Có đơn giản chỉ để câu view?
Trong những ngày qua, mạng xã hội sôi sục trước clip một cô gái trẻ ăn mặc hở hang cự cãi một bà vãi khi bà vãi này không cho cô gái trẻ vào chùa. Đặc biệt, cô gái trẻ này còn cố tình vào chùa và có những hành động, lời nói xúc phạm đến người lớn tuổi.
Clip nhanh chóng được chia sẻ rộng rãi trên mạng và tạo ra hàng ngàn ý kiến khác nhau. Đa số cư dân mạng đều lên án hành động ăn mặc hở hang đi vào chùa cũng như những hành vi vô lễ với người lớn tuổi của cô gái trẻ này. Những luồng tranh luận liên tục nổ ra về nhận thức cũng như lối sống của một bộ phận giới trẻ ngày nay khi du nhập văn hóa phương Tây, gây ra xung đột văn hóa, thậm chí, cũng đã có những tranh luận xung quanh như thế nào là tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, khi tự do đó bao gồm cả tự do ăn mặc không theo phép tắc, phật ở tại tâm.
Tuy nhiên, cũng rất nhanh chóng, bức ảnh thân mật giữa bà vãi và cô gái trẻ được cư dân mạng lan truyền trên mạng xã hội. Bức ảnh đã hé lộ sự thật của clip khi cư dân mạng vạch trần đây là một clip được dàn dựng. Lúc này, cả cộng đồng mạng lại được phen ngã ngửa ra khi biết mình đã..."ăn một cú lừa".
Với tài diễn xuất xuất chúng, hai cô cháu nhà kia đã khiến công chúng mất khá nhiều thời gian để bình phẩm, phê phán thậm chí là lên án. Cuối cùng, thì clip này lại là một sản phẩm của nghệ thuật sắp đặt.
Nhiều người đánh giá clip trên như một dạng thông tin giả được lan truyền trên mạng, nó đem lại các kết quả tiêu cực không khác gì việc đăng tải tin giả.
Trong một môi trường mạng với đa dạng thông tin, những clip tiêu cực như trên có thể gây ảnh hưởng đến nhận thức, hành động của một bộ phận giới trẻ thậm chí tạo trào lưu làm clip với nội dung bịa đặt như vậy. Đồng thời, chùa là chốn linh thiêng, việc ăn mặc hở hang quay clip và đem những câu chuyện bịa đặt ra diễn tại nơi đây là hoàn toàn không phù hợp.
Trước đó, có một thời kỳ, hàng loạt những clip “giải cứu” người yếu thế do những dân giang hồ mạng đóng. Nội dung thường là giang hồ giúp đỡ một người yếu thế không quen biết, một đàn em đang bị bắt nạt. Những clip có nội dung như thế này thường rất thu hút sự quan tâm của công chúng nhất là công chúng trẻ. Chưa có thống kê nhưng chắc chắn nhiều bạn trẻ chọn cách ứng xử kiểu "anh hùng" như trong các clip dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật, bị xử lý nghiêm khắc.
Theo nhà báo Trần Anh Tú - Phó Tổng biên tập Tạp chí Thông tin & Truyền thông, những clip này được sản xuất chắc chắn với mục đích câu like và việc không nói rõ từ đầu hoặc cố tình nhập nhằng giữa việc diễn xuất và quay trực tiếp chính là việc tạo ra tin giả.
"Tuy nhiên, cũng cần nói rằng dù là tin giả nhưng có lẽ rất khó để xử lý những người sản xuất, phát tán clip với nội dung bịa đặt như thế này. Ở đây có sự nhập nhằng giữa clip mang tính giáo dục (giáo dục sự thương yêu con người, giáo dục lễ giáo ví như trang phục khi vào cơ sở thờ tự...) và những trò đùa câu view, câu like rẻ tiền. Không có người bị hại. Tin giả nếu nhằm vào một con người cụ thể thì dễ xử lý hơn rất nhiều", nhà báo Trần Anh Tú cho biết.
Vai trò cốt lõi thuộc về đào tạo
Những tiến bộ khoa học đã đi quá nhanh, được tiếp cận với công chúng quá nhanh trong khi công chúng chưa có “đề kháng”. Chúng ta, hay con em chúng ta hồn nhiên tham gia mạng xã hội với sự kết nối vô tận, không biên giới, không giới hạn mà không có vũ khí bảo vệ nào. Và nhiều đứa trẻ đã bị ảnh hưởng bởi những clip xấu, những tin giả “biến hình” như clip cô gái trẻ ăn mặc hở hang đòi vào chùa kia.
Nhà báo Trần Anh Tú cho rằng, trong khi chờ đợi cơ quan chức năng có những quy định cụ thể, sát thực hơn (thực ra thì quy định thường đi sau thực tế) những clip đóng phải ghi rõ để không tạo ra sự hiểu nhầm rằng đó là cảnh quay thực..vv..., chúng ta cần tạo ra virus cho công chúng miễn nhiễm trước tin giả. Công chúng ở đây đặc biệt nhấn mạnh đến công chúng trẻ. Cần có những khóa đào tạo chính khóa hẳn hoi, dành cho học sinh. Để các em có thể hiểu những quy định khi tham gia mạng xã hội: Quy định về bí mật thông tin cá nhân, quyền và nghĩa vụ, thế nào là tin giả, ứng xử với tin giả, ứng xử khi bị bắt nạt online ra sao...
Theo Phó Tổng biên tập Tạp chí Thông tin & Truyền thông, nhiều nước đã đưa vào chương trình học những nội dung này. Tôi thấy chúng ta đã bàn nhiều về việc này nhưng vài năm nay vẫn chưa có triển khai rộng rãi. Trong khi đó, tôi thấy trong chương trình học của trẻ em giờ có cả những bài học, học phần về pháp luật, tham nhũng, những nội dung cần thiết (theo nghĩa rộng) nhưng chưa thiết thực với lứa tuổi học sinh.
Thông tin, truyền thông đặc biệt là truyền thông xã hội cần được coi là một môn học bắt buộc trong các cấp học phổ thông. Nhưng những nội dung của môn học này cần được xây dựng thiết thực, dễ hiểu với phần đông học sinh chứ không nên đi vào lối mòn kiểu bàn về những điều vĩ mô, xa lạ, giáo điều, khô cứng.
"Tác giả, người giảng dạy môn học phải là các chuyên gia truyền thông xã hội chứ không phải “người trúng thầu” thiết kế nội dung môn học hay những thầy cô ít tiếp xúc với mạng xã hội, thậm chí không tham gia mạng xã hội. Tôi không có ý coi thường nhưng nếu chưa tham gia mạng xã hội thì khó có thể nắm bắt được mức độ “mê hoặc” cũng như những tác hại của mạng xã hội đối với công chúng trẻ", nhà báo Trần Anh Tú cho hay.
Báo chí đứng ở đâu trong câu chuyện này?
Không chỉ riêng Việt Nam, mà nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đều có các biện pháp khuyến khích công dân ứng xử có văn minh trên mạng xã hội, bảo đảm cho tự do ngôn luận đi theo chiều hướng tích cực, có lợi, đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi khách quan. Việc xây dựng các quy định luật pháp về tự do ngôn luận của mỗi quốc gia đều căn cứ vào truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán, những điều kiện, bối cảnh lịch sử cụ thể.
Ở nước ta, báo chí là một “binh chủng” tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, là tiếng nói chính thống của nhân dân, cho nên khi mạng xã hội phát triển đa dạng, đa chiều, thậm chí đang trở thành “ma trận hỗn loạn” thì báo chí đóng vai trò quan trọng để cung cấp những thông tin đích thực, đầy đủ mang tính định hướng cho công chúng. Muốn làm được việc này, báo chí phải là tiếng nói đích danh, phải công minh, trung thực và bảo vệ sự thật với quan điểm và phương thức tiến bộ, trách nhiệm.
Theo nhà báo Trần Anh Tú, báo chí cần nêu rõ vai trò định hướng - hiểu theo một nghĩa tích cực. Hãy tuyên truyền về mạng xã hội như một sự thật khách quan và giúp công chúng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ của mình khi tham gia mạng xã hội. Hãy chỉ ra những bất cập trong quy định về quản lý truyền thông xã hội để nêu ra những ý kiến xây dựng nhằm quản lý tốt hơn, bảo vệ tốt hơn những người tham gia mạng xã hội. Hãy đấu tranh với “phong trào” tin giả, tin xấu độc để độc giả hiểu rõ hơn, đề kháng tốt hơn với tin giả.
"Đối với mỗi trường hợp cụ thể như clip kể trên thì báo chí sẽ có cách xử lý khác nhau. Nhưng tôi cho rằng, trước tiên báo chí không nên cổ xúy những clip “tin giả” bằng việc thông tin ỡm ờ kiểu “clip đang được quan tâm trên mạng xã hội đây”. Nhiều người làm những việc kỳ cục trên mạng xã hội chỉ để được thêm view, thêm like thậm chí “lên báo” dù bị chỉ trích. Vậy chúng ta không cho họ cơ hội đó", nhà báo Trần Anh Tú nhận định.
Tin giả là một thực tế khi mạng xã hội ra đời. Chúng ta bắt buộc phải sống chung với tin giả như sống với vi khuẩn gây bệnh trong đời thực. Trách nhiệm của cơ quan chức năng nhất là báo chí là phải giúp công chúng đặc biệt là người trẻ hiểu rõ đâu là vi khuẩn gây bệnh, đâu là vi khuẩn có lợi. Hơn nữa, phải xây dựng “hệ miễn dịch” cho những người tham gia mạng xã hội. Để công chúng nhận biết tin giả, nội dung xấu trên mạng xã hội. Tự họ sẽ chọn được cách đấu tranh với những nội dung không lành mạnh trên mạng xã hội.