Thứ bảy, 12/10/2024, 22:09

Kiến nghị 3 giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Chiều 12/7, trong chương trình Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, 22 đại biểu thuộc các đơn vị bầu cử: TP. Vinh, các thị xã: Cửa Lò, Hoàng Mai, Thái Hòa và các huyện: Hưng Nguyên, Nam Đàn tiến hành phiên thảo luận tại Tổ 1.

Dự phiên thảo luận có đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh tại đơn vị bầu cử TP. Vinh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Thị Kim Chi - Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh; Phan Đức Đồng - Bí thư Thành ủy Vinh; cùng đại diện lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh, một số sở, ngành, địa phương.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 1.

 Các ý kiến thảo luận tại tổ đều thống nhất cao các báo cáo trình bày trong kì họp thứ 7 của HĐND tỉnh. Trong đó ghi nhận sự ổn định, phục hồi kinh tế sau khi dịch bệnh Covid -19 được kiểm soát. Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Chi – đơn vị bầu cử thị xã Cửa Lò đề nghị: cần có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để thay đổi, tạo động lực để đột phá, tăng tốc hơn trong thời gian tới. Một trong số đó chính là tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý kỉ luật đối với những vi phạm về đạo đức công vụ, gây cản trở, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. 

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Chi - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh phát biểu tại thảo luận Tổ 1. 

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Chi nói rằng, một số cán bộ, đảng viên, chuyên viên, nhân viên bị khởi tố là điều đáng buồn nhưng rất cần thiết vì trong thực tế, dù không phải tất cả nhưng vẫn còn những cơ quan chưa thể hiện được sự tương tác, phối hợp; điều đó khiến cho hệ thống khi thực hiện nhiệm vụ chung, công việc chung bị chậm trễ.

Nhấn mạnh cần thẳng thắn nhìn nhận, đạo đức công vụ qua thước đo hài lòng, chỉ số, phản ánh của người dân và doanh nghiệp, đại biểu đơn vị thị xã Cửa Lò nêu quan điểm: Chính chúng ta phải thay đổi chúng ta và chúng ta phải tự xem lại mình. Nếu những vụ việc xử lý vừa qua chưa đủ sức răn đe thì thời gian tới phải tiếp tục thực hiện mạnh hơn nữa.

Có như vậy, thì với những cơ chế, chính sách của Trung ương, Chính phủ dành cho tỉnh; sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh mới có thể có được bước đi và đạt được những kết quả tốt hơn thời gian tới, đáp ứng được sự trông chờ của người dân, sự mong muốn của doanh nghiệp.

Đại biểu Phạm Tuấn Vinh - Bí thư Thị ủy Thái Hòa phát biểu ý kiến thảo luận tại Tổ 1. 

Đến từ Tổ đại biểu thị xã Thái Hòa, theo đại biểu Phạm Tuấn Vinh có 3 nguyên nhân khiến kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm nay thấp hơn cùng kì năm 2021 và thấp hơn trung bình cả nước: Năm 2022 là năm đầu tiên thực hiện các nội dung trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 -2025 nên khối lượng công việc triển khai các dự án đầu tư công rất nhiều dẫn đến quá tải từ các địa phương đến các sở, ngành; đồng thời giá nguyên, vật liệu tăng cao ảnh hưởng đến tiến độ lập duyệt, phê duyệt các dự án, cũng như khởi công các công trình; năng lực, chất lượng, số lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý dự án chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

Sau khi phân tích lý do, đại biểu Tuấn kiến nghị 3 giải pháp: "Bên cạnh sự chủ động của các chủ đầu tư, đề nghị các sở, ban, ngành quan tâm phối hợp với các chủ đầu tư trong quá trình lập, thẩm định các dự án đầu tư công. Liên sở tài chính và xây dựng cần cập nhật thường xuyên giá nguyên vật liệu để phê duyệt. Cần phải xây dựng bộ máy ban quản lý dự án các địa phương, ban, ngành đề nghị quan tâm cụ thể trong giao tự chủ cho Ban quản lý dự án các địa phương. Muốn làm tốt, bộ máy phải vững, cán bộ yên tâm công việc. Thực tế hiện nay, mỗi huyện, địa phương đang làm một cách".

Đặc biệt, theo đại biểu Phạm Tuấn Vinh cần xây dựng bộ máy ban quản lý dự án các địa phương, ban, ngành thực sự đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Vấn đề này, đại biểu đến từ Thái Hòa đề nghị Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh ban hành hướng dẫn cụ thể trong việc giao tự chủ cho ban quản lý dự án các địa phương.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, đại biểu huyện Nam Đàn phát biểu thảo luận. 

Về các giải pháp trong thời gian tới, đại biểu HĐND tỉnh Lê Hồng Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu và có giải pháp hỗ trợ nông dân trong bối cảnh vật tư nông nghiệp tăng giá, trong khi nông nghiệp là lĩnh vực rất quan trọng.

Các đại biểu cũng đề nghị UBND tỉnh cần đồng hành với cơ sở hơn nữa trong việc giải quyết cán bộ dôi dư sau khi sáp nhập. Thực tế, với các địa phương đây đang là bài toán rất khó giải. 

Thượng tọa Thích Thọ Lạc - đại biểu TP. Vinh phát biểu tại thảo luận Tổ 1. 

Thượng tọa Thích Thọ Lạc - đại biểu TP. Vinh cũng nêu ý kiến xung quanh việc thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái văn hóa tâm linh; dự án hỏa táng và tăng cường vai trò của các tôn giáo trong giáo dục đạo đức.

Về việc thực hiện các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn, các đại biểu cũng đề nghị UBND tỉnh cần yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định đề ra. Bởi địa bàn thi công các công trình đang phổ biến tình trạng xe quá khổ, quá tải; nảy sinh các vấn đề ảnh hưởng đến sản xuất, cuộc sống của người dân… Các đại biểu cũng nêu ý kiến về thiếu hụt nguồn nhân lực trong ngành Du lịch hiện nay; tình trạng mất cân bằng giới tính; trẻ em bị xâm hại, tai nạn thương tích, đuối nước trong dịp hè…

Đồng chí Nguyễn Hữu An - Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai, Tổ trưởng Tổ 1 kết luận phiên thảo luận. 

Tại tổ 1, các đại biểu cũng quan tâm thảo luận vào dự thảo nghị quyết về giáo viên mầm non, các ý kiến khẳng định: đây là nghị quyết vô cùng cần thiết và mong muốn đại biểu hội đồng sẽ đồng thuận để thông qua kì họp này. Đồng thời, nếu nghị quyết được thông qua, ban hành thì điều rất quan trọng là 3 sở: Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo và Tài chính phải tích cực làm việc với các địa phương để dành biên chế hàng năm cho đối tượng này, làm sao đến năm 2025 với nhiều giải pháp khác, số lượng hợp đồng này được tuyển dụng vào viên chức. 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây