Đoàn kết chính là sức mạnh, trên con đường chuyển đổi số đầy thách thức và biến đổi không ngừng, việc các cơ quan báo chí ASEAN hợp sức, đồng lòng thực hiện sứ mệnh cao cả của mình - thông tin phải được cung cấp chính xác, bảo vệ người dân khỏi các tin tức giả và thông tin sai lệch, xây dựng một xã hội thông tin chất lượng cao, giàu ý nghĩa là vô cùng cần thiết.
Hội tụ những kinh nghiệm quý, những cách làm hay
Thông tin đã trở thành một trong năm yếu tố quan trọng của nền kinh tế, bên cạnh: nhân lực, nguyên liệu, kỹ thuật và vốn. Số lượng thông tin và tốc độ truyền tải thông tin biểu thị sức mạnh của một quốc gia, và phát triển xã hội thông tin là xu hướng tất yếu của xã hội hiện đại.
Chính vì vậy, từ lâu, báo chí truyền thông đã trở thành một ngành công nghiệp phát triển tại nhiều quốc gia. Ngày nay, trong bối cảnh chuyển đổi số toàn diện xã hội, ngành báo chí truyền thông không thể đứng ngoài cuộc. Việc chuyển đổi số của các phương tiện truyền thông không chỉ đơn thuần là vấn đề sống còn - nó là điều cần thiết cho sức sống của ngành.
Nắm bắt được xu thế toàn cầu, ngày 7/12, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội thảo báo chí quốc tế “Thực tiễn, kinh nghiệm và giải pháp quản trị tòa soạn báo chí số ở khu vực ASEAN”.
Ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận định: “Hội thảo với mục đích kết nối, trao đổi, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong chuyển đổi số báo chí giữa các nước ASEAN, góp phần gợi mở giải pháp xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số”.
Đánh giá về chất lượng Hội thảo, nhà báo Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, cuộc hội thảo kết thúc rất thành công, các ý kiến trao đổi, thảo luận của đại biểu tại các nước ASEAN rất chất lượng, có trọng tâm, thậm chí vượt trên mức kỳ vọng của nước chủ nhà. Một số ý kiến đặt vấn đề rất sâu, rất cụ thể, sát thực tế trong quá trình chuyển đổi số báo chí, trọng tâm là quản trị toà soạn số trong các nước ASEAN.
“Một điều chúng tôi cảm thấy tâm đắc đó là các tổ chức cơ quan báo chí, các Hội nhà báo ở các nước trao đổi với nhau những kinh nghiệm làm báo trong thời đại số rất phong phú, đa dạng. Bên cạnh những sự tương đồng nhất định, thì đặc thù của từng quốc gia có một số những điểm riêng biệt. Có những kinh nghiệm làm báo lần đầu tiên được nghe, cho thấy Hội thảo là dịp trao đổi kinh nghiệm rất quý, có những giải pháp mang tính toàn cầu, có những giải pháp mang tính đặc thù rất đáng để tìm hiểu và học hỏi” - nhà báo Nguyễn Đức Lợi nhận định.
Nhìn nhận về tầm quan trọng của việc trao đổi, thảo luận những phương thức và hướng đi của chuyển đổi số báo chí trong khu vực các nước ASEAN, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, chuyển đổi số trong truyền thông thực chất là việc ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại vào hoạt động báo chí, làm phong phú thêm hệ sinh thái truyền thông số với những tính năng mới, ưu việt, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả truyền thông tới người tiêu dùng thông tin.
“Việc các nước ASEAN cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết về chiến lược, cách làm hay trong việc thúc đẩy và định hướng các cơ quan báo chí truyền thông trong từng nước chuyển đổi số một cách bền vững là rất cần thiết” - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho hay.
Triển vọng phát triển nền báo chí trong khu vực
Nhà triết học người Anh Francis Bacon đã từng nói: “Tri thức là sức mạnh”, “Ai làm chủ được thông tin, người đó sẽ làm chủ thế giới”. Trong tác phẩm “The Coming of Post-Industrial Society”, Daniel Bell cho rằng: “Xã hội công nghiệp dựa trên nền công nghệ cơ khí, xã hội hậu công nghiệp dựa vào công nghệ trí tuệ. Nếu như tư bản và lao động là hai đặc trưng của xã hội công nghiệp, thì thông tin và tri thức là hai đặc trưng thay thế chúng trong xã hội hậu công nghiệp. Xã hội hậu công nghiệp còn được gọi là xã hội thông tin”.
Bàn về hoạt động báo chí truyền thông trong thời đại mới, ông Atal S Depari - Chủ tịch Liên đoàn báo chí ASEAN cho rằng, công nghệ số đã cách mạng hóa việc phổ biến và tiêu thụ thông tin. Ngày nay, điều quan trọng hơn bao giờ hết là những nhà báo phải hợp nhất lại. Sự đoàn kết sẽ khuyến khích trao đổi ý kiến, chiến lược và thực hành tốt nhất trong nền báo chí.
Điều này không chỉ về việc đưa tin; đó là về việc giữ vững đạo đức nghề báo, sự thật và tính chính trực trong mỗi bài báo. Sự đoàn kết này giúp báo chí đối mặt với tình trạng tin giả, thao túng thông tin và những thách thức khác đang hiện diện rộng rãi trong thế giới số.
Chủ tịch Liên đoàn báo chí ASEAN nhận định, đối mặt với sự tiến triển nhanh chóng của công nghệ số, việc chia sẻ kiến thức và nguồn lực giúp nhà báo ASEAN mở rộng kỹ năng, đặc biệt là trong việc khai thác công nghệ thông tin. Điều này giúp việc thu thập, tổ chức và trình bày tin tức một cách lôi cuốn và giàu nội dung hơn cho công chúng.
“Việc củng cố mối quan hệ trong cộng đồng nhà báo ASEAN cũng quan trọng không kém. Những mối quan hệ gắn bó hình thành thông qua các hội nghị, cuộc họp, hoặc các dự án chung giúp tăng cường sự trao đổi thông tin nhanh chóng và làm sâu sắc hiểu biết của chúng ta về các vấn đề khác nhau trong các quốc gia ASEAN” - ông Atal S Depari nhấn mạnh.
Đề cao tinh thần đoàn kết, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, các cơ quan báo chí truyền thông ASEAN hơn bao giờ hết đang đứng trước một cơ hội vô cùng to lớn trong việc tiếp tục khẳng định sứ mệnh dẫn dắt thông tin chính thống, định hướng cho cộng đồng, cho công chúng.
“Thực hiện được sứ mệnh cao cả ấy trong bối cảnh sự cộng sinh giữa tin thật, tin giả và các xu hướng phức tạp khác trên không gian mạng, chúng ta không thể làm được điều đó nếu không làm cùng nhau, chúng ta khó làm được điều đó nếu như không tiến hành chuyển đổi số một cách mạnh mẽ” - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm khẳng định.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đánh giá, Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị toà soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN” đã đạt được mục tiêu đề ra về việc chia sẻ, trao đổi thực trạng, kinh nghiệm, giải pháp; hơn thế nữa đã nâng cao được nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số báo chí của lãnh đạo các cơ quan báo chí, các Hội nhà báo ở các nước ASEAN.
Đặc biệt, Hội thảo cũng là một hồi chuông lớn “đánh động” các cơ quan chức năng, nhất là các cơ quan quản lý báo chí trong các nước ASEAN về sự chuyển đổi nhanh chóng, chưa từng có trong cách thức tiếp cận thông tin của công chúng, buộc các cơ quan thông tấn, báo chí phải đổi mới.
“Sự quyết tâm, chung sức đồng lòng hướng đến mục tiêu chuyển đổi số nền báo chí truyền thông của các nước trong khu vực cho thấy triển vọng phát triển của khối báo chí ASEAN. Góp phần hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác Liên đoàn báo chí ASEAN” - ông Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.