Thứ năm, 21/11/2024, 18:25

Nhà báo Trần Văn Hiền và hành trình 15 năm tìm tên tuổi 511 nhà báo liệt sĩ

Ở tuổi 75, nhà báo Trần Văn Hiền vẫn nhớ như in từng thời khắc trong hành trình 15 năm tìm hiểu, viết bài về các anh hùng liệt sĩ là nhà báo đã anh dũng hy sinh trong các cuộc chiến tranh.

 

Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2023) hằng năm là dịp tưởng nhớ những người con ưu tú đã hy sinh vì Tổ quốc.  
Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ, VietNamNet xin gửi tới bạn đọc câu chuyện về sự hy sinh thầm lặng của những nhà báo liệt sĩ qua lời kể và hành trình 15 năm tìm hiểu, thu thập thông tin về 511 nhà báo liệt sĩ của nhà báo Trần Văn Hiền, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An.


Một ngày gần cuối tháng 7, chúng tôi hẹn nhà báo Trần Văn Hiền tại chùa Da (chùa Âu Lạc) ở xã Hưng Lộc, TP Vinh, Nghệ An. 

Nơi đây có không gian thờ tự “Anh linh anh hùng liệt sĩ nhà báo cách mạng Việt Nam” với danh sách, tên tuổi, địa chỉ và đơn vị công tác của 511 liệt sĩ là nhà báo đã ngã xuống trong 3 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Nhà báo Trần Văn Hiền bên ban thờ các nhà báo liệt sĩ ở chùa Âu Lạc. Ảnh: Quốc Huy

Hai người bạn hy sinh ở chiến trường biên giới

Ngồi lặng trước ban thờ các liệt sĩ, nhà báo Trần Văn Hiền kể, trong khóa 2, năm 1974 – 1976 ở Đại học báo chí Hà Nội (Học viện Báo chí & Tuyên truyền), ông có 2 người bạn là Lang Văn Mẫu (SN 1947, làm báo Hoàng Liên Sơn), người dân tộc Nùng, quê tỉnh Cao Bằng và Vũ Hiến (SN 1947, làm báo Quân chủng Hải quân), quê huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Cả hai người bạn học của ông Hiền đều hy sinh năm 1979, trong lúc tác nghiệp ở biên giới phía Bắc và phía Nam của đất nước.

“Cả 3 chúng tôi là bạn học, trong đó anh Hiến là người tôi chơi thân. Anh Hiến da trắng, hiền lành, thư sinh, nói chuyện nhỏ nhẹ. Còn anh Mẫu là người hoạt bát”, ông Hiền nhớ lại.

Ông Hiền kể về trường hợp nhà báo Vũ Hiến đi cùng Lữ đoàn 126, hy sinh vào ngày 7/2/1979, khi đang ngồi trên xe tăng, trước ngực mang khẩu súng AK và một máy ảnh. Anh Hiến bị đạn bắn thẳng tại ngã 3 Valung (Campuchia) trên đường tiến vào Phnom Penh.

Di ảnh nhà báo Vũ Hiến (giữa). Ảnh: Quốc Huy 
Nhà báo Trần Văn Hiền đang trao đổi với PV VietNamNet. Ảnh: Bảo Ngọc

Ở thời điểm đó, đoàn quân tiến vào Phnom Penh (Campuchia), những người hy sinh đều được bọc trong túi nilon đặt tại cảng Công Pong Xom để đưa về nước. Tuy nhiên, không may cảng này bị bọn Pol Pot tái chiếm và chúng đốt thi thể các liệt sĩ. 

Một thời gian sau, khi quân cách mạng giành lại cảng, hài cốt các liệt sĩ được đưa về đảo Thổ Chu (Kiên Giang) chôn cất cho đến ngày nay. Trong số đó, có liệt sĩ Vũ Hiến nhưng không xác định được vị trí, điểm chôn cất.

Còn liệt sĩ Lang Văn Mẫu là người xông xáo ở chiến trường bảo vệ biên giới phía Bắc – làm ở báo Hoàng Liên Sơn. Ông Hiền chỉ biết, anh Mẫu đang tác nghiệp thì trúng pháo địch, hy sinh năm 1979. 

Chuyện kể của lữ đoàn trưởng 

Nhà báo Trần Văn Hiền tâm tư: "Đến bây giờ tôi còn rất thương anh Vũ Hiến. Từ 2 liệt sĩ là bạn học, tôi nảy ra ý tưởng sẽ viết lại tất cả chân dung các nhà báo đã hy sinh.

Ông Trần Văn Hiền giới thiệu về ảnh của nhà báo Vũ Hiến. Ảnh: Quốc Huy

Năm 1995, ông Hiền ra Hải Phòng tìm hiểu về sự hy sinh của nhà báo Vũ Hiến. Ông tìm gặp bà Nguyễn Thị Thân (vợ nhà báo Vũ Hiến) ở khu tập thể của cán bộ, chiến sĩ của Bộ Tư lệnh Hải quân.

"Bà Thân nói, tôi chỉ nhận được giấy báo tử, không biết chồng hy sinh trong trường hợp nào. Sau đó, tôi tìm đến Lữ đoàn 126 tham gia đánh vào cảng Công Pong Xom. Đến đây, tôi gặp được ông Nguyễn Văn Tình - Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 126", ông Trần Văn Hiền kể lại.

"Ông Nguyễn Văn Tình kể, anh Vũ Hiến vì muốn đi nhanh trên xe tăng để sớm vào Phnom Penh thay vì ngồi xe tải. Khi đến ngã 3 Valung thì bị Pol Pot phục kích. Anh Vũ Hiến hy sinh trong tư thế tác nghiệp, khẩu súng AK và máy ảnh trước ngực", ông Hiền nhớ lại. 

Ông Trần Văn Hiền kể về đồng nghiệp. Ảnh: Quốc Huy

Xe tăng mà anh Vũ Hiến đi theo tác nghiệp bị B41 bắn cháy. Anh hy sinh, chiếc máy ảnh văng ra xa, được đồng đội cất giữ. 

Đây cũng là tình tiết để nhà báo Trần Văn Hiền viết bài, viết thư gửi cho vợ liệt sĩ Vũ Hiến để bà biết về sự hy sinh của chồng mình.

“Tôi nghe xong càng thương anh Vũ Hiến hơn, anh ra đi để lại 4 người con. Anh Vũ Hiến đã từng là phóng viên chiến trường thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Thế nhưng, khi hòa bình lập lại, anh vẫn tiên phong vào chiến trường Tây Nam khốc liệt…”, nhà báo Trần Văn Hiền nhớ về người bạn học đã hy sinh.

"Anh ấy không về..."Nhà báo Trần Văn Hiền kể, vào năm 1985, vợ liệt sĩ Vũ Hiến là bà Nguyễn Thị Thân đi từ Hải Phòng vào Kiên Giang để xin đưa hài cốt của chồng về quê hương. 
“Khi bốc lên thì chị Thân bảo không phải. Bởi vì chồng chị có chiếc răng số 8 bịt vàng nhưng hài cốt này không có.
Sau đó, mọi người khấn xin hoàn thổ để lại. Về quê, chị Thân nói dối mẹ chồng là anh ấy không muốn về, ở lại với đồng đội tại nghĩa trang đảo Thổ Chu”, giọng ông Hiền chùng xuống
.Ông còn cho biết, mẹ của liệt sĩ Vũ Hiến được công nhận là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Anh Hiến hy sinh khi đang cấp bậc Đại úy, phóng viên Báo Quân chủng Hải quân.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây