Thứ năm, 07/11/2024, 07:00

Sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư khi sáp nhập huyện, xã như thế nào?

Bộ Nội vụ đề xuất nhiều chính sách đột phá, đủ mạnh nhằm khuyến khích, hỗ trợ thỏa đáng với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sáp nhập huyện, xã.

Tổng kết thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 -2021, Bộ Nội vụ cho biết sau khi sắp xếp cả nước giảm 8 huyện và 563 xã. Đi cùng đó, cả nước đã giảm được 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện. 

Gần 3.400 cán bộ dôi dư chưa được giải quyết

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Nội vụ cũng chỉ rõ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, vướng mắc, trong đó có câu chuyện sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau sắp xếp.

Cụ thể, nhiều địa phương khi trình đề án sắp xếp đã đề ra kế hoạch phấn đấu đến năm 2022 giải quyết xong số người dôi dư. Tuy nhiên, cùng thời điểm này, các địa phương phải thực hiện đồng thời nhiều quy định liên quan đến tinh giản biên chế, sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức.

Chẳng hạn như thực hiện chủ trương bố trí công an chính quy về công tác tại địa bàn cấp xã (giảm 1 trưởng công an xã) hay thực hiện quy định của Nghị định số 34/2019 giảm 2 cán bộ, công chức cấp xã và giảm từ 8-9 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Bộ Nội vụ đề xuất nhiều chính sách đột phá sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư khi sáp nhập huyện, xã ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Hoàng Hà

Chính điều này dẫn tới số lượng cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã dôi dư sau sắp xếp là rất lớn dẫn đến việc thực hiện cam kết của nhiều địa phương đến năm 2022 giải quyết xong số dôi dư là rất khó khăn.

Cụ thể trong tổng số 706 cán bộ, công chức cấp huyện dôi dư, đến nay đã giải quyết được 361 người, còn phải tiếp tục giải quyết đối với 345 người; trong tổng số 9.705 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư, đến nay đã giải quyết được 6.657 người, còn phải tiếp tục giải quyết đối với 3.048 người.

Trong khi đó, khung vị trí việc làm tại các đơn vị hành chính cấp xã, phòng, ban chuyên môn cấp huyện cơ bản đã bố trí đủ nên khó khăn để sắp xếp đội ngũ dôi dư.

Điều này dẫn đến tình trạng cùng một vị trí việc làm có nhiều công chức hơn so với quy định; không tránh khỏi việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức không đúng chuyên môn hoặc nguyện vọng của cán bộ, công chức.

Một số trường hợp buộc phải biệt phái, điều chuyển công tác hoặc cho thôi việc nên cũng tác động đến tư tưởng của cán bộ, công chức, người lao động, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công việc.

Bên cạnh đó, tuổi đời của phần lớn đội ngũ công chức hiện nay còn trẻ, thời gian tiến hành sắp xếp ngắn, chế độ, chính sách chưa đủ để hỗ trợ cán bộ, công chức ổn định cuộc sống sau khi nghỉ việc và tìm công việc khác,...

Đề xuất nhiều chính sách đột phá

Để giải quyết câu chuyện này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ đã đề xuất nhiều chính sách đột phá, khá mạnh tay ngay trong 2 dự thảo Nghị định về chính sách tinh giản biên chế; về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.

Cụ thể, dự thảo Nghị định về tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ đưa ra hàng loạt các chính sách đủ mạnh nhằm khuyến khích, hỗ trợ một cách thỏa đáng đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tự nguyện tinh giản biên chế ngay.

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nghỉ trong thời gian 6 tháng được hưởng mức trợ cấp 1,8 triệu đồng (bằng 1 tháng lương cơ sở áp dụng từ 1/7/2023) hoặc bằng 1/2 tháng lương hiện hưởng.

Dự thảo Nghị định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố cũng mở rộng số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo quy mô dân số, không khống chế tối đa.

Theo tính toán của Bộ Nội vụ, nếu thực hiện quy định này ước tính số lượng cán bộ, công chức cấp xã trong cả nước tăng thêm 7.418 người và tương ứng cũng tăng thêm 7.418 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Bộ Nội vụ đề xuất nhiều chính sách đột phá sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư khi sáp nhập huyện, xã ảnh 2

Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Ninh Nguyễn Trọng Tân. Ảnh: Thu Hằng

Khi góp ý nội dung này, Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Ninh Nguyễn Trọng Tân cho rằng mức hỗ trợ cán bộ dôi dư mỗi tháng 1,8 triệu đồng không đủ hấp dẫn để khuyến khích họ tự nguyện tinh giản biên chế.

Vì vậy, ông đề nghị nên lấy mức lương hiện hưởng và quy định khung thấp nhất và cao nhất để các địa phương tùy tình hình ngân sách của mình để chi trả.

“Có những địa phương dư dả muốn tăng mức hỗ trợ cũng không được, mà có nơi ngân sách eo hẹp thì không có cách nào để chi”, ông Tân nói.

Giám đốc Sở Nội vụ Cao Bằng Nguyễn Lâm Thị Tú Anh cũng băn khoăn chế độ chính sách như quy định trong dự thảo đã đủ mạnh, khuyến khích nhóm cán bộ dôi dư sau sáp nhập tự nguyện tinh giản biên chế.

“Cao Bằng đã giảm 3 huyện, 35 xã và dôi dư ở cấp huyện gần 50 người, xã gần 150 người. Tuy nhiên, thời gian tới tiếp tục sắp xếp thì số cán bộ dôi dư giải quyết như thế nào là vấn đề còn rất khó khăn.

Trong đó, khó nhất là độ tuổi của các cán bộ dôi dư có rất nhiều bạn trẻ, trình độ đạt chuẩn. Do vậy, chế độ, chính sách như thế nào là bài toán cần tính toán để khuyến khích họ”, Giám đốc Sở Nội vụ Cao Bằng nói.

Trong phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, Bộ Nội vụ cũng nêu rõ, nếu quy mô dân số của đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp vượt tiêu chuẩn thì được xem xét để tăng thêm số lượng công chức cấp xã.

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức; về chế độ thôi việc; về chính sách tinh giản biên chế và các chính sách khác.

Ngoài ra, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp ban hành chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của cơ quan, tổ chức do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây