Tại phiên tòa xử vụ án Lừa dối khách hàng, liên quan đến dự án CT6 Kiến Hưng (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội), HĐXX yêu cầu một số bị hại trình bày mong muốn của bản thân về việc bồi thường.
Trước tòa, bà Đinh Thị Nguyệt (chủ căn hộ 202 CT6C) cho biết, quá trình mua bán, bà được phòng giao dịch của chủ đầu tư giới thiệu về vị trí, diện tích, thiết kế tòa nhà CT6C.
Về pháp lý, bị hại nói trong hợp đồng mua bán có ghi rõ về pháp lý của tòa nhà. "Trong hợp đồng ghi khi bàn giao nhà xong, phía chủ đầu tư sẽ hỗ trợ người dân làm sổ đỏ", bà Nguyệt trình bày.
Đến khi làm thủ tục đề nghị cấp sổ đỏ, bị hại cho hay lại bị Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội từ chối vì tòa CT6C xây dựng sai phạm.
HĐXX sau đó hỏi bị hại về phương án được bồi thường. Trước tòa, bà Nguyệt không hài lòng với nội dung về hậu quả vụ án và phương án bồi thường trong cáo trạng.
Bị hại cho biết, số tiền hơn 480 tỷ đồng được xác định là thiệt hại thực tế chỉ là tiền người dân bỏ ra để mua căn hộ, còn hành vi vi phạm của ông Lê Thanh Thản gây ra nhiều hệ lụy cho các chủ căn hộ.
Bà Nguyệt liệt kê là không được thế chấp để vay ngân hàng; không thể làm khai sinh, đăng ký hộ khẩu... "Cơ quan chức năng trả lời là do tòa nhà xây dựng trái phép nên không có cơ sở để làm địa chỉ đăng ký tạm trú", bà Nguyệt khai.
Về phương án bồi thường, bị hại này đề nghị bị cáo bồi thường bằng tiền, theo giá thị trường hiện tại là 25,5 triệu đồng/m2.
"Giá trị lúc mua với bây giờ khác nhau. Nếu cáo trạng yêu cầu bị cáo trả lại số tiền như trong hợp đồng đã mua thì rõ ràng bây giờ chúng tôi không thể mua căn hộ khác", bà Nguyệt nói và còn yêu cầu bị cáo bồi thường thêm một số chi phí như tiền sửa sang, mua sắm nội thất; tiền tổn thất tinh thần.
"Tôi đề nghị tòa xem xét giải quyết luôn quyền lợi của chúng tôi trong phiên tòa này, không tách vụ án để người dân chúng tôi không phải đi khiếu kiện nữa", bà Nguyệt cho hay.
Trả lời bị hại, HĐXX cho biết căn hộ xây dựng trái phép thì không thể định giá hiện tại. Còn về hợp đồng mua bán giữa 2 bên, tòa cho biết tương lai sẽ tuyên vô hiệu, các bên sẽ phải hoàn trả lại cho nhau như ban đầu. Những yêu cầu khác của bị hại, theo HĐXX là phải có căn cứ, chứng minh được chứ không phải cứ đưa ra một cái giá không có cơ sở.
Tại phiên tòa, có 2 bị hại khác đồng quan điểm với bà Nguyệt. Trong khi đó, một bị hại tên Thông đã mua lại căn hộ từ một người khác với giá hơn 1,3 tỷ đồng từ năm 2017. Bị hại này đề nghị bị cáo bồi thường lại số tiền mà ông đã mua lại từ chủ cũ của căn hộ.
Một bị hại tên An cũng có yêu cầu HĐXX tuyên bị cáo bồi thường theo giá trị hiện tại của căn hộ. Căn cứ để xác định giá hiện tại, theo bị hại, là dựa theo giá của những chung cư xung quanh.
Trước tòa, ông Thản cũng đưa ra phương án giải quyết đối với các cư dân là đề nghị TP Hà Nội cho phép cư dân tiếp tục sử dụng các căn hộ và phía công ty sẽ làm các thủ tục tiếp theo.
Ông Thản trình bày, phía Công ty Bemes đã đưa ra 3 phương án đối với cư dân:
Một là nếu không được cấp sổ đỏ thì chuyển đổi đất căn hộ thành diện tích đất ở. Sau đó, căn hộ sai phạm chuyển thành khách sạn theo đúng quy hoạch ban đầu.
Hai là phía Công ty Bemes mua lại các căn hộ của cư dân. Thời gian qua, Công ty Bemes cũng đã thỏa thuận và mua lại 13 căn hộ.
Phương án thứ ba, HĐXX ngắt lời ông Thản.
Sau phần xét hỏi đối với bị cáo Lê Thanh Thản và một số bị hại, HĐXX đã hội ý và ra thông báo quyết định trả hồ sơ để điều tra, làm rõ một số vấn đề hiện không thể làm rõ tại phiên tòa.