Thứ hai, 25/11/2024, 02:04

Bộ TT&TT siết SIM rác: Đại lý "bắt tay" nhân viên nhà mạng lách luật?

Khi người mua có nhu cầu, chỉ mất vài phút là đại lý đã kích hoạt xong SIM rác. Điều này khiến dư luận hoài nghi, liệu có sự tiếp tay của nhân viên nhà mạng?

 

Mỗi tháng có khoảng 1,5 triệu thuê bao viễn thông mới được kích hoạt tại Việt Nam. Một phần không nhỏ trong số đó là các thuê bao rác, cụ thể hơn là những số điện thoại không chính chủ, đứng tên người dùng này nhưng lại được bán cho người khác để sử dụng. Thực tế trên đã tồn tại nhiều năm qua bởi những lỗ hổng khó lý giải trong việc quản lý kích hoạt SIM. 

Đại lý đưa SIM rác ra thị trường như thế nào?

VietNamNet đã tiến hành khảo sát tại nhiều đại lý SIM thẻ trên địa bàn Hà Nội trong ngày 13/10/2023. Kết quả cho thấy, với những điểm đại lý chấp nhận bán SIM rác, về cơ bản, sau khi người mua thanh toán, họ sẽ được kích hoạt và bàn giao SIM theo 3 cách. 

Ở cách thứ nhất, người dùng có thể lắp SIM đã được kích hoạt sẵn luôn vào máy để sử dụng, không cần thêm bất kỳ thao tác nào. 

Trong những đợt khảo sát gần đây, phóng viên mua được nhiều SIM kích hoạt sẵn dưới dạng này ở các đại lý. Những chiếc SIM kích hoạt sẵn thuộc về nhiều nhà mạng, phổ biến nhất là Viettel, Vietnamobile...

Theo chủ một điểm bán hàng Viettel Telecom trên đường Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội), đại lý này bán SIM rác Viettel với giá 150.000 đồng. “Đây là giá SIM trắng, kích hoạt rồi, không cần đăng ký. Em mang về tự nạp tiền, rồi đăng nhập vào app My Viettel chọn gói cước sử dụng”, chủ đại lý giới thiệu. 

Khi kiểm tra thông tin thuê bao bằng cách nhắn tin tới tổng đài 1414. Kết quả cho thấy, chiếc SIM này được đăng ký vào đầu tháng 7/2023 bởi một người phụ nữ tên “Nguyen Thi Viet”, sinh năm 1985.  

W-sim-r225c-th244ng-tin-thu234-bao.jpg
Thông tin trả về từ tổng đài 1414 cho thấy SIM kích hoạt sẵn được một người tên "Nguyen Thi Viet" đăng ký từ trước.

Tại một đại lý SIM thẻ khác trên đường Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội), phóng viên cũng dễ dàng hỏi mua SIM rác, đã được kích hoạt sẵn từ trước của Viettel. 

SIM data Viettel giờ đắt lắm, con lấy loại 2GB/ngày thì 850.000 đồng, dùng được cả năm, 5GB/ngày giá 1 triệu, dùng 14 tháng, cắm vào sử dụng luôn thôi, kích hoạt sẵn rồi, không cần đăng ký gì cả”, người phụ nữ đứng tuổi nói, đồng thời khuyên người mua nên chuyển sang dùng SIM kích hoạt sẵn của Vietnamobile. 

Trên thực tế, đây là những thẻ SIM đã được chủ đại lý đăng ký, thuê người đứng tên và kích hoạt sẵn từ trước. Chỉ cần có người hỏi mua là họ giao hàng ngay, không cần phải làm thêm thao tác kích hoạt. Sự “siêu” tiện lợi của phương thức này đã dẫn đến tình trạng SIM không chính chủ. 

Với cách thứ 2, sau khi được đặt vấn đề, chủ đại lý sẽ nhờ một “người nào đó” tiến hành kích hoạt SIM. Đây là lý do dẫn đến sự hoài nghi về việc có hay không việc tiếp tay của nhân viên nhà mạng cho các đại lý để lách luật?

Trong vai một người có nhu cầu mua SIM rác, phóng viên VietNamNet đã tiếp cận một đại lý SIM thẻ ở đường Vĩnh Hưng (Hoàng Mai, Hà Nội). Khi hỏi mua SIM data không cần đăng ký, chủ đại lý cho biết, cửa hàng có sẵn SIM của nhà mạng MobiFone. 

SIM Mobi chỉ 150.000 đồng, có 7GB data mỗi ngày, lắp vào là dùng được luôn”. Sau đó, người đàn ông này đưa cho phóng viên 3 thẻ SIM để lựa chọn. 

W-sim-rac-2023-6-1.jpg
Chủ đại lý chụp ảnh thẻ SIM rồi gửi tin nhắn nhờ kích hoạt cho người mua. 

Khi người mua chọn được đầu số ưng ý, chủ đại lý mượn lại thẻ SIM, giơ điện thoại lên chụp rồi gửi tin nhắn cho một ai đó. Chỉ 5 phút sau, điện thoại nhận được tin nhắn thông báo “Quy khach da duoc mo thanh cong goi cuoc TK135”.

Cách kích hoạt SIM tương tự cũng được chủ một đại lý SIM thẻ trên đường Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) thực hiện, dù diễn ra không thuận lợi như dự kiến. 

Theo đó, khi được hỏi mua SIM data không cần đăng ký, chủ đại lý thuyết phục phóng viên mua SIM của nhà mạng VNSKY với giá 150.000 đồng. Cũng giống như ở đại lý trước, thấy khách gật đầu, bà chủ lập tức chụp lại thẻ SIM rồi nhắn tin cho một “người bí ẩn”. 

Tuy nhiên, trái với mong đợi, hơn 10 phút sau thẻ SIM vẫn không thể truy cập mạng. Sau khi kiểm tra, bà chủ đề nghị phóng viên chuyển sang một nhà mạng khác vì lý do không kích hoạt được SIM. Để chứng minh, người này giơ ra tin nhắn của nhân vật bí ẩn với nội dung: “Bộ 4T đang làm chặt, em không thể kích hoạt SIM từ 10/10”.

Ngoài phương thức kể trên, trong những đợt khảo sát trước đó, VietNamNet ghi nhận có tình trạng chủ đại lý sử dụng khay kích SIM gắn với điện thoại feature phone để kích hoạt. Hiện tượng này diễn ra cả ở Hà Nội và TP.HCM. 

Trong lần khảo sát tuần trước VietNamNet ghi nhận có SIM kích hoạt sẵn của mạng VinaPhone bán trên thị trường, nhưng trong lần khảo sát này không thấy các SIM kích hoạt sẵn của nhà mạng này bán trên thị trường.  

Chia sẻ với VietNamNet về vấn đề này, một nhà mạng cho hay sau khi Bộ TT&TT siết chặt quản lý để làm "sạch" thông tin cá nhân thì thị trường vẫn còn tồn một lượng SIM không nhỏ ở đại lý. Vì vậy, rất có thể nhân viên nhà mạng sẽ tìm cách "lách" bằng nhiều cách thậm chí có thể cho mượn tài khoản để cho đại lý kích hoạt.

Không phải ai cũng tìm mua được SIM rác

Hồi đầu năm nay, Bộ TT&TT đã triển khai 82 đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao. Thông qua những đợt thanh tra này, nhiều đại lý đã bị xử lý, nhất là các đại lý nhập SIM số lượng lớn, nhằm ngăn chặn tình trạng SIM rác.

Trước sự vào cuộc ráo riết của nhà mạng và lực lượng chức năng, nhiều chủ đại lý đã hiểu ra vấn đề và từ chối tiếp tay cho vấn nạn SIM rác, SIM không chính chủ. Tuy vậy, vẫn còn một số đại lý “ẩn mình”, sẵn sàng bán SIM rác khi có điều kiện. 

W-sim-rac-2023-5-1.jpg
Đất sống của SIM rác đang ngày càng bị thu hẹp.

Khi được hỏi vì sao mua SIM rác khó hơn nhiều so với trước đây, chủ một đại lý SIM thẻ tại Hoàng Mai (Hà Nội) tâm sự, do thường xuyên bị thanh tra, các đại lý ở trung tâm thành phố không dám bán SIM kích hoạt sẵn. 

Thay vì bán SIM, đại lý chuyển sang kiếm sống bằng việc bán thẻ cào, nạp tiền online, chuyển tiền hoặc bán các loại phụ kiện điện thoại. Ở những khu vực xa hơn, nơi vắng bóng lực lượng chức năng, việc mua bán SIM rác sẽ dễ thở hơn. 

Chia sẻ thêm, người này cho hay: “Một số đại lý vẫn có hàng nhưng phải quan sát thái độ người mua họ mới dám bán”. “Nếu ăn mặc bảnh bao, lịch sự, đi xe đẹp, chắc chắn chẳng ai dám bán SIM rác cho em bởi họ sợ gặp phải thanh tra”, chủ đại lý tiết lộ “bí kíp”.

Trên thực tế, việc chủ đại lý SIM thẻ có tâm lý thăm dò, “nhìn mặt bắt hình dong” mới chịu bán SIM là điều có thực. Tại TP.HCM, phóng viên VietNamNet đã nhận phải không ít ánh mắt nghi ngờ, thận trọng từ các chủ đại lý khi hỏi mua SIM rác. 

Chỉ đến khi được giải thích cần mua SIM số lượng lớn để làm chăm sóc khách hàng, nhiều chủ đại lý mới chịu bán SIM kích hoạt sẵn. Cũng có không ít chủ đại lý chia sẻ “nãy giờ tưởng nhà báo” nên sợ, không dám bán SIM rác do dạo này thanh tra nhiều và phạt rất nặng.

Chia sẻ với VietNamNet về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, mục tiêu của Bộ TT&TT là ngăn chặn vấn nạn SIM rác và làm "sạch" thông tin cá nhân của khách hàng. Bộ TT&TT có thể sẽ đưa ra nhiều biện pháp quản lý để đạt được mục tiêu cuối cùng là chặn được vấn nạn SIM rác và lợi dụng việc này để lừa đảo trên không gian mạng. Cục Viễn thông sẽ xử lý nghiêm với những nhà mạng vi phạm các quy định về quản lý thông tin thuê bao. 

 Tags: sim rác

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây