Thông tin được Ban Nội Chính Trung ương cung cấp sau phiên họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực ngày 22/11.
Liên quan đại án Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB vừa hoàn tất điều tra, nhà chức trách thông báo đã khởi tố thêm hai vụ án với 72 bị can, trong đó có 23 bị can là lãnh đạo cấp cục, vụ...
23 người gồm: 6 cán bộ Thanh tra Chính phủ; 12 cán bộ Ngân hàng Nhà nước; một vụ trưởng Văn phòng Chính phủ; một cán bộ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia; một cán bộ Ủy ban Kiểm tra Trung ương; một chánh thanh tra tỉnh Lâm Đồng; một phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP HCM.
Thường trực Ban chỉ đạo đánh giá, đại án Vạn Thịnh Phát và ngân hàng SCB "là điển hình sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng, dùng ngân hàng làm sân sau cho doanh nghiệp, trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát".
Theo Phó ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng, lần đầu tiên nhà chức trách đã khởi tố tội Tham ô tài sản với chủ doanh nghiệp ngoài nhà nước là Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan.
Ông Dũng nói vụ án Việt Á là điển hình sai phạm trong lĩnh vực y tế, chuyên môn sâu. Nhà chức trách đã khởi tố 33 vụ án với 133 bị can; trong đó có 3 Ủy viên Trung ương Đảng là bộ trưởng, nguyên bộ trưởng và bí thư Tỉnh ủy; một thứ trưởng; một trợ lý phó thủ tướng; nhiều cán bộ cục, vụ, lãnh đạo cơ sở y tế địa phương.
Vụ án FLC là điển hình trong lĩnh vực thao túng thị trường chứng khoán, chuyên môn sâu, hoạt động khép kín với 21 bị can.
Vụ án Tân Hoàng Minh là sai phạm điển hình lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp. VKS đã ra cáo trạng truy tố 15 bị can về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Vụ án AIC là điển hình sai phạm trong đấu thầu, đấu giá; đã khởi tố 4 vụ án, 71 bị can trong đó có một nguyên bí thư Tỉnh ủy và nhiều cán bộ diện Tỉnh ủy quản lý. Tại vụ án này, lần đầu tiên nhà chức trách áp dụng xét xử vắng mặt với bị can bỏ trốn.