Thứ hai, 02/12/2024, 02:50

Kiến nghị xem xét chuyển cơ quan thanh tra, điều tra toàn diện chiết khấu SGK

Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chuyển cơ quan chức năng thanh tra/điều tra toàn diện việc xác định, sử dụng chi phí phát hành (chiết khấu) sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

 

Ngày 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.

Một trong những nội dung đáng chú ý được giám sát là đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông (SGK).

Phát hành sách giáo khoa qua nhiều khâu trung gian

Kết quả giám sát ghi nhận sự nỗ lực, tích cực của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân có liên quan.

Sách giáo khoa triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới được bảo đảm đầy đủ theo đúng lộ trình quy định. Nội dung sách giáo khoa cơ bản đã đáp ứng yêu cầu, được đổi mới theo hướng tinh giản, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Chiều nay, Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo và ra nghị quyết giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Đoàn giám sát đánh giá, hệ thống sách giáo khoa phong phú, đa dạng, tạo điều kiện cho học sinh, giáo viên lựa chọn các bộ sách phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đặc điểm vùng miền, nhận thức của học sinh.

Năm học 2020-2021, có 5 bộ sách sách giáo khoa lớp 1. Từ năm học 2021-2022 đến nay, có 3 bộ sách: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cánh diều…

Bên cạnh kết quả đạt được, đoàn giám sát chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong thực hiện đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Chẳng hạn, việc thẩm định, tiếp thu chỉnh sửa một số sách giáo khoa chưa chặt chẽ dẫn tới chất lượng chưa bảo đảm, còn nhiều lỗi, nội dung thiếu chính xác, văn phong chưa chuẩn mực ở nhiều sách giáo khoa, nhất là với sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1, Khoa học tự nhiên lớp 6 và Lịch sử lớp 11.

Chất lượng một số sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn hạn chế. Một số sách giáo khoa có nội dung chưa phù hợp với học sinh, còn khó, kiến thức nặng. Một số nội dung chưa cụ thể nên học sinh khó hiểu, khó giải thích vấn đề; chưa phù hợp với một số vùng miền, có từ ngữ mang tính địa phương; một số đoạn văn, bài thơ đưa vào sách giáo khoa chưa được đánh giá cao.

Việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa cũng có bất cập. Ở một số địa phương, việc lập hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa còn thiếu sót so với quy định.

Điều này được thể hiện trong kết luận của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra 6 tỉnh (Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Đắk Lắk, Quảng Ngãi và Khánh Hòa) có một số sai sót trong quy trình lựa chọn sách giáo khoa.

Cạnh đó, nhiều địa phương chỉ chọn 1 bộ sách giáo khoa thực hiện chung trên địa bàn, trong đó có 14 tỉnh, TP (Bắc Kạn, Quảng Nam, Yên Bái; Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Tháp; TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng, Hậu Giang, Quảng Ninh, Sơn La, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc) chỉ chọn 1 bộ sách giáo khoa cho lớp 1.

39 tỉnh, TP (Lai Châu, Bắc Kạn, Điện Biên, Hà Giang, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Nam, Ninh Thuận, Khánh Hòa; TP HCM, Sóc Trăng… ) chỉ chọn 1 bộ sách giáo khoa cho lớp 2.

31 tỉnh, TP (Đồng Tháp, TP.HCM, Sóc Trăng, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long…) chọn 1 bộ sách giáo khoa cho lớp 6.

Theo đoàn giám sát, việc lựa chọn nhiều bộ sách giáo khoa tạo ra khó khăn trong khâu đặt hàng, bảo đảm cung ứng sách giáo khoa trước năm học mới. Sự khác biệt về nội dung, cấu trúc trong mỗi bộ sách khó khăn cho việc ra đề thi chung, học sinh chuyển trường phải mua lại sách giáo khoa, khó tiếp cận kiến thức.

Trong khi đó, cung ứng, phát hành sách giáo khoa còn nhiều bất cập, qua nhiều khâu trung gian. Tình trạng thiếu sách giáo khoa diễn ra ở nhiều nơi, nhất là trước thềm năm học mới. Phụ huynh, học sinh gặp nhiều phiền hà trong việc mua sách giáo khoa theo kênh phát hành tự do qua hệ thống cửa hàng bán lẻ.

Chiết khấu lên đến 35%

Bên cạnh đó, Đoàn Giám sát cũng chỉ ra nhiều bất cập liên quan đến giá sách giáo khoa. Cụ thể, giá sách giáo khoa tăng 2-4 lần giá sách giáo khoa chương trình cũ.

Đoàn giám sát dẫn chứng với Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, các bộ sách giáo khoa lớp 1 mới có giá từ 179.000-194.000 đồng/bộ, khoảng 19.000/cuốn; trong khi bộ sách cũ có giá 54.000 đồng, khoảng 9.000 đồng/cuốn. Tương tự, các bộ sách giáo khoa lớp 2 mới có giá từ 179.000-186.000 đồng/bộ, khoảng 18.000/cuốn; bộ cũ có giá 53.000 đồng….

Đoàn giám sát cho rằng, giá sách cao, gây khó khăn cho một bộ phận người dân, nhất là ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài ra còn có tình trạng bán sách giáo khoa kèm sách bài tập, tài liệu tham khảo diễn ra ở nhiều nơi, dẫn tới tăng chi phí mua sách.

Điều đáng nói là mặc dù có nhiều nhà xuất bản tham gia làm sách giáo khoa, có nhiều bộ sách giáo khoa, nhưng giá sách không giảm, mà thực tế đang tăng. Giá sách giáo khoa môn tiếng Anh cao hơn nhiều so với các môn học còn lại nhưng không sử dụng được nhiều lần.

Đáng chú ý là chi phí phát hành sách giáo khoa cao, chưa hợp lý so với các mặt hàng thiết yếu. Mức tối đa phí phát hành (chiết khấu) sách theo chương trình mới cho các đơn vị đầu mối phát hành phục vụ năm học 2020-2021, 2021-2022 với sách giáo khoa là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%.

Năm học 2022-2023, chiết khấu với sách giáo khoa là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15%.

Từ kết quả giám sát này, đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chuyển cơ quan chức năng thanh tra/điều tra toàn diện việc xác định, sử dụng chi phí phát hành (chiết khấu) sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây