Ngày 30/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành Công điện về việc tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài chính, Công an; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tổng Thanh tra Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chủ tịch, Tổng Giám đốc: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn; Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam.
Tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống
Để tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao về bảo đảm cung ứng xăng dầu, nhất là trong dịp Tết dương lịch, Tết nguyên đán năm 2024 và thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính |
Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được Chính phủ giao chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng về công tác điều hành, bảo đảm cung ứng xăng dầu.
Trong đó thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xăng dầu theo chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và khẩn trương phân giao tổng nguồn xăng dầu năm 2024 cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trước ngày 31/12/2023.
Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu phù hợp với tình hình thị trường và yêu cầu sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp bảo đảm chủ động, tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống, đáp ứng đủ nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội.
Cùng với đó xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các thương nhân kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước có kế hoạch, phương án kinh doanh, bán lẻ xăng dầu khoa học, hợp lý, khả thi, bảo đảm đủ nguồn hàng đáp ứng yêu cầu của thị trường...
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính công bố, điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước và theo đúng quy định; tiếp tục nghiên cứu, xử lý những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia; hoàn thiện phương án nâng mức dự trữ quốc gia xăng dầu để thực hiện mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch xác định sản lượng của các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước để có cơ sở cân đối nguồn xăng dầu nhập khẩu trong thời gian tới; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhằm bảo đảm duy trì liên tục, tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung cho thị trường trong nước.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, đề xuất xây dựng Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu.
Với Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thủ tướng yêu cầu bám sát thị trường, chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công Thương và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu rà soát, tổng hợp, thống kê các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu.
Từ đó xem xét, quyết định điều chỉnh các loại chi phí liên quan trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu theo đúng quy định, bảo đảm sát với diễn biến thị trường xăng dầu thế giới và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp quyết liệt yêu cầu các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, thương nhân kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế; quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu công khai, minh bạch, hiệu quả.
Xử lý nghiêm hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu qua biên giới
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn, chỉ đạo các ngân hàng nơi thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đăng ký mở tài khoản Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thực hiện nghiêm túc quy định; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ hoạt động kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có kế hoạch, phương án sản xuất, phân phối, dự trữ, điều tiết, bán lẻ xăng dầu phù hợp, kịp thời, hiệu quả, khoa học, bảo đảm không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường; duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, liên tục cho thị trường, nhất là trước và trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Thủ tướng cũng đặt ra nhiều nhiệm vụ với Chủ tịch, Tổng Giám đốc: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Trong đó, có việc chủ động trong mọi tình huống tuyệt đối không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu, bị động do yếu tố sản xuất; chỉ đạo các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống bảo đảm đủ nguồn hàng đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Thủ tướng lưu ý, tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định với hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu qua biên giới, vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu, quy định về hóa đơn điện tử…; tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân thực hiện hoạt động kinh doanh, vận chuyển, lưu thông, phân phối xăng dầu và bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn theo quy định.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và xử lý các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền, vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng.