Thứ sáu, 19/04/2024, 12:07

Nghệ An: Hàng trăm học sinh bị ngăn cản đến trường

Vài ngày sau khai giảng nhưng hàng trăm em học sinh ở xã Lạng Sơn (Anh Sơn), vẫn chưa được đến trường vì người lớn phản đối việc sáp nhập trường lớp. Nhiều người còn đứng trước cổng trường, đe dọa học sinh để ngăn cản các em vào lớp.

Dấu hiệu gây rối

Từ sáng sớm 7/9, trước cổng Trường THCS Khai Lạng, điểm trường phụ đóng tại xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn, đã có hàng trăm người đỗ xe, đứng chen chúc. Đây là ngày thứ 3, họ tập trung tại đây để phản đối đề án sáp nhập trường lớp đã được triển khai từ 4 năm trước.

Tuy nhiên, có nhiều người trong số này đã lợi dụng đám đông để gây rối, xúc phạm cán bộ, giáo viên nhà trường. Đặc biệt, có nhiều người còn ngăn cản học sinh vào lớp học. Theo ghi nhận, gần 7h sáng 7/9, khi nhiều em học sinh đã vào trường, một số người dân từ ngoài cổng đã xông vào trường học yêu cầu các em đi về, không được vào học để phụ huynh phản đối chuyện sáp nhập trường. Trong khi đó, tại cổng trường đám đông đang đứng chen chúc. Khi có học sinh đạp xe tới trường, họ yêu cầu quay trở lại về nhà. Có người còn đứng trước cổng trường tuyên bố “cắt hết dép nếu học sinh nào không nghe lời”. Nhiều em nhỏ ngơ ngác, không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Nghệ An: Hàng trăm học sinh bị ngăn cản đến trường ảnh 1

Đám đông tụ tập trước cổng trường để phản đối sáp nhập. Ảnh: H.H

Trong khi đó, hiệu trưởng, giáo viên và lực lượng công an cũng có mặt ngay trước cổng, để kêu gọi các em vào lớp học như thường lệ. Tuy nhiên, kết quả là chỉ có 11 em học sinh lớp 8 trong tổng số 154 học sinh các khối 6, 7, 8 vào học bình thường. Các khối 6 và 7 không có em nào được vào lớp. Vì 2 lớp chỉ có 11 em, các giáo viên đành phải gộp lại 1 lớp để dạy.

Trong khi đó, có 52 em học sinh của xã Lạng Sơn đang học khối 9 tại điểm trường chính ở xã Khai Sơn cũng chỉ có 3 em đến lớp. Số còn lại phải nghỉ ở nhà vì cha mẹ phản đối chuyện sáp nhập nhà trường.

Đây không phải là lần đầu tiên diễn ra cảnh lộn xộn ở điểm trường này. Phía nhà trường cũng đã có đơn gửi Công an huyện Anh Sơn, đề nghị xử lý hành vi cản trở việc tổ chức dạy - học của nhà trường; Đưa lên mạng những hình ảnh khi chưa được sự đồng ý của người khác cũng như đưa những thông tin không đúng sự thật; Xử lý những người sử dụng hình ảnh, bình luận bôi nhọ, xúc phạm cá nhân hiệu trưởng trên mạng xã hội…

Nghệ An: Hàng trăm học sinh bị ngăn cản đến trường ảnh 2

Học sinh khi đến cổng đành phải quay trở về nhà. Ảnh: H.H

Theo tường trình của nhà trường, vào lúc 7 giờ ngày 6/9/2022 tại điểm trường Lạng Sơn, khi có hiệu lệnh trống, khối 6, 7, 8 đã vào học thì khoảng 40 học sinh hiện đang học lớp 9 tại Trường THCS Khai Lạng và hơn 50 người xưng là phụ huynh có mặt trong điểm trường này. Thầy Lê Đình Hà - Hiệu trưởng nhà trường đã gặp gỡ học sinh trao đổi với nội dung: “Năm học 2022-2023, theo quyết định của UBND huyện Anh Sơn, nhà trường tổ chức dạy học cho các em học sinh lớp 9 tại điểm 1 - xã Khai Sơn, không tổ chức tại điểm Lạng Sơn và yêu cầu các em sang đúng địa điểm để học. Việc các em tập trung không đúng địa điểm làm ảnh hưởng đến việc học tập của các em khối 6, 7, 8 là vi phạm quy định của nhà trường và của nhà nước”.

Sau đó học sinh có xuống sân đi ra ngoài nhưng một số phụ huynh lại bắt các em quay vào và không cho các em đi học đúng nơi quy định mà phải ở lại điểm trường Lạng Sơn. Phụ huynh yêu cầu mở các phòng học để các em lớp 9 vào nhưng nhà trường không thực hiện.
Thầy Hà tiếp tục trao đổi với phụ huynh, yêu cầu phụ huynh không tụ tập ở trong khu vực trường vì ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy học của nhà trường nhưng nhiều phụ huynh không thực hiện mà tiếp tục lớn tiếng, yêu cầu nhà trường phải mở thêm phòng học để học sinh vào trong. Trước sự ồn ào của phụ huynh, thầy Hà yêu cầu các lớp khép cửa lại để khỏi ảnh hưởng đến việc dạy và học của nhà trường.

Tuy nhiên, trong lúc thầy Hà đang giải thích cho phụ huynh thì có một số người dùng điện thoại quay, phát trực tiếp và có những lời nói vu khống, khiếm nhã không phù hợp với môi trường giáo dục. Đồng thời có những bình luận xúc phạm, bôi nhọ, vu khống cá nhân thầy Hà và nhà trường.

Nghệ An: Hàng trăm học sinh bị ngăn cản đến trường ảnh 3

3 khối 6, 7, 8 ở điểm trường Lạng Sơn có 154 học sinh, nhưng sáng 7/9, chỉ có 11 em lớp 8 được vào lớp. Ảnh: H.H

Học sinh chịu thiệt thòi

“Sáng nay bố mẹ cháu có đến trường và bảo cháu không được vào học. Nhưng cháu vẫn vào lớp để học bài. Nếu nghỉ học quá lâu cháu sẽ rất lo lắng”, em Vương Thị Nhung, một trong 11 học sinh có mặt trong trường sáng 7/9 nói. Còn em Hồ Vĩnh Đức thì cho biết, hôm nay bố mẹ em ở nhà, không có mặt ở cổng trường, nên em vẫn đi học bình thường. “Tuy nhiên, bạn thân của em không đi học và em rất buồn. Bạn ấy sáng nay có đến trường nhưng ở ngoài không vào lớp”, Đức nói.

Theo nhà trường, qua tìm hiểu từ các giáo viên thì hầu hết các em học sinh đều rất muốn đến trường, nhưng chỉ vì sự ngăn cản đến từ các phụ huynh. “Tôi vẫn đang giữ rất nhiều tin nhắn của học sinh nhắn cho giáo viên đây. Nhiều trường hợp phụ huynh cũng muốn con mình đi học, nhưng cứ cho con đến lớp xong tối về lại có người đến gây áp lực, ép họ cũng phải cho con nghỉ”, hiệu trưởng Lê Đình Hà kể.

Nghệ An: Hàng trăm học sinh bị ngăn cản đến trường ảnh 4

Cảnh đìu hiu ở điểm trường Lạng Sơn. Ảnh: H.H

Có mặt tại điểm trường ở Lạng Sơn vào sáng 7/9, ông Nguyễn Đức Vĩnh - Trưởng phòng Nội vụ - nguyên Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Anh Sơn cho rằng, việc phụ huynh không cho con em vào học là hoàn toàn sai. “Thực tế, từ đầu năm học này, Huyện ủy đã có chủ trương để con em của xã Lạng Sơn vẫn tiếp tục học tại điểm trường thứ 2. Nhưng, với học sinh lớp 9, sau khi sáp nhập trường các em đã học ở điểm trường chính từ năm 2018 và nay đã là năm thứ 5 thực hiện. Cá nhân tôi cũng cho rằng, với học sinh cuối cấp, các em học ở điểm trường chính sẽ tốt hơn bởi điều kiện, phương tiện học tốt hơn, đội ngũ nhà giáo cũng tốt hơn. Hơn nữa các sinh hoạt, các hoạt động trải nghiệm để nâng cao chất lượng sẽ tốt hơn. Khi các em đi học thì các em sẽ có một môi trường hòa nhập để chuẩn bị cho lớp 10. Nên chăng, người lớn không nên lấy suy nghĩ của mình để áp đặt cho con trẻ”, ông Vĩnh nêu quan điểm.

Cũng theo ông Vĩnh, ông đã gặp nhiều học sinh lớp 8 sáng 7/9 và đã hỏi các em vì sao các em không vào. Các em đều bảo, vì bố mẹ không cho con vào. “Tôi đã trả lời các em rằng, việc bố mẹ không cho con vào là sai và việc các em vào học là hoàn toàn đúng đắn. Các em phải học, phải đến trường mới có tương lai. Tôi cũng từng là một người thầy, tôi nghĩ chỉ cần các em nghỉ học một ngày cũng đã bị ảnh hưởng vì khối lượng kiến thức là do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định theo khung chương trình, theo kế hoạch năm học và việc các em đi học chậm 1 ngày rõ ràng là không tốt và đặc biệt là ảnh hưởng đến hệ lụy. Trong đó, hệ lụy lớn nhất là con trẻ và trong tư tưởng các em sẽ lưu lại những hình ảnh xấu vì sao mới khai giảng mà phụ huynh không cho con em đến trường. Đây là điều không nên trong giáo dục, không nên trong giáo dục gia đình và không nên trong giáo dục xã hội”, ông Vĩnh nói thêm.

Nghệ An: Hàng trăm học sinh bị ngăn cản đến trường ảnh 5

Điểm trường chính tại xã Khai Sơn sáng 7/9 cũng chỉ có 3 trong tổng số 52 học sinh lớp 9 của xã Lạng Sơn đến lớp. Ảnh: H.H

Cũng có mặt tại đây, ông Nguyễn Đình Sơn - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Anh Sơn, cho rằng việc quan trọng nhất đó là đảm bảo việc học cho các em. Với học sinh lớp 9, các em cần đến học ở điểm chính để sớm làm quen, ổn định việc học tập để chuẩn bị cho Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và làm quen với quãng đường lớp 10 mà các em sẽ học trong thời gian tới. Với học sinh lớp 6, lớp 7, lớp 8 các em phải được vào học để bảo đảm quyền lợi cho các cháu. “Chúng ta làm cha, làm mẹ, làm ông, làm bà, chúng ta để các cháu không đi học được là chúng ta có tội. Những vấn đề còn lại sẽ giải quyết sau. Tôi mong rằng, người dân phải hiểu được “vì tương lai con em chúng ta”. Học sinh phải được xã hội, được mọi người tôn trọng và phải được hưởng các quyền theo quy định, không ai được xâm phạm. Tôi nghĩ rằng, nếu có hành động ngăn cản việc học sinh đến trường, có thể sẽ bị truy cứu theo pháp luật”, ông Sơn nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, ông Đặng Xuân Quang - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Anh Sơn cho biết, trước mắt huyện vẫn sẽ chỉ đạo địa phương, nhà trường tiếp tục tuyên truyền cho phụ huynh hiểu được chủ trương sáp nhập trường lớp. Tuy nhiên, đi kèm với đó, lãnh đạo huyện cũng đã chỉ đạo lực lượng công an vào cuộc để làm rõ, xử lý những hành vi gây rối, kích động người dân, đặc biệt là hành vi ngăn cản học sinh tới trường.

Việc sáp nhập Trường THCS Lạng Sơn và Trường THCS Khai Sơn được UBND huyện Anh Sơn thực hiện từ năm học 2018 - 2019, thành Trường THCS Khai Lạng (đóng tại xã Khai Sơn). Điểm trường mới cách Trường THCS Lạng Sơn cũ hơn 4km. Hiện đề án đã được phê duyệt, triển khai nhưng sau 4 năm học, chỉ có khối 9 chuyển về trường chính THCS Khai Lạng. Các khối 6, 7, 8 của xã Lạng Sơn vẫn học ở cơ sở 2. Theo lộ trình, đầu năm học này, toàn bộ khối 6, 7, 8 sẽ được chuyển về trường mới. Nhưng khi nhận được thông tin, nhiều hộ dân đã đồng loạt gửi đơn thư phản đối vì cho rằng quãng đường quá xa, cơ sở vật chất chưa đảm bảo. Nhận thấy một số người dân vẫn chưa đồng thuận, ngày 15/7, Thường trực Huyện ủy Anh Sơn đã ra thông báo về quyết định chưa sáp nhập các khối lớp còn lại điểm trường Lạng Sơn về điểm trường Khai Sơn trong năm học 2022-2023. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn không bằng lòng, họ tiếp tục không cho con em đến trường để gây áp lực, yêu cầu phải hủy bỏ đề án sáp nhập trường đã ban hành từ 4 năm trước.

Theo Tiến Hùng - Mỹ Hà/ Báo Nghệ An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây