Nhận thức rõ, công tác dân vận và phong trào “Dân vận khéo” cũng như hoạt động của các tổ tự quản có vai trò quan trọng thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, trọng tâm là thực hiện Đề án thí điểm Xây dựng huyện Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hoá gắn với du lịch; thời gian qua, các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở huyện đã rất quan tâm chăm lo công tác này.
Ban Thường vụ Huyện uỷ đã ban hành Đề án số 07, ngày 11/9/2018 về xây dựng tổ tự quản ở cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện. Trên cơ sở đó, các địa phương tiến hành rà soát củng cố và kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động các tổ tự quản; góp phần tăng cường đoàn kết, sáng tạo, phát huy quyền làm chủ của người dân ở từng cụm dân cư xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Cụ thể, các tổ tự quản tự phát huy vai trò, đề ra giải pháp và tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo an ninh trật tự; vận động các hộ gia đình và nhân dân tự giác hiến đất, đóng góp ngày công, tiền, để chỉnh trang bộ mặt nông thôn, xây dựng đô thị văn minh; vận động người dân xây dựng đời sống văn hoá, hỗ trợ tương trợ lẫn nhau để phát triển kinh tế, vun đắp tình làng nghĩa xóm “tối lửa tắt đèn” có nhau…
Riêng năm 2023, tổng 1.927 tổ tự quản trong toàn huyện đã vận động người dân tự nguyện hiến 26.827m2 đất; tháo dỡ 7.535 mét bờ rào; tham gia 51.167 ngày công; đóng góp trên 45 tỷ đồng để nâng cấp, xây dựng gần 64 km đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi xã hội khác.
Công tác dân vận, phong trào “Dân vận khéo” được chỉ đạo bài bản thông qua thành lập ban chỉ đạo các cấp; hàng năm đều ban hành kế hoạch chỉ đạo, trong đó xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm công tác dân vận trên các lĩnh vực: Dân vận của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị và lực lượng vũ trang.
Trên cơ sở đó, các ngành, tổ chức và cơ sở đều cụ thể hoá các nhiệm vụ, công việc cụ thể sát với thực tiễn, đặc biệt là khâu khó, nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung công tác dân vận, xây dựng các mô hình “Dân vận khéo”. Kết quả 5 năm (2018 – 2023), toàn huyện đã đăng ký và xây dựng được 1.015 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá – xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng hệ thống chính trị.
Thông qua quan tâm công tác dân vận, đẩy mạnh phong trào “Dân vận khéo” và chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động các tổ tự quản, đã góp phần thúc đẩy phát triển với nhiều nổi bật.
Huyện Nam Đàn trở thành đơn vị dẫn đầu trong tỉnh về số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao với số 9 xã; 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu; có 69 sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Huyện đã hoàn thành 35/42 nội dung tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hoá gắn với du lịch theo Quyết định số 17 của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phan Thanh Đoài – Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ đã đánh giá cao sự quyết liệt, bài bản, sáng tạo, đổi mới trong công tác dân vận và phong trào “Dân vận khéo”, nâng cao chất lượng các tổ tự quản của huyện Nam Đàn.
Nhấn mạnh vai trò công tác dân vận, phong trào “Dân vận khéo” và hoạt động của tổ tự quản đối với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị và phong trào của địa phương, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ cũng mong muốn cấp uỷ, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, huyện Nam Đàn tiếp tục cụ thể hoá các chủ trương của Đảng, Tỉnh uỷ về công tác dân vận, gắn bám sát thực tiễn địa phương để triển khai có hiệu quả, góp phần thúc đẩy, đưa huyện Nam Đàn phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Dịp này, Huyện uỷ Nam Đàn biểu dương, khen thưởng 23 tập thể và 6 cá nhân có nhiều thành tích trong tổ chức, xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”; biểu dương 22 tổ tự quản tiêu biểu.
Tại hội nghị, đồng chí Phan Thanh Đoài - Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ trao Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Dân vận" cho 2 đồng chí Nguyễn Hồng Sơn - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn và Đoàn Thị Oanh - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Nam Cát.