Cụ thể, theo công bố mới nhất, tốp 5 cơ quan báo chí dẫn đầu khối báo chí địa phương về mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2023 gồm: Báo Người Lao Động (cơ quan chủ quản: Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh); Báo Nghệ An (cơ quan chủ quản: Tỉnh uỷ Nghệ An); Báo Khánh Hoà (cơ quan chủ quản: Tỉnh uỷ Khánh Hoà); Báo Hà Nội Mới (cơ quan chủ quản: Thành uỷ Hà Nội); Báo Sài Gòn Giải Phóng (cơ quan chủ quản: Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh).
Khối Báo chí Địa phương bao gồm Báo, Tạp chí thuộc tỉnh, thành phố, Tạp chí thuộc Hội Văn học Nghệ thuật của các địa phương, có tổng cộng 143 đơn vị.
Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số gồm 5 trụ cột và 42 tiêu chí. Tổng điểm đánh giá đạt tối đa là 100 điểm, trong đó thang điểm tối đa của các trụ cột là: (1) Chiến lược: 18 điểm; (2) Hạ tầng số, nền tảng số và an toàn thông tin: 24 điểm; (3) Sự đồng nhất về tổ chức và chuyên môn: 20 điểm; (4) Độc giả, khán giả, thính giả: 23 điểm; và (5) Mức độ ứng dụng công nghệ số: 15 điểm.
Mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí của các cơ quan báo chí được xác định căn cứ vào tổng điểm đạt được của 5 trụ cột và được xếp theo 5 mức: Xuất sắc, Tốt, Khá, Trung bình và Yếu.
Kết quả đánh giá, xếp hạng là cơ sở để các cơ quan báo chí theo dõi lộ trình thực hiện chuyển đổi số hằng năm của đơn vị, phản ánh một bức tranh rõ nét hơn về tình hình ứng dụng và phát triển CNTT, chuyển đổi số, từ đó các cơ quan báo chí xây dựng phương án, kế hoạch phù hợp thúc đẩy hoạt động CNTT nói chung và chuyển đổi số nói riêng phù hợp với đặc thù và mục tiêu hướng tới của đơn vị.