Thứ tư, 01/05/2024, 23:59

Chuyển đổi số trong hoạt động phát thanh, truyền hình

Sáng 7/7, tại Thừa Thiên - Huế, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức Hội thảo về công tác chuyển đổi số cho các Đài Phát thanh, Truyền hình.
 
Chú thích ảnh

Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử Nguyễn Hà Yên phát biểu tại hội thảo. 

Trên 200 đại biểu đến từ các Đài Phát thanh, Truyền hình trên cả nước cùng đại diện một số đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông tham dự.

Hội thảo nằm trong chương trình hoạt động năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng thời là một trong những chuỗi hoạt động của Dự án Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 - 2024 (do Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk đồng hành tài trợ) nhằm hỗ trợ báo chí cách mạng Việt Nam hòa nhập với sự phát triển của báo chí thế giới.

Đây là dịp để phóng viên, biên tập viên các Đài Phát thanh, Truyền hình trên cả nước có dịp trao đổi kiến thức, kinh nghiệm về chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, trong công tác sản xuất, biên tập các chương trình truyền hình; từ đó, góp phần nâng cao bộ chỉ tiêu đánh giá chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí.

Tại hội thảo, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực truyền hình được trao đổi kinh nghiệm về khai thác, thu thập và phân tích dữ liệu số, cách phát triển và khai thác hiệu quả kênh Youtube.

Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và thông tin điện tử Nguyễn Hà Yên đã cung cấp các thông tin tổng quan về lĩnh vực phát thanh, truyền hình năm 2023 và xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình thời gian tới. Theo đó, mục tiêu chuyển đổi số báo chí Việt Nam đến năm 2025 là 70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số. 50% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. 80% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số… Để đạt được những mục tiêu này, Bộ Thông tin và Truyền thông đề ra các giải pháp, kế hoạch cụ thể: Hoàn thiện môi trường pháp lý; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển các nền tảng số, sản phẩm báo chí số; tăng cường hợp tác quốc tế…

Chú thích ảnh

Buổi hội thảo thu hút đông đảo phóng viên, biên tập viên từ các Đài phát thanh truyền hình trên cả nước. 

Dịp này, các đại biểu tham dự hội thảo được thông tin về những kinh nghiệm sản xuất chương trình truyền hình và quản trị nội dung trên môi trường số của Đài Truyền hình Việt Nam; kỹ năng kinh doanh số trong quá trình chuyển đổi số ở các cơ quan phát thanh, truyền hình từ chuyên gia của Google như phát triển độc giả và khán thính giả - tăng phạm vi tiếp cận và mức độ tương tác từ khán thính giả; cách thu thập, phân tích và sử dụng dữ liệu để phát triển kinh doanh số; kỹ năng phát triển doanh thu, phát triển kinh doanh bền vững...

Sau 3 năm (2020 - 2022) triển khai, Dự án Phát triển báo chí Việt Nam đã tổ chức thành công hơn 20 hoạt động như: Tổ chức các khóa tập huấn, diễn đàn, hội thảo về công nghệ, báo chí và xuất bản 6 cuốn sách về nghiệp vụ báo chí; tiếp cận được khoảng 10.000 lượt nhà quản lý báo chí, cán bộ quản lý truyền thông, phóng viên, báo chí trên cả nước.

Mai Trang/TTXVN


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây