Những bộ sưu tập ấn tượng
Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh được xem là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự kiện lịch sử này đã diễn ra hơn 90 năm nhưng vẫn đọng mãi trong trong tâm khảm người dân Nghệ - Tĩnh nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung. Bởi lẽ, rất nhiều tư liệu và hiện vật liên quan đến phong trào đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.
Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh hiện trưng bày, lưu giữ gần 16.000 tư liệu, hiện vật về Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931). Ảnh: Công Kiên |
Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh hiện trưng bày, lưu giữ gần 16.000 tư liệu, hiện vật được sưu tầm qua hàng chục năm. Trong đó, đáng chú ý là những bộ sưu tập hiện vật mang đậm giá trị lịch sử, góp phần minh chứng quá trình đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh nhưng vô cùng vẻ vang của nhân dân Nghệ - Tĩnh.
Những bộ sưu tập hiện vật bao gồm: Bộ sưu tập trống, bộ sưu tập cơ, bộ sưu tập vũ khí, bộ sưu tập báo chí và truyền đơn và bộ sưu tập tài liệu, hiện vật Bác Hồ ký lời đề tựa năm 1964.
Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đang lưu giữ nhiều lá cờ của các địa phương trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh tư liệu: Đức Anh |
Gây được sự chú ý, quan tâm nhất đối với khách tham quan là bộ sưu tập 11 lá cờ đỏ búa liềm, biểu tượng của giai cấp công - nông đã dẫn dắt nhân dân cả nước, đặc biệt là hai tỉnh Nghệ - Tĩnh vùng lên đấu tranh. Trong đó, có lá cờ của nhân dân làng Lương Sơn, xã Bắc Sơn, tổng Đặng Sơn (huyện Đô Lương) được dùng để cổ vũ quần chúng nhân dân tham gia các cuộc biểu tình, đấu tranh.
Lá cờ cũng được dùng trong buổi Lễ kết nạp những quần chúng ưu tú tham gia tích cực trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Bên cạnh là lá cờ được quần chúng cách mạng sử dụng trong các cuộc biểu tình ở huyện Thanh Chương. Lá cờ đỏ được Chi bộ Đảng Tiên Hội giao cho đồng chí Nguyễn Văn Long, cán bộ liên lạc treo trên ngọn cây đa ở các làng trước các cuộc biểu tình.
Bộ sưu tập trống tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh tư liệu: Đức Anh |
Đặc biệt, bộ sưu tập có lá cờ đỏ của Đảng bộ huyện Hưng Nguyên dùng trong buổi lễ truy điệu những người hy sinh khi tham gia cuộc biểu tình ngày 12/9/1930 ở Thái Lão. Lễ truy điệu được tổ chức tại Dăm Ðồng - Lùng thuộc làng Phù Xá (tổng Phù Long), nơi có nhiều người hy sinh trong cuộc biểu tình.
Cùng với những lá cờ đỏ búa liềm, bộ sưu tập trống được dùng để cổ vũ nhân dân các vùng xông lên trong các cuộc mít tinh, biểu tình của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh thực sự là những hiện vật mang đậm giá trị lịch sử.
Bộ sưu tập vũ khí của lực lượng Tự vệ đỏ trưng bày tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Đức Anh |
Bộ sưu tập gồm có 8 hiện vật với kích thước lớn, nhỏ khác nhau, dù đã cũ nhưng vẫn còn được giữ gìn khá nguyên vẹn. Tuy số lượng không nhiều nhưng bộ sưu tập đã góp phần phản ánh khí thế đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta trong phong trào cách mạng 1930 - 1931.
Bảo tàng còn lưu giữ một số lượng lớn hiện vật là những vũ khí đấu tranh của Tự vệ Đỏ gồm 230 hiện vật. Qua đó, phản ánh một cách đầy đủ những hoạt động của lực lượng Tự vệ trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.
Bộ sưu tập vật dụng nuôi giấu cán bộ Đảng tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Công Kiên |
Đồng thời, bộ sưu tập 660 hiện vật nuôi giấu cán bộ Đảng cũng chứa đựng giá trị tinh thần to lớn, minh chứng cho tình cảm của nhân dân Nghệ Tĩnh dành cho Đảng, cho cách mạng luôn đậm sâu bất chấp mọi khó khăn, nguy hiểm…
Dấu tích tranh đấu một thời
Bên cạnh hàng chục nghìn tư liệu, hiện vật đang được lưu giữ, trưng bày tại bảo tàng, hệ thống di tích lịch sử gắn với phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh trên địa bàn tỉnh là dấu tích của thời kỳ đấu tranh sôi nổi và quyết liệt.
Hệ thống di tích này luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, phần lớn đều đã được xếp hạng cấp Quốc gia và cấp tỉnh. Mỗi di tích là một “địa chỉ đỏ”, là niềm tự hào của một vùng quê giàu truyền thống yêu nước.
Di tích Ngã ba Bến Thủy (thành phố Vinh). Ảnh tư liệu: Công Kiên |
Trong đó, phải kể đến di tích Ngã ba Bến Thủy (thành phố Vinh), nơi ghi dấu cuộc biểu tình ngày 01 tháng 5 năm 1930 của hơn 1.200 quần chúng công - nông đòi tăng lương, giảm giờ làm, chia ruộng đất, giảm sưu thuế. Tại đây, lần đầu tiên Cờ đỏ búa liềm tung bay, kẻ địch đã đàn áp làm chết 7 người, bị thương 18 người và hàng trăm người khác bị bắt.
Quảng trường Xô viết Nghệ Tĩnh ở trung tâm huyện Hưng Nguyên cũng là một di tích tiêu biểu, ngay tên gọi đã toát lên toàn bộ ý nghĩa. Đây là nơi ghi dấu cuộc đấu tranh của nhân dân Hưng Nguyên và các vùng phụ cận, cũng là nơi chứng kiến tội ác của thực dân và phong kiến.
Du khách tham quan Quảng trường Xô viết Nghệ Tĩnh (Hưng Nguyên). Ảnh tư liệu: Công Kiên |
Vào sáng 12/9/1930, khoảng 8.000 nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng với vũ khí thô sơ, giương cao cờ đỏ búa liềm kéo về phủ lỵ Hưng Nguyên. Khi đoàn biểu tình vừa đến Thái Lão, thực dân Pháp cho máy bay ném bom vào giữa đám đông làm 217 người chết, 125 người bị thương và nhiều người bị bắt giam. Mộ các liệt sỹ hy sinh nằm rải rác giữa các gò đất, về sau được cất bốc và xây thành ngôi mộ chung.
Ở huyện Thanh Chương, di tích Nhà thờ họ Nguyễn Duy, nhà thờ họ Nguyễn Ích và cây sui Diên Tràng (Thanh Phong) luôn vững vàng, uy nghi trước bao biến cố thăng trầm của lịch sử. Nơi đây được Tỉnh ủy Nghệ An chọn làm cơ sở hoạt động trong thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh. Hai ngôi nhà thờ được dùng làm nơi hội họp và in ấn tài liệu, còn cây sui được chọn làm nơi cất giấu tài liệu.
Cây sui Diên Tràng, xã Thanh Phong (Thanh Chương). Ảnh tư liệu: Huy Thư |
Ở Nghệ An còn nhiều, rất nhiều di tích liên quan đến phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh như đình Trung (thành phố Vinh), nhà cụ Hoàng Viện (Hưng Nguyên), đình Võ Liệt (Thanh Chương), Hiệu Yên Xuân (Anh Sơn), Tràng Kè (Yên Thành), đình Phú Nhuận và nhà thờ họ Hoàng Trần (Đô Lương), đình Tám Mái (Quỳnh Lưu)…
Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh và hệ thống di tích gắn với phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đang ngày càng được phát huy giá trị, trở thành điểm đến của du khách gần, xa. Ở nhiều địa phương, các trường học thường tổ chức cho học sinh tìm hiểu lịch sử bằng cách tham quan các di tích trên địa bàn, qua đó bồi đắp kiến thức và lòng tự hào về truyền thống quê hương…