Thứ năm, 21/11/2024, 23:51

Kinh tế báo chí với đầy rẫy những áp lực: Cần có những quy định cụ thể hơn

Kinh tế báo chí là vấn đề mới, quan trọng nhưng không kém phần nhức nhối. Với một vấn đề như vậy, rất cần những quy định cụ thể, rõ ràng để các cơ quan báo chí phát huy được vai trò làm kinh tế của mình và làm kinh tế báo một cách lành mạnh.

Chi đầu tư phát triển báo chí chỉ chiếm dưới 0,3% tổng chi đầu tư ngân sách nhà nước

Trong những năm qua, các cơ quan báo chí cả nước bao gồm cả phát thanh, truyền hình, báo in và báo điện tử đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước; thông tin, tuyên truyền kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế; là cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân, là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội.

Cùng với những thành công nhất định trong thời gian qua, không thể phủ nhận rằng hiện nay, tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, thậm chí là có biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí, nhận nguồn tài trợ để tác động vào báo chí truyền thông nhằm những mục đích vụ lợi đang diễn ra. Có hiện tượng phóng viên “làm tiền” doanh nghiệp hoặc trao đổi bài viết, đường link bằng những hợp đồng quảng cáo, tài trợ... Nhiều phóng viên đã vướng vòng lao lý khi bị phát hiện, tố cáo. Dù là con sâu đổ rầu nồi canh nhưng hiện tượng này đã khiến cho xã hội hiểu sai về báo chí và ảnh hưởng tới uy tín của các nhà báo chân chính khác.

kinh te bao chi voi day ray nhung ap luc can co nhung quy dinh cu the hon hinh 1

"Chỉ khi có những quy định cụ thể thì các cơ quan báo chí mới phát huy được vai trò làm kinh tế của mình và làm kinh tế báo một cách lành mạnh góp phần tạo môi trường báo chí xanh như chúng ta mong muốn", TS. Đồng Mạnh Hùng khẳng định.

Theo số liệu thống kê: Từ năm 2017 đến năm 2022, Bộ TT&TT tiến hành 65 cuộc thanh tra, 48 cuộc kiểm tra; ban hành 306 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 8 tỷ 618 triệu đồng.

Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi Luật Báo chí 2016", khi nhìn nhận vào thực trạng trên, T.S Đồng Mạnh Hùng - Trưởng ban Thư ký Biên tập  Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, con số này chưa phản ánh hết những “góc khuất” trong hoạt động báo chí hiện nay. Việc các nhà báo, phóng viên có biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng tư cách người làm báo để dọa dẫm, sách nhiễu cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để trục lợi là có thật, và diễn ra ở mức độ nghiêm trọng hơn.

"Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế trên, mà ở đó, theo tôi, quan trọng nhất là do vấn đề về ngân sách hoạt động. Chi đầu tư phát triển báo chí chỉ chiếm dưới 0,3% tổng chi đầu tư ngân sách nhà nước. Không nhiều cơ quan chủ quản bố trí ngân sách, nguồn lực để đặt hàng hoặc hỗ trợ cơ quan báo chí thực hiện các nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền. Nhiều cơ quan chủ quản thậm chí không những không giúp gì về nguồn lực tài chính để hoạt động, ngược lại còn áp đặt cơ quan báo chí phải có một số khoản đóng góp để bổ sung chi hoạt động của cơ quan chủ quản. Câu chuyện về kinh tế với đầy rẫy những áp lực là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến những sai phạm của báo chí trong thời gian qua", TS. Đồng Mạnh Hùng nhận định.

Theo ông Hùng, nhiều người cho rằng, có nên đánh đồng kinh tế báo và tự chủ hay không? Thực chất đây là hai khái niệm khác nhau nhưng có mối liên hệ với nhau. Các cơ quan báo chí tự chủ thì phải tiến hành làm kinh tế báo chí, nhưng không phải cơ quan báo chí nào làm kinh tế báo chí cũng là cơ quan báo chí phải tự chủ.

Chính vì vậy, cần phải quy định rất rõ cơ chế tự chủ trong báo chí để tránh những sự hiểu lầm hoặc lợi dụng “cơ chế tự chủ” để thực hiện những mục đích kinh tế khác nhau. Hiện nay, do cơ chế tự chủ nên không ít các tòa soạn giao khoán định mức kinh tế truyền thông cho các phóng viên đã dẫn đến áp lực về việc làm, thu nhập khiến người cầm bút dễ sa ngã, đôi khi phóng viên đặt mục tiêu có hợp đồng kinh tế hơn là chú trọng đến chất lượng bài viết. 

Luật Báo chí hiện hành chưa có những quy định chặt chẽ về kinh tế báo và vai trò của báo chí trong việc làm kinh tế

T.S Đồng Mạnh Hùng nêu thực trạng, một hiện tượng khác phát sinh từ việc lợi dụng “cơ chế tự chủ” là tình trạng phóng viên các tạp chí điện tử chuyên ngành “xé rào” đi viết bài chống tiêu cực hoặc PR cho doanh nghiệp nhưng thực chất là để dọa dẫm vòi tiền, đòi quảng cáo hoặc hợp đồng truyền thông để hưởng lợi cá nhân hoặc nộp lại cho đơn vị dưới danh nghĩa “nuôi sống tòa soạn”. Hiện tượng này gọi là "báo hóa tạp chí” gây ảnh hưởng lớn đến danh dự, uy tín các nhà báo chân chính, làm xã hội hiểu sai lệch vai trò của báo chí. "Trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do Luật Báo chí còn chưa có những quy định chặt chẽ về kinh tế báo và vai trò của báo chí trong việc làm kinh tế", ông Hùng cho biết.

kinh te bao chi voi day ray nhung ap luc can co nhung quy dinh cu the hon hinh 2

Câu chuyện về kinh tế với đầy rẫy những áp lực là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến những sai phạm của báo chí trong thời gian qua. (Ảnh: vtv)

Ông Hùng dẫn chứng, Luật Báo chí 2016 đã có những quy định tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển kinh tế báo, cụ thể tại Điều 21 “Loại hình hoạt động và nguồn thu của cơ quan báo chí”; Điều 37 “Liên kết trong hoạt động báo chí”. Tuy nhiên, các quy định này vẫn chưa đầy đủ, chưa cụ thể, dẫn đến việc các cơ quan báo chí lúng túng trong hoạt động, mặt khác, tạo điều kiện cho một số cơ quan báo chí, một số nhà báo lợi dụng để vi phạm. Cụ thể như sau: Khoản 1 Điều 21 Luật Báo chí 2016 quy định: “Cơ quan báo chí hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu. Tạp chí khoa học hoạt động phù hợp với loại hình của cơ quan chủ quản”.

Đơn vị sự nghiệp có thu là một loại đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập và là đơn vị dự toán độc lập, có con dấu và tài khoản riêng, tổ chức của bộ máy kế toán thực hiện theo quy định của của Luật kế toán. Tuy nhiên, do được định danh là đơn vị sự nghiệp, nên các cơ quan báo chí phải thực hiện đúng các quy định về kinh tế, tài chính như các đơn vị sự nghiệp khác, đơn cử như mức thuế thu nhập doanh nghiệp từ 10-20%, trong khi vẫn phải thực hiện chức năng thông tin tuyên truyền theo nhiệm vụ chính trị.

Các tạp chí của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, viện nghiên cứu (không thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội) không phải là đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, Luật Báo chí chưa quy định loại hình của các tạp chí khoa học, mà chỉ quy định chung chung “hoạt động phù hợp với loại hình của cơ quan chủ quản”, dẫn đến khó khăn cho các tạp chí trong việc phát triển kinh tế.

"Vấn đề phân định rõ ràng loại hình đơn vị sự nghiệp có thu của các cơ quan báo chí với loại hình (có thể coi là doanh nghiệp) đối với các tạp chí có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nếu coi các tạp chí là doanh nghiệp thì các tạp chí sẽ thực hiện theo các quy định của pháp luật kinh tế, và có thể, sẽ có những mâu thuẫn đối với quy định của Luật Báo chí", ông Hùng nói.

kinh te bao chi voi day ray nhung ap luc can co nhung quy dinh cu the hon hinh 3

Luật Báo chí là cơ sở quan trọng để các cơ quan báo chí và nhà báo hoạt động.

Bên cạnh đó, theo TS. Đồng Mạnh Hùng, việc coi các tạp chí là doanh nghiệp sẽ dẫn tới việc khó kiểm soát, chỉ đạo nội dung tuyên truyền. Song, nếu không phải là doanh nghiệp thì các tạp chí hoạt động theo mô hình gì? Đây là vấn đế tối quan trọng trong việc chấn chỉnh tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội của báo chí nói chung trong thời gian qua.

Luật Báo chí là cơ sở quan trọng để các cơ quan báo chí và nhà báo hoạt động. Với vấn đề mới và quan trọng như kinh tế báo chí rất cần quy định cụ thể, nếu được có thể quy định thành một chương trong luật. "Chỉ khi có những quy định cụ thể thì các cơ quan báo chí mới phát huy được vai trò làm kinh tế của mình và làm kinh tế báo một cách lành mạnh góp phần tạo môi trường báo chí xanh như chúng ta mong muốn", TS. Đồng Mạnh Hùng khẳng định.

Phát biểu tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi Luật Báo chí 2016" diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, một trong nhưng vấn đề cần làm rõ dưới góc nhìn của cơ sở khoa học đó là kinh tế báo chí. Cụm từ này khi nói ra có nhiều người vẫn nghĩ nó như một khái niệm mới và đặt câu hỏi tại sao báo chí lại đặt vấn đề kinh tế, trong khi chức năng của báo chí là thực hiện nhiệm vụ chính trị?

Thứ trưởng Lâm cho rằng, cơ quan báo chí với 2 vai trò đó là: Tham gia bảo vệ chế độ bên cạnh đó là cơ quan cung cấp dịch vụ công - thông tin tuyên truyền thiết yếu. Cần phải có cơ sở khoa học để làm sòng phảng mối quan hệ giữa cơ quan báo chí với cơ quan chủ quản và cao hơn là nhà nước trong vai là khách hàng lớn của báo chí.

"Cần có những quy định khoa học, cụ thể để khi trình bày có thể thuyết phục được các cấp, ngành, thuyết phục được xã hội, khi câu chuyện của báo chí và kinh tế báo chí còn là vấn đề nhức nhối", Thứ trưởng Lâm nhận định.

Phan Hoà Giang/Nhà báo & Công luận


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây