Thứ năm, 21/11/2024, 22:22

Sẽ có cẩm nang về truyền thông chính sách

Bộ TT&TT giao Cục Báo chí chủ trì việc xây dựng cẩm nang về truyền thông chính sách. Đây là 1 nội dung trong chương trình hành động của Bộ TT&TT thực hiện Chỉ thị 07 về tăng cường truyền thông chính sách.

 

Chỉ thị 07 về tăng cường công tác truyền thông chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành trung tuần tháng 3. Chỉ thị khẳng định truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện việc truyền thông chính sách.

Từ đó, thay đổi cách thức thực hiện công tác truyền thông từ khi hoạch định chủ trương, xây dựng, hoàn thiện, ban hành và thực thi chính sách. Đồng thời, cũng là sở cứ quan trọng để các cơ quan liên quan nghiên cứu việc đặt hàng, giao nhiệm vụ, bố trí kinh phí cho các cơ quan truyền thông, báo chí thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách.

Lần đầu tiên Việt Nam có Chỉ thị về truyền thông chính sách, với thay đổi lớn về nhận thức. (Ảnh minh họa: Đức Thanh)

Nhằm triển khai một cách có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, cuối tháng 4, Bộ TT&TT đã ban hành chương trình hành động thực hiện Chỉ thị này.

Chương trình hành động đã xác định rõ 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sẽ được tập trung thực hiện thời gian tới, với phân công cụ thể đơn vị chủ trì, phối hợp và thời gian thực hiện. Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp gồm: rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch; chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin; truyền thông chính sách của Bộ; quản lý và xử lý vi phạm; bồi dưỡng, tập huấn; xây dựng mạng lưới kết nối truyền thông.

Cụ thể, Vụ Pháp chế và Cục Báo chí là 2 cơ quan được Bộ TT&TT giao chủ trì tham mưu việc thực hiện nhiệm vụ phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan, rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật để nâng cao hiệu quả của các cơ quan báo chí, truyền thông, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách.

Dự kiến trong tháng 5, Bộ TT&TT đôn đốc các bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị này.

Trong năm nay, Cục Báo chí và Vụ Tổ chức cán bộ sẽ phối hợp với đơn vị của Bộ Nội vụ hướng dẫn về vị trí việc làm, định mức biên chế của công chức, viên chức làm công tác truyền thông.

Theo chương trình, mỗi năm sẽ tổ chức từ 2 - 3 khóa tập huấn hoặc lồng ghép các khóa bồi dưỡng, tập huấn khác để nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ truyền thông của các bộ, ngành, địa phương, các phóng viên, biên tập viên và cán bộ làm công tác thông tin cơ sở thực hiện công tác truyền thông chính sách; kỹ năng cung cấp thông tin cho báo chí.

Việc xây dựng cẩm nang/ sổ tay về truyền thông chính sách sẽ được thực hiện ngay trong năm 2023, do Cục Báo chí chủ trì, phối hợp cùng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử và các cơ quan, đơn vị liên quan.

Riêng về công tác truyền thông chính sách của Bộ TT&TT, chương trình nêu rõ, Bộ sẽ xây dựng kế hoạch truyền thông hằng năm và linh hoạt triển khai hoạt động truyền thông từ khi hoạch định chủ trương, xây dựng, hoàn thiện, ban hành và thực thi chính sách đối với lĩnh vực TT&TT.

Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông liên quan đến hoạt động của Bộ, của ngành TT&TT trên nền tảng số; tổ chức họp báo, cung cấp thông tin cho báo chí những vấn đề liên quan đến hoạt động của Bộ, của ngành; xây dựng kế hoạch thực hiện chiến lược chuyển đổi số báo chí để làm tốt công tác truyền thông chính sách…

Bên cạnh đó, nhiều nội dung hoạt động khác cũng sẽ được tập trung triển khai trong thời gian tới như: Thành lập tổ công tác về truyền thông chính sách; Tham mưu cho Bộ kiến nghị cấp có thẩm quyền thành lập tổ công tác xử lý sự cố, khủng hoảng truyền thông trong trường hợp cần thiết; Chủ động đấu tranh bóc gỡ, ngăn chặn tin giả, tin xấu độc chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ chính quyền với nhân dân, xuyên tạc chủ trương chính sách, gây mất đoàn kết trong xã hội…


Vân Anh/Vietnamnet.vn


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây