Thứ năm, 18/04/2024, 07:07

Như dòng sông chở nặng phù sa

(hoinhabaonghean.vn) Đọc cuốn sách “Làm báo trên miền đất lửa” dày hơn 500 trang của nhiều tác giả, tôi càng đọc thì càng không thể dứt ra được… Từng dòng chữ trong cuốn sách “Làm báo trên miền đất lửa”, tái hiện, khắc họa đầy đủ chặng đường 62 năm hình thành, phát triển của Báo Quân khu Bốn như được rứt ra từ trái tim của hàng chục tác giả, chân thật, dung dị và ngồn ngộn cảm xúc…
Phóng viên Báo QK 4 tác nghiệp trên xe trong quá trình phun khử khuẩn phòng chống dịch covid 19
Phóng viên Báo QK 4 tác nghiệp trên xe trong quá trình phun khử khuẩn phòng chống dịch covid-19
Đọc cuốn sách, tôi cảm nhận được rất nhiều khía cạnh của những người chiến sĩ cầm bút Báo Quân khu Bốn. Bên cạnh sự chịu đựng hy sinh gian khổ, sự sẻ chia của bạn đọc, niềm vui dung dị khi có bài báo, tác phẩm văn học “để đời”… là sự quan tâm của thủ trưởng các cấp, sự giúp đỡ, đồng hành của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và Nhân dân Khu Bốn kiên cường… Sự đồng hành, giúp đỡ đó đã góp phần làm nên một thế hệ làm báo cha anh thành danh lẫy lừng trên miền đất lửa. Tiêu biểu như: Nhà báo Phan Xuyến Thanh Đồng, Nhà báo Đậu Kỷ Luật, Nhà báo Nguyễn Đức Vĩnh; Nhà báo Trần Hợi.v.v… Và hôm nay, trong từng bài viết, từng phóng sự truyền hình… giữa thời bình của thế hệ phóng viên kế tiếp, sự đồng hành càng thấm đẫm, như một sự bồi đắp không ngừng nghỉ, để Báo Quân khu Bốn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình…
Sau những lần đi thu thập tư liệu để viết bài, dù ngắn hay dài ngày, anh em phóng viên Báo Quân khu Bốn đều có chung tâm sự, nếu như không có sự giúp đỡ của lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị, sự đồng hành, ủng hộ của bộ đội thì rất khó hoàn thành nhiệm vụ… Với anh em phóng viên Báo Quân khu Bốn, câu nói “Sẩy nhà ra thất nghiệp” không bao giờ tồn tại, vì mỗi lần đến các đơn vị, anh em được chăm lo chu đáo như ở chính cơ quan, ngôi nhà của mình…
Với tôi, mỗi chuyến đi công tác là ắp đầy những kỷ niệm không quên về sự giúp đỡ, đồng hành của bộ đội và Nhân dân đối với mình… Trong chuyến vượt sông để đến với nhân dân xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, sau những trận mưa lũ năm 2009, tôi bị ngấm nước và sốt rất cao. Cán bộ, nhân viên Ban Tuyên huấn, Bộ Chỉ huy quân sự Thừa Thiên Huế đã đưa tôi về điều trị ở Bệnh viện Quân y 268 và chăm sóc hết sức tận tình, chu đáo cho đến lúc tôi khỏi bệnh. Hình ảnh anh Phan Gia Thuận, Trưởng ban Tuyên huấn (bây giờ là Chính ủy Cục Kỹ thuật Quân khu 4) cùng các đồng chí Lê Sáu, Trần Tình, Hồng Thắm… chăm chút cho tôi từng miếng cơm, miếng cháo… thật xúc động biết bao! Rồi có lúc giữa đêm khuya, chiếc xe máy của tôi dở chứng giữa đường, có một người dân ở huyện Phú Lộc không chút ngần ngại đưa chiếc xe máy đắt tiền cho tôi về thành phố Huế, còn anh thì dắt chiếc xe máy hỏng về nhà mình… Anh đưa cho tôi số điện thoại và bảo tôi cứ dùng xe của anh, lúc nào hoàn thành chuyến công tác thì quay lại. Khi tôi tìm đến nhà anh, chiếc xe của tôi đã được sửa chữa. Tôi ngỏ ý trả tiền, anh nhất quyết không nhận và dặn đi dặn lại tôi đừng đưa tên anh lên báo…
Đặc biệt, trong các trận bão dồn, lũ dập ập xuống tàn phá dải đất Khu Bốn vào tháng 10 năm 2020, con đường đến nơi tìm kiếm 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 hy sinh trong khi giúp Nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, do mưa lũ tàn phá nên xe ô tô không thể cơ động được. Thời gian cấp bách, trong khi quãng đường còn dài hơn 4 cây số, tôi rất lo lắng vì không biết bằng cách nào để đảm bảo thời gian tác nghiệp… Tôi quyết định chạy bộ, vừa cơ động được một đoạn đường ngắn thì thấy chiếc xe máy của ai đó vẫn còn chìa khóa trên chỗ khởi động ở bên vệ đường. Không kịp suy nghĩ, tôi nổ máy, điều khiển chiếc xe vượt qua những khu vực sạt lở nguy hiểm, chỉ trong thời gian ngắn đã có mặt nơi các đồng đội hy sinh… Quá trình tìm kiếm đồng đội hy sinh diễn ra trong nhiều tiếng đồng hồ… Khi người chiến sĩ cuối cùng được tìm thấy và đến lúc tôi trả chiếc xe máy về vị trí cũ thì đã hơn 4 giờ chiều… Tôi cố gắng tìm người chủ của chiếc xe máy để giải thích và nói lời xin lỗi, nhưng chờ mãi không gặp, nên đành tìm ngôi nhà gần nhất để gửi nhờ chiếc xe máy. Sau đó không lâu, tôi vào công tác ở huyện Hướng Hóa và tìm gặp được anh. Anh nói với tôi, hôm đó, anh cùng các công nhân đi sửa đường để vận chuyển các liệt sĩ. Công việc rất gấp và phải cơ động nhiều chỗ, nhưng khi nghe nói có người thấy nhà báo bộ đội đi chiếc xe của mình vào nơi 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 hy sinh, anh không hề đắn do, suy nghĩ hay trách cứ mà đi nhờ xe của người khác để dành chiếc xe của mình cho tôi hoàn thành nhiệm vụ…
Nghề làm báo đòi hỏi phải đi nhiều nơi, gặp nhiều người. Đôi chân của phóng viên Báo Quân khu Bốn rong ruổi khắp 6 tỉnh Bắc miền Trung trải dài từ Tam Điệp đến Hải Vân, đến đâu anh em phóng viên cũng được tiếp đón chu đáo, ân tình. Ở Sư đoàn 324, Sư đoàn 968 như đã thành thông lệ, khi phóng viên đến tác nghiệp, trước lúc xuống các trung đoàn, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị giành thời gian gặp gỡ, trao đổi, cung cấp thông tin… Ngoài các chủ đề phóng viên xác định, lãnh đạo, chỉ huy sư đoàn gợi mở thêm những đề tài rất có giá trị. Ở các Đoàn kinh tế - Quốc phòng của Quân khu khi phóng viên Báo Quân khu Bốn đến công tác, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị luôn đồng hành cùng anh em đến những nơi khó khăn, gian khổ. Đồng chí Đoàn trưởng, Chính ủy các Đoàn Kinh tế - Quốc phòng luôn có tác phong vừa đi vừa cung cấp thông tin cho phóng viên. Có nhiều công trình, nhiều phần việc bộ đội giúp nhân dân giữa đại ngàn Trường Sơn mà muốn đến nơi phải đi bộ, trèo đèo, lội suối hàng tiếng đồng hồ. Trên đường đi, các đồng chí Đoàn trưởng, Chính ủy luôn giúp mang, xách các vật dụng để tạo điều kiện cho phóng viên rảnh tay tác nghiệp…
Trước mỗi chuyến đi công tác, nỗi lo lớn nhất của anh em phóng viên truyền hình là việc huy động lực lượng, bố trí các hoạt động để thực hiện các cảnh quay… do ở đơn vị cơ sở rất nhiều công việc. Phóng viên Báo Quân khu 4 đã không ít lần lo đến mất ăn, mất ngủ, nhưng khi xuống đơn vị thì nỗi lo đó không còn nữa, vì các đơn vị luôn tạo điều kiện tối đa…
Mỗi tin, bài, ảnh, phóng sự truyền hình của Báo Quân khu Bốn đến với công chúng luôn có sự giúp đỡ, đồng hành của bộ đội và Nhân dân. Với chúng tôi, những người lính cầm bút Báo Quân khu Bốn, sự giúp đỡ, đồng hành đó như dòng sông chở nặng phù sa, miên man chảy trong trái tim mình, bồi đắp nên những bài viết hay, những trang truyền hình ngày càng chất lượng.
Hồ Lĩnh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây