Chủ nhật, 08/09/2024, 00:35

Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội làm việc với tỉnh Nghệ An

Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã khảo sát tình hình thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, đầu tư công và triển khai thực hiện Nghị quyết số 36 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

 

Chiều 21/7, tại thị xã Cửa Lò, Đoàn công tác Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội do đồng chí Lê Quang Mạnh - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An nhằm khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước và đầu tư công 6 tháng đầu năm 2023; Đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025; Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 36 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh.

Tham gia đoàn có các đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội: Nguyễn Vân Chi, Nguyễn Hữu Toàn, Vũ Thị Lưu Mai, Phạm Thúy Chinh và các đồng chí Ủy viên Thường trực.

Tiếp và làm việc với đoàn, về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Thái Thị An Chung - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh và các sở, ngành.

bna_IMG_7842.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội với lãnh đạo tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

THU NGÂN SÁCH 6 THÁNG ƯỚC THỰC HIỆN 8.489 TỶ ĐỒNG

Báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng tình hình kinh tế - xã hội của Nghệ An tiếp tục đạt được kết quả quan trọng, khá tích cực.

Tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng ước đạt 5,79%. Thu hút đầu tư có 66 dự án cấp mới và điều chỉnh 84 lượt dự án; tổng số vốn cấp mới và tăng thêm hơn 22.300 tỷ đồng. Đặc biệt, thu hút FDI của tỉnh đạt 725,4 triệu USD, xếp vị trí thứ 8/63 địa phương trong cả nước.

Tỉnh phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, các bộ, ngành hoàn thành Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 về phát triển tỉnh Nghệ An, trong đó Bộ Chính trị đã thống nhất ban hành Nghị quyết mới; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

bna_IMG_7903.jpg
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo các nội dung với đoàn công tác. Ảnh: Phạm Bằng

Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Đặc biệt, tỉnh đã triển khai kịp thời và hiệu quả Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, người có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Tính đến ngày 30/6, các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp đã đăng ký ủng hộ Chương trình với tổng số 12.549 căn nhà, tương ứng 636 tỷ đồng; tổng số nhà đã và đang làm là 3.076 căn.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước thực hiện 8.489 tỷ đồng, đạt 53,5% dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 80,5% so với cùng kỳ. Mặc dù thu ngân sách vượt tiến độ dự toán HĐND tỉnh giao nhưng thấp hơn so với cùng kỳ, chưa đạt kịch bản đề ra.

Đến nay, Nghệ An cơ bản đã hoàn thành giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023; hoàn thành giao 100% số vốn thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Tính đến ngày 10/7, tỉnh đã giải ngân 3.174,193 tỷ đồng, đạt 35,14% kế hoạch năm 2023. Trong đó, nguồn ngân sách Trung ương đạt 27,59% kế hoạch; nguồn ngân sách địa phương đạt 41,03% kế hoạch.

bna_IMG_7918.jpg
Đồng chí Nguyễn Hữu Toàn - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

PHÂN BỔ VỐN ĐẦU TƯ CÔNG CÓ TRỌNG TÂM, TRỌNG ĐIỂM

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cũng cho biết, việc phân bổ vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 và hàng năm trên địa bàn tỉnh cơ bản đảm bảo đúng nguyên tắc, thứ tự ưu tiên theo quy định và có trọng tâm, trọng điểm; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài.

Thể hiện, so với giai đoạn 2016-2020, đối với nguồn ngân sách Trung ương, số lượng dự án giảm 61,36% (từ 308 dự án xuống còn 119 dự án), suất đầu tư 1 dự án tăng gần 3,31 lần. Đối với nguồn ngân sách địa phương, số lượng dự án giảm 65,36% (từ 869 dự án xuống còn 301 dự án), suất đầu tư 1 dự án tăng 3,48 lần.

Về tình hình phân bổ và giải ngân kế hoạch đầu tư công trung hạn trong 3 năm từ 2021-2023, đối với nguồn ngân sách Trung ương (chưa bao gồm Chương trình mục tiêu quốc gia) là 11.195,42 tỷ đồng được bố trí cho 119 dự án, dự kiến hoàn thành 118 dự án. Từ năm 2021-2023, đã bố trí 117 dự án với số vốn 8.573,929 tỷ đồng; đã hoàn thành 55 dự án và dự kiến hoàn thành trong năm 2023 là 35 dự án, đạt 76,27% trong giai đoạn 2021-2025.

bna-img-7935-2609.jpeg
Đồng chí Nguyễn Vân Chi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Đối với nguồn ngân sách địa phương, kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2025 là 8.532,8 tỷ đồng, bố trí cho 301 dự án, dự kiến hoàn thành 291 dự án. Từ năm 2021-2023, bố trí 287 dự án với số vốn 4.661,761 tỷ đồng; đã hoàn thành 138 dự án và dự kiến hoàn thành trong năm 2023 là 34 dự án; đạt 59,11% trong giai đoạn 2021-2025.

Đối với nguồn chương trình mục tiêu quốc gia, tổng kế hoạch giai đoạn 2021-2025 đã giao 1.740 dự án/4.931,108 tỷ đồng cho 3 Chương trình MTQG; trong đó đã giao các năm 2021-2023 là 1.220 dự án/2.214,521 tỷ đồng, ước giải ngân 2.126 tỷ đồng, đạt khoảng 96%.

NHIỀU VƯỚNG MẮC, KHÓ KHĂN TRONG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 36 CỦA QUỐC HỘI

Về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 36 của Quốc hội, Nghệ An đang trình 3 dự án ODA với tổng số vốn vay lại nguồn vay nước ngoài của Chính phủ là 2.041,1 tỷ đồng. Như vậy, tỉnh vẫn còn dư địa để đề xuất các khoản vay các dự án mới trong giai đoạn 2024 - 2026.

bna_IMG_7923.jpg
Đồng chí Vũ Thị Lưu Mai - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Đối với chính sách về tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu, hiện nay tỉnh chưa có tăng thu để phát huy hiệu quả chính sách. Bên cạnh đó, mỗi năm tỉnh được bổ sung khoảng 1.800 tỷ đồng số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước. Nguồn bổ sung tăng thêm này được tỉnh phân bổ các nhiệm vụ giáo dục, y tế, an sinh xã hội và đầu tư dự án trọng điểm.

Đối với chính sách quản lý rừng, đất đai, tỉnh đã thực hiện được một số dự án nhưng còn vướng mắc trong việc chuyển đổi mục đích đất lúa nước 1 vụ. Đối với chính sách quản lý quy hoạch, UBND tỉnh đã thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Vinh giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, thời gian tới, tỉnh sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, đặc biệt là triển khai thực hiện nghị quyết mới của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Tổ chức công bố, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng phê duyệt.

bna_IMG_7945.jpg
Đồng chí Phạm Thúy Chinh - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Bên cạnh đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục để sớm khởi công thực hiện 2 dự án hạ tầng chiến lược là Cảng nước sâu Cửa Lò và mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh; hoàn thành Đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh; tăng cường thu hút đầu tư, cải cách hành chính, thực hiện các nhiệm vụ thu ngân sách và đầu tư công theo mục tiêu của năm 2023.

Tại buổi làm việc, các đồng chí Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã phân tích, đánh giá, trao đổi việc thực hiện các nhiệm vụ về thu ngân sách, đầu tư công, triển khai Nghị quyết 36 của Quốc hội; đồng thời cho ý kiến vào các kiến nghị của tỉnh.

TỈNH NGHỆ AN KIẾN NGHỊ 3 NỘI DUNG QUAN TRỌNG

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An đã trao đổi, làm rõ thêm các vấn đề về giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện chính sách chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước theo Nghị quyết 36 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Bí thư Tỉnh uỷ Thái Thanh Quý cho rằng, trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư công, khâu yếu nhất vẫn là chuẩn bị thực hiện dự án. Mặt khác, việc phân bổ vốn chậm cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai của tỉnh; trong công tác điều hành vẫn còn những hạn chế về giải phóng mặt bằng, kiểm tra, đôn đốc, xử lý...

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Nghệ An đã thực hiện quyết liệt với nhiều giải pháp mạnh, như yêu cầu báo cáo tiến độ 10 ngày/lần, điều chuyển vốn ngay từ giữa năm, gắn trách nhiệm với người đứng đầu, nghiên cứu xem xét thay thế cán bộ tại các ban quản lý dự án, chủ đầu tư yếu kém, chuyển chủ đầu tư...

bna_IMG_8018.jpg
Đồng chí Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Bí thư Tỉnh uỷ Thái Thanh Quý nhấn mạnh, thời gian qua, tỉnh đã đoàn kết, thống nhất trên các mặt công tác; điều hành có trọng tâm, trọng điểm bằng quyết tâm chính trị rất cao, tạo được tiếng nói đồng thuận trong nhiều nhiệm vụ quan trọng.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung mạnh cho công tác đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng khu công nghiệp. Tỉnh đã thu hút được 3 nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp chiến lược là VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt, nhờ đó đã thu hút được nhiều nhà đầu tư thứ cấp, góp phần tăng quy mô nền kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đóng góp xuất khẩu.

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Thanh Quý mong Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội quan tâm xem xét, ủng hộ tỉnh trong việc xây dựng, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai thực hiện nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phát triển tỉnh Nghệ An; bổ sung kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn qua tỉnh Nghệ An khoảng 1.282,52 tỷ đồng; tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Nghị định số 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

bna_IMG_7812.jpg
Đồng chí Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao, chúc mừng những kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An thời gian qua, đặc biệt là kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài của tỉnh.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng trao đổi với lãnh đạo tỉnh Nghệ An về các kiến nghị xung quanh những vướng mắc trong tổ chức thực hiện Nghị quyết số 36 của Quốc hội, Nghị định 67 của Chính phủ và bổ sung kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A.


Phạm Bằng/Báo Nghệ An


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây