Sáng 15/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì phiên họp thứ tám của Ban Chỉ đạo. Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ điểm cầu trụ sở Chính phủ tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. Tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.
Nhiều chỉ số thăng hạng, môi trường kinh doanh tăng bậc
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp; việc rà soát, xử lý vướng mắc, bất cập về cải cách hành chính đã được tích cực triển khai thực hiện, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Nhiều chỉ số của Việt Nam được thăng hạng, trong đó xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc, xếp thứ 106 trong bộ chỉ số tự do kinh doanh thế giới, tăng 4 bậc so với năm 2022; xếp thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, tăng 2 bậc so với năm 2022.
Tính đến tháng 6/2024, các bộ, ngành Trung ương đã hoàn thành 400/991 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 40,36% so với kế hoạch; UBND các tỉnh, thành phố đã hoàn thành 1.327/3.009 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 44.10% so với kế hoạch đề ra.
Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được quan tâm. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành thời gian lắng nghe, tiếp xúc với người dân, cộng đồng doanh nghiệp để chỉ đạo nghiên cứu, xử lý những phản ánh kiến nghị về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính.
Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và hoàn thiện quy định về vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, cải cách chính sách tiền lương tiếp tục có chuyển biến rõ nét, đạt được những kết quả tích cực.
Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, từng bước có những kết quả cụ thể…
Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cải cách hành chính
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá những kết quả nổi bật trong 6 tháng đầu năm 2024 trên các mặt công tác trong cải cách hành chính.
Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, đó là tình trạng nợ đọng văn bản chưa được khắc phục; cải cách thủ tục hành chính còn chậm, đơn giản hoá thủ tục hành chính còn chưa cao.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhiều nơi còn bất cập; kỷ luật, kỷ cương hành chính có nơi còn chưa nghiêm, trách nhiệm thực thi công vụ chưa cao, còn có biểu hiện né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm...
Nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh "5 đẩy mạnh". Đó là đẩy mạnh rà soát, tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn về pháp lý cho sản xuất, kinh doanh, góp phần huy động nguồn lực toàn xã hội, nguồn lực người dân, nguồn lực ngoài nước để phát triển.
Đẩy mạnh đối thoại, chia sẻ, xử lý những vướng mắc, bất cập cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là về thủ tục hành chính. Đẩy mạnh cải cách hành chính công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong thực hiện cải cách hành chính.
Đẩy mạnh xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số phải tập trung xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, công dân số, xã hội số, số hoá các cơ sở dữ liệu, số hoá hồ sơ góp phần nâng cao hiệu quả công việc.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên tất cả lĩnh vực, các cấp, ngành, các giao dịch liên quan đến tài chính.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục khẩn trương rà soát, xác định rõ điểm nghẽn, cản trở các hoạt động cải cách hành chính, đề xuất các giải pháp cụ thể tháo gỡ, ưu tiên giải quyết ngay những vấn đề nóng, bức xúc trong nhân dân.
Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch cải cách hành chính năm 2024, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, các bộ, ngành phải ưu tiên nguồn lực cho công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
Mặt khác, các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Tập trung phân bổ xong vốn đầu tư công, tăng cường công tác giải ngân, vì đây là động lực tăng trưởng của đất nước.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, chất lượng thực thi công vụ. Tập trung thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành trong tháng 9/2024, đảm bảo cơ bản ổn định tổ chức các địa phương để tiến hành Đại hội Đảng các cấp vào năm 2025.
Bên cạnh đó, có cơ chế, chính sách khuyến khích, khen thưởng, ưu tiên đề bạt, bổ nhiệm các công chức có năng lực nổi trội, đề xuất nhiều ý tưởng, sáng kiến cải cách hành chính.