Thứ năm, 21/11/2024, 19:14

Lấp đầy nhanh chóng “điểm trắng”, “vùng trắng”, triệt tiêu thông tin độc hại

 Để lan toả thông tin nhanh, thu hút sự chú ý của dư luận, các đối tượng chống phá đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm khác nhau để tăng hiệu quả tuyên truyền. Chúng lợi dụng “khoảng trống thông tin” để đưa các nội dung thật giả lẫn lộn, xuyên tạc chống phá đất nước trên nhiều mặt trận.

 

Sự chống phá ngày càng trắng trợn 

Lợi dụng vấn đề về đức tin và sự gắn kết cộng đồng của tôn giáo, các thế lực thù địch núp dưới chiêu bài tôn giáo tổ chức lực lượng chống phá đường lối đổi mới đất nước là thực trạng thường xuyên xảy ra.

Bàn về vấn đề này, nhà báo Nguyễn Đăng Khang - Phó Trưởng ban Thời sự, Truyền hình CAND dẫn chứng về vụ việc hoạt động kích động giáo dân tuần hành gây mất ANTT của linh mục Đặng Hữu Nam trong thời gian làm quản xứ các giáo xứ Bình Thuận, Phú Yên, Mỹ Khánh đã làm rối loạn đời sống bình yên của giáo dân, đẩy không ít giáo dân vào các hoạt động lầm đường lạc lối, vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, theo nhà báo Nguyễn Đăng Khang, việc xuyên tạc vấn đề đất đai để công kích Đảng, Nhà nước, công kích chế độ, quy chụp, thổi phồng một số vấn đề tiêu cực trong xã hội để kích động, gây rối, thậm chí nhằm mục đích chính trị hóa, quốc tế hóa, là những thủ đoạn mà các thế lực chống phá thường xuyên sử dụng. Điển hình là một số vụ việc như: giải tỏa đền bù đất tại 42 Nhà Chung, Nhà thờ Thái Hà, dựng thánh giá, nhà nguyện trái phép ở giáo xứ Đồng Chiêm (Hà Nội), Đồng Hới (Quảng Bình), giải tỏa Chùa Liên Trì (TP HCM).

"Mặc dù các cơ quan chức năng đã vạch trần hành vi vi phạm pháp luật, chống phá đất nước của một số tổ chức, cá nhân núp trong vỏ bọc dân tộc, tôn giáo. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động lại lấy những vụ việc đó là cái cớ, lý do để xuyên tạc, vu cáo chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam nhằm kiếm cớ can thiệp vào chính trị nội bộ, tạo sức ép và mặc cả trong các quan hệ đối ngoại", nhà báo Nguyễn Đăng Khang cho biết.

lap day nhanh chong diem trang vung trang triet tieu thong tin doc hai hinh 1

Trong nhiều năm qua, linh mục Đặng Hữu Nam liên tục có nhiều hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, chống phá, kích động giáo dân gây mất an ninh trật tự, đi ngược lại lợi ích dân tộc.

Theo thống kê đã có hàng nghìn hội nhóm phản động mới xuất hiện trên mạng xã hội, đáng chú ý là: “Việt Tân”, “Dân Luận”, “Pháp luân công”, “Hóng biến”, “Việt Nam Cộng hòa”; các trang phản động, như: Người Việt Online, “Nhật ký yêu nước”, “Dân làm báo”…

Trung bình 1 tháng, các thế lực thù địch phát tán hơn 130.000 bài viết, video xuyên tạc lên internet, mạng xã hội. Trong đó, có hơn 80.000 bài viết được phát tán trên mạng xã hội Facebook và khoảng 40.000 bài viết, video xuyên tạc từ các kênh mạng xã hội Youtube, Blog cá nhân hoặc các kênh tin tức phản động.

Ngoài ra, các tổ chức phản động còn triệt để khai thác tính năng “phát trực tuyến” của Youtube và Facebook làm công cụ phát tán thông tin xấu độc. Chúng sử dụng các đối tượng phản động tại chỗ, hoặc cử người đến địa bàn có vụ việc “nóng” xảy ra, để đăng tải video trực tiếp lên mạng xã hội với nội dung xuyên tạc thông tin, gây hoang mang trong dư luận.

Các tổ chức phản động còn tổ chức theo dạng Group Facebook, lợi dụng các tính năng cộng đồng, tính bảo mật để xây dựng lên các diễn đàn trao đổi, phát tán thông tin phản động hay tạo các nhóm bí mật để liên lạc, lên kế hoạch biểu tình, chống phá chế độ.

Không được để “khoảng trống thông tin”

Đáp lại những luận điệu xuyên tạc, báo chí với nhiệm vụ là lực lượng đi đầu, trở thành người định hướng dư luận xã hội, bảo vệ có hiệu quả nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ đất nước. Trong đó, hệ thống báo điện tử với ưu thế đưa tin nhanh, đa phương tiện, trở thành vũ khí sắc bén trong công tác này.

Lấy dẫn chứng về tuyến tin định hướng, phản bác luận điệu sai trái, ông Trần Tiến Duẩn - Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus, TTXVN cho biết, trên Báo điện tử VietnamPlus với hàng nghìn tin, bài mỗi năm, trong đó, có nhiều tuyến tin được xây dựng bài bản, công phu như: Bảo vệ chủ chủ quyền biển đảo, chống diễn biến hòa bình, chống tin giả…

"Về tuyến tin bảo vệ chủ quyền biển đảo, VietnamPlus luôn chú trọng thông tin chính xác, nhanh nhạy, đủ liều lượng, có lợi cho cuộc đấu tranh của ta và phù hợp với luật pháp quốc tế", ông Trần Tiến Duẩn chia sẻ.

lap day nhanh chong diem trang vung trang triet tieu thong tin doc hai hinh 2

Trong môi trường hội tụ truyền thông hiện nay, báo chí phải là lực lượng đi đầu trong công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và làm chủ thông tin trên không gian mạng, từ đó mới thực sự trở thành người định hướng dư luận xã hội, bảo vệ có hiệu quả nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ đất nước.

Nhìn nhận về phương diện thực hiện chức năng, nhiệm vụ của báo chí trên mặt trận đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, thù địch, ông Trần Tiến Duẩn cho rằng, loại hình báo chí điện tử vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa thật sự tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đòi hỏi của tình hình thực tiễn, nhất là trong những sự kiện “nóng” hoặc những vấn đề “nhạy cảm”.

"Vẫn còn không ít các cơ quan báo chí điện tử còn chưa thực sự chủ động, nhạy bén, sắc sảo trong công tác này. Nhiều báo điện tử, có lượng truy cập cao song không chú trọng nhiều đến mảng thông tin phản bác, định hướng mà chạy theo xu hướng, nhu cầu độc giả", nhà báo Trần Tiến Duẩn nhận định.

Theo Tổng biên tập VietnamPlus, vấn đề chủ động, kịp thời, tổ chức thông tin tốt rất quan trọng. Trong cuộc đấu tranh về mặt tư tưởng, các tòa soạn phải chủ động khắc phục được tình trạng “điểm trắng”, “vùng trắng” về thông tin, triệt tiêu khả năng, cơ hội chiếm lĩnh cạnh tranh của các thông tin độc hại ngoài luồng đối với các thông tin chính thống của báo chí trong nước.

"Đây là phương thức hữu hiệu nhất ngăn chặn, đẩy lùi một cách chủ động các thông tin sai trái của kẻ thù. Đặc biệt, các tòa soạn báo điện tử thực hiện vai trò “nhạc trưởng” gợi ý, lên kế hoạch, tổ chức tuyến thông tin sao cho hiệu quả trong điều kiện cụ thể.

Việc tổ chức thông tin cũng giúp cho dòng chảy thông tin của các cơ quan báo chí được liên tục, không đi chệch “đường ray”, không bỏ sót, bỏ lọt sự kiện và cũng hạn chế được tình trạng “đánh với, đuổi theo” sự kiện, làm ảnh hưởng đến hiệu quả và chất lượng thông tin", ông Duẩn cho biết.

lap day nhanh chong diem trang vung trang triet tieu thong tin doc hai hinh 3

Mỗi phóng viên, nhà báo cần phải coi nền tảng số, mạng xã hội là một mặt trận để nắm bắt chắt lọc thông tin, phản bác, đấu tranh kịp thời với các quan điểm sai trái.

Đồng quan điểm với ông Trần Tiến Duẩn, nhà báo Nguyễn Đăng Khang cho rằng, mỗi khi có sự kiện, vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo các cơ quan quản lý cần nhanh chóng thông tin kịp thời đến cơ quan báo chí, đồng thời cơ quan báo chí cũng khẩn trương tìm hiểu, đăng tải, chia sẻ thông tin kịp thời trên fanpage, kênh video, không được để “khoảng trống thông tin”.

Bởi lẽ, khi các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước, báo chí chính thống chưa có thông tin chính thức, sẽ vô tình tạo lập các “khoảng trống thông tin”, “khoảng trống im lặng”. Các đối tượng, thế lực thù địch sẽ lợi dụng các trang mạng xã hội làm lan tỏa thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, “đổi trắng thay đen”, lẫn lộn đúng sai, thật giả hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu thù địch, lồng ghép, xâu chuỗi các vụ việc với nhau, tấn công trực diện vào sự hiếu kỳ của công chúng để chống phá Đảng, Nhà nước.

Nhà báo Nguyễn Đăng Khang nhấn mạnh đến vấn đề để đấu tranh có hiệu quả với các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo thì điều cốt lõi nhất chính là những thành tựu, kết quả đạt được trong phát triển kinh tế  - xã hội tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, địa bàn tôn giáo làm cơ sở vững chắc nhất để phản bác lại những thông tin xuyên tạc, bịa đặt.

Bên cạnh đó, theo ông Khang, việc tận dụng tối đa nền tảng số, mạng xã hội là nhiệm vụ hết sức quan trọng, mỗi phóng viên, nhà báo cần phải coi nền tảng số, mạng xã hội là một mặt trận để nắm bắt chắt lọc thông tin, phản bác, đấu tranh kịp thời. 

Trả lời về vấn đề nhiều ý kiến cho rằng việc sản xuất, chia sẻ nội dung thông tin của các cơ quan báo in, phát thanh, báo điện tử trên các nền tảng xã hội sẽ dễ dàng hơn so với các Đài, kênh truyền hình?

Nhà báo Nguyễn Đăng Khang cho biết, từ thực tiễn Truyền hình CAND đã và đang thực hiện chúng tôi nhận thấy, nhiệm vụ đấu tranh phản bác, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng bằng báo hình quả rất khó nhưng không phải không làm được.

"Hiện nay, Truyền hình CAND đang duy trì nhiều chuyên mục chuyên biệt về phản bác, đấu tranh như: Góc nhìn sự thật, An ninh văn hóa… Đối với Ban Thời sự, chúng tôi đang duy trì tiểu mục Nhận diện & Đấu tranh trong Bản tin An ninh 24h.

Sau khi phát sóng, phóng sự sẽ được phát nguyên hoặc chia nhỏ theo chủ đề đăng tải trên fanpage, trên kênh youtube của Truyền hình CAND… Hiện kênh youtube của ANTV đang có gần 6,8 triệu người đăng ký, fanpage trên Facebook 1,7 triệu người theo dõi và số người tiếp cận những thông tin đó là không nhỏ", nhà báo Nguyễn Đăng Khang thông tin.

Phan Hoà Giang/Congluan


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây