Đỗ Văn Sơn (cựu kế toán trưởng Công ty AIC) và Nguyễn Thị Thu Phương (trưởng bộ phận thư ký tài chính Công ty AIC) bị xác định cùng bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và ba người khác bỏ trốn ra nước ngoài trước khi bị khởi tố trong vụ án gian lận thầu thiết bị y tế tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.
Lần lượt vào cuối tháng 6 và cuối tháng 7, Sơn và Phương về đầu thú. Trong hàng chục người đã bỏ trốn tại các vụ án liên quan đến bà Nhàn mới chỉ có Sơn và Phương về đầu thú.
Cơ quan điều tra đã lấy lời khai của hai người này về các chỉ đạo của cựu chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Cựu kế toán trưởng AIC: "Không còn cách nào khác, phải làm thôi"
Theo cáo trạng vụ án vừa được Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành, Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người thành lập, xây dựng và điều hành toàn bộ hoạt động của Công ty AIC, các công ty thành viên và công ty do Nhàn thành lập để phục vụ cho việc đấu thầu.
Bà Nhàn biết rõ việc Công ty AIC không đủ năng lực tài chính để tham dự thầu nên đã chỉ đạo Đỗ Văn Sơn điều chỉnh số liệu, cung cấp các thông tin không trung thực về năng lực tài chính nhằm gian lận trong đấu thầu.
Tại cơ quan điều tra, Đỗ Văn Sơn khai cuối năm 2013 được bà Nhàn gọi lên phòng làm việc và chỉ đạo tìm cách chỉnh sửa số liệu, hợp thức hồ sơ để AIC tham gia các gói thầu thiết bị y tế tại Quảng Ninh.
Sơn trả lời bà Nhàn "không thể làm được" vì báo cáo tài chính năm 2010-2013 Công ty AIC không đủ năng lực dự thầu và các báo cáo này đã được nộp cho cơ quan thuế.
Tuy nhiên bà Nhàn vẫn chỉ đạo gay gắt "làm như thế nào là việc của chúng mày", Sơn khai tại cơ quan điều tra.
Sau đó Sơn về phòng làm việc chỉ đạo cấp dưới thực hiện theo chỉ đạo của bà Nhàn. Ban đầu cấp dưới từ chối thì Sơn nói "mình không còn cách nào khác, phải làm thôi".
Sau khi chỉnh sửa báo cáo tài chính của AIC, cựu kế toán trưởng đưa cho bà Nhàn duyệt và ký. Bà Nhàn tiếp tục chỉ đạo Sơn chuyển toàn bộ báo cáo này sang Công ty Kiểm toán KTV xác nhận để đưa vào hồ sơ của AIC dự thầu.
Từ các báo cáo tài chính mà Sơn chỉnh sửa theo chỉ đạo của bà Nhàn, AIC đã tham dự và trúng 3 gói thầu tổng trị giá hơn 121 tỉ, gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 20 tỉ.
"Quá trình điều tra, Đỗ Văn Sơn bỏ trốn, đến ngày 22-6-2023 bị bắt theo lệnh truy nã. Tại cơ quan điều tra, Đỗ Văn Sơn đã khai nhận hành vi phạm tội của mình phù hợp lời khai của các bị can khác", cáo trạng nêu.
Sơn được đánh giá đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, tích cực hợp tác trong quá trình giải quyết vụ án; tích cực vận động gia đình nộp số tiền 50 triệu đồng để khắc phục hậu quả nên được xem xét khi quyết định hình phạt.
Thành lập "hệ sinh thái" AIC để làm "quân xanh"
Theo cáo trạng, Nguyễn Thị Thu Phương được Nguyễn Thị Thanh Nhàn phân công là trưởng bộ phận thư ký tài chính Công ty AIC và giao nhiệm vụ, quyền hạn quản lý, điều hành một số công ty trong "hệ sinh thái" AIC gồm: Công ty Mopha, Công ty Bất động sản Phúc Hưng, Công ty Công nghệ cao, Công ty cổ phần Uy Tín Toàn Cầu.
Theo yêu cầu của Nhàn, Nguyễn Thị Thu Phương chỉ đạo thực hiện việc lập hồ sơ dự thầu liên danh do Công ty Phúc Hưng đứng đầu với các công ty khác để người đại diện các công ty này ký và tham gia dự thầu làm "quân xanh" cho AIC tại 3 gói thầu.
Phương cũng làm theo chỉ đạo của bà Nhàn, lập hồ sơ dự thầu của Công ty Uy Tín Toàn Cầu để làm "quân xanh" cho AIC tại một gói thầu.
Nguyễn Thị Thu Phương còn chỉ đạo việc sử dụng tiền của bộ phận thư ký tài chính, chỉ đạo nhân viên nộp tiền vào các tài khoản của các công ty trên để đảm bảo hoạt động. Thực chất các công ty này không có hoạt động kinh doanh, cổ đông cũng chỉ là đứng tên chứ không góp vốn.
Thời điểm trước khi vụ án bị khởi tố, theo chỉ đạo của bà Nhàn, bị can Nguyễn Thị Thu Phương bỏ trốn, đến ngày 28-7-2023 ra đầu thú.
Quá trình lấy lời khai, Phương không thừa nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai của các bị can, những người liên quan, các nhân viên Công ty AIC và các tài liệu, chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án, viện kiểm sát cho rằng có đủ cơ sở xác định Phương thực hiện hành vi như trên theo chỉ đạo của bà Nhàn.
Nguyễn Thị Thu Phương đã điều hành các công ty trong hệ sinh thái AIC tham gia làm "quân đỏ", "quân xanh" giúp Công ty AIC trúng thầu 6 gói thầu, tổng trị giá hơn 232 tỉ, cùng với bà Nhàn gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 50 tỉ.
"Đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận và xã hội quan tâm; một số bị can, đặc biệt là các bị can đầu vụ đã bỏ trốn, gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án, cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", cáo trạng nêu.
Đối với bà Nhàn và ba người khác đang bỏ trốn gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định truy nã nhưng không có kết quả; phát thư kêu gọi ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng nhưng đến nay chưa có kết quả.
Viện kiểm sát cho rằng những người này không ra đầu thú thì coi như từ bỏ quyền bào chữa và vẫn bị truy tố để đưa ra xét xử theo quy định.
Đây là vụ án thứ ba bà Nhàn bị điều tra. Cuối năm 2022, TAND TP Hà Nội xác định Nguyễn Thị Thanh Nhàn là chủ mưu vụ án vi phạm quy định đấu thầu, đưa nhận hối lộ xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và tuyên phạt 30 năm tù.
Giữa tháng 4-2023, Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục bị Bộ Công an khởi tố trong vụ án mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM.