dụng drone được xem là một giải pháp hỗ trợ nông dân trên toàn cầu, đặc biệt nông dân sản xuất quy mô nhỏ tại các nước Châu Á có thể giải quyết một số thách thức trong sản xuất nông nghiệp. Các ứng dụng của drone có thể kể đến như lập bản đồ, kiểm tra và theo dõi mùa vụ, phun thuốc bảo vệ thực vật, giám sát tưới tiêu và chăn thả gia súc" - ông Huỳnh Tấn đạt thông tin, đồng thời cho biết thêm: Để tiến tới ứng dụng công nghệ mới này, mới đây, ngày 19.8, Bộ NNPTNT đã phối hợp cùng Hiệp hội CropLife Việt Nam đồng tổ chức hội thảo “Chia sẻ thông tin, quy định về quản lý và sử dụng UAV/Drone của một số nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và góp ý cho dự thảo Tiêu chuẩn cơ sở về khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật bằng UAV”. 

“Đây là hội thảo tiền đề hướng tới ứng dụng các công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp; đổi mới tư duy và thay đổi phương thức canh tác theo hướng thông minh và bền vững nhằm tiết kiệm chi phí đầu vào, giảm các tác động tiêu cực từ canh tác nông nghiệp tới sức khoẻ và môi trường,  đồng thời nâng cao chất lượng nông sản cho tiêu dùng và xuất khẩu. Chúng tôi hy vọng các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan quản lý nhà nước và địa phương để tiến tới áp dụng hiệu quả và kịp thời công nghệ này vì lợi ích lớn nhất dành cho nông dân”- ông Đạt nói.

UAV/Drone giải quyết vấn đề nhân lực và hiệu quả sản xuất

Theo một nghiên cứu do  Goldman Sachs thực hiện, nông nghiệp được dự báo sẽ là ngành có mức độ ứng dụng drone lớn thứ 2 trên toàn cầu trong vòng 5 năm tới.

Chỉ tính riêng tại Trung Quốc, số lượng drone sử dụng trong nông nghiệp ước tính trong giai đoạn 2016–2017 là khoảng 13.000 thiết bị bay; tới năm 2021, con số này đã lên hơn 160.000 (tăng hơn 10 lần) với tổng diện tích ứng dụng ước tính là gần 87 triệu hécta. Sự thay đổi này còn được thúc đẩy nhanh chóng bởi các nước trong khu vực Châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ - những nơi mà việc sử dụng drone đã mang lại nhiều cơ hội tiềm năng trong việc giải quyết các áp lực gia tăng về an ninh lương thực do tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động, xu hướng già hoá dân số và quá trình đô thị hoá nhanh chóng. 

Trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, ứng dụng drone để phun thuốc bảo vệ thực vật đang trở nên ngày càng phổ biến nhờ những ưu điểm nổi bật về hiệu quả, độ chính xác, tiết kiệm chi phí công lao động, giảm lượng nước thuốc sử dụng, công suất cao, bảo vệ sức khỏe cho nông dân khi hạn chế tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật.

Ngoài ra, sử dụng drone có hiệu quả cao trong phòng trừ các sinh vật gây hại nguy hiểm, đặc biệt là nạn châu chấu sa mạc tại một số nước trong thời gian vừa qua.

Tại Việt Nam, tiềm năng ứng dụng drone trong nông nghiệp được đánh giá là rất lớn. Trong năm 2020-2021, Cục Bảo vệ Thực vật đã phối hợp cùng các tổ chức đủ điều kiện khảo nghiệm, các đơn vị cung cấp thiết bị bay trong nước, các công ty thành viên của CropLife Việt Nam và một số công ty thuộc Hội doanh nghiệp Sản xuất và Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam (VIPA) tiến hành một số các mô hình thử nghiệm phun thuốc bằng drone.

Việc thử nghiệm này được tiến hành trên 7 nhóm cây trồng chính với 8 dạng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ 15 loại sinh vật gây hại tại nhiều địa bàn sản xuất nông nghiệp khác nhau trên cả nước.

Theo Báo Lao động

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây