Thứ năm, 21/11/2024, 19:36

Những công trình, phần việc vì dân của người lính quân hàm xanh nơi biên giới

Quản lý  địa bàn 2 xã Nhôn Mai và Mai Sơn thuộc huyện miền núi Tương Dương, những năm qua, Đồn Biên phòng Nhôn Mai đã có nhiều công trình, phần việc vì dân thiết thực. Qua đó, để lại nhiều dấu ấn sâu đậm đối với đồng bào các dân tộc nơi biên giới.

 

Mang nước sạch về cho dân bản

Đón ngày Tết Độc lập 2/9 năm nay, người dân bản Na Lợt (xã Nhôn Mai) vui hơn vì đã không còn phải chịu cảnh nơm nớp lo thiếu nước sinh hoạt. Na Lợt là bản 100% dân tộc Khơ mú với 61 hộ, 250 nhân khẩu, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn trong đó có vấn đề về nước sạch.

Nhờ có công trình bể nước quân dân do đồn biên phòng Nhôn Mai và nhà tài trợ xây tặng người dân bản Na Lợt không còn nỗi lo thiếu nước sạch nữa2.jpg
Niềm vui của người dân bản Na Lợt, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương khi có nước sạch về bản. Ảnh: T.H

Nguồn nước sinh hoạt của người dân chủ yếu gùi từ khe, suối nhỏ cách bản khoảng hơn 500m về dùng nhưng về mùa khô khe, suối thường cạn kiệt dẫn đến tình trạng thiếu nước. Thấu hiểu sự vất vả của bà con, Đồn Biên phòng Nhôn Mai đã phối hợp với Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội xây dựng bể nước sạch cho người dân bản Na Lợt.

Chỉ sau gần 2 tháng thi công dưới nắng nóng, ngày 6/8, Đồn và nhà tài trợ đã bàn giao công trình bể nước quân dân cho nhân dân bản Na Lợt đưa vào sử dụng, gồm 1 bể nước sạch 30m3 và 22 bình đựng nước loại 1.000 lít; đường ống dẫn nước gần 2,5km, với tổng trị giá 160 triệu đồng.

Ông Moong Văn Dần - Bí thư Chi bộ bản Na Lợt cho biết: Từ khi có bể nước sạch và đường ống dẫn nước từ khe, suối vào tận bể cùng các bình đựng nước tích trữ, người dân đỡ vất vả hơn nhiều, cảm ơn bộ đội biên phòng và nhà hảo tâm đã “chia khó” cùng dân bản ta!

FotoJet.jpeg
Đồn biên phòng Nhôn Mai và nhà tài trợ bàn giao công trình bể nước sạch và tặng bình chứa nước cho nhân dân bản Na Lợt, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương. Ảnh: GH-TH

Được biết, trong năm 2023, Đồn Biên phòng Nhôn Mai đã phối hợp với các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm khoan 9 giếng tặng cho 6 điểm trường thuộc 2 xã Nhôn Mai, Mai Sơn và 2 trạm biên phòng thuộc đồn quản lý. Mỗi giếng khoan có độ sâu từ 70-90m, kinh phí để khoan thành công mỗi giếng từ 40 đến 60 triệu đồng.

Xây cầu, công trình phụ trợ trường học vùng khó

Bên cạnh các công trình nước sạch, Đồn Biên phòng Nhôn Mai còn kêu gọi đầu tư xây dựng cầu dân sinh cho bản Phà Mựt (xã Nhôn Mai 45 km), địa bàn có 65 hộ với 371 nhân khẩu, 100% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số; tỷ lệ hộ nghèo 90%.

Trước đây, đường vào bản Phà Mựt qua khe, suối nhưng chỉ mới có cầu tạm ghép bằng ván gỗ.

Lãnh đạo tỉnh dự khánh thành cầu dân sinh cho dân bản Phà mựt xã Nhôn Mai. Anh thanh cuong.jpg
Lãnh đạo tỉnh dự khánh thành cầu dân sinh cho dân bản Phà Mựt, xã Nhôn Mai. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Vào mùa mưa lũ, nước suối dâng cao chia cắt cục bộ, gây khó khăn trong việc đi lại, làm ăn của bà con, việc học hành của con em trong bản cũng bị gián đoạn. Nhờ nỗ lực của những người lính quân hàm xanh và nhà tài trợ, cây cầu dân sinh ở bản Phà Mựt có tải trọng 3,5 tấn, rộng 3m kết cấu bằng thép chữ I, với tổng trị giá 450 triệu đồng đã đưa vào sử dụng từ ngày 14/7/2023 trong niềm vui của dân bản và chính quyền địa phương.

Hiện nay, Đồn Biên phòng Nhôn Mai đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị thiện nguyện xây dựng cầu dân sinh bắc qua khe Hỷ, nối liền bản Nhôn Mai với Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nhôn Mai với tổng trị giá 500 triệu đồng phục vụ nhu cầu đi lại của bà con nhất là khi mùa mưa lũ về.

12.jpg
Người dân bản Nhôn Mai lội suối để đến trung tâm xã. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Theo thiết kế, cầu Nhôn Mai được làm bằng kết cấu thép, dài 34m, rộng 2m, kinh phí khoảng 500 triệu đồng do các đơn vị thiện nguyện hỗ trợ. Dự kiến cây cầu sẽ được bàn giao trong tháng 9 năm nay, khi đưa vào sử dụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh đến trường, cũng như hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế của người dân địa phương.

Cùng những cây cầu dân sinh, Đồn biên phòng Nhôn Mai còn đứng ra kêu gọi các nhà tài trợ xây dựng các công trình phục vụ việc dạy và học cho các điểm trường tại địa bàn khó khăn do đơn vị quản lý. Điển hình như việc xây nhà bếp, công trình phụ, làm mái tôn, xây tường rào, nhà vệ sinh… cho cô, trò Trường Mầm non bản Piêng Coọc, xã Mai Sơn đã huy động được số kinh phí hơn 360 triệu đồng, trong đó Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Công Thương tại Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ 220 triệu đồng; Huyện ủy Tương Dương hỗ trợ 140 triệu đồng.

ct4_20230519130115.jpeg
Điểm trường Mầm non Piêng Cọc, xã Nhôn Mai. Ảnh: HC

Để hoàn thành công trình phụ trợ cho điểm trường này, cán bộ, chiến sĩ của Đồn đóng góp gần 400 ngày công lao động phục vụ thi công. Bên cạnh đó Đồn còn cử cán bộ chiến sĩ xuống địa bàn giúp các Trường Mầm non Nhôn Mai và Mai Sơn đổ hơn 300m2 sân bê tông làm sân chơi cho học sinh và hiện đang triển khai thi công điểm Trường Mầm non, Tiểu học ở bản Huồi Măn, xã Nhôn Mai trị giá 300 triệu đồng.

Nhân rộng mô hình sinh kế quân dân kết hợp

Dấu ấn của những người lính quân hàm xanh Đồn Biên phòng Nhôn Mai trong lòng cấp uỷ, chính quyền và người dân biên giới còn thể hiện ở sự đồng hành trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo qua các mô hình sinh kế quân dân kết hợp. Trong năm 2023, Đồn đã triển khai 2 mô hình nuôi dê sinh sản, 1 mô hình nuôi cá lồng trị giá 100 triệu đồng giúp 3 hộ dân trên địa bàn ổn định cuộc sống.

Điển hình như trường hợp gia đình chị Vi Thị Dung ở bản Piêng Mựn, xã Mai Sơn được Đồn Biên phòng Nhôn Mai hỗ trợ 6 cặp dê giống và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cũng như công tác vệ sinh chuồng trại đảm bảo Đông ấm, Hè mát để vật nuôi có sức đề kháng, phát triển tốt. “Nhờ sự cầm tay chỉ việc của BĐBP đàn dê của gia đình tôi phát triển tốt, từ 6 cặp dê giống giờ sinh sản và nhân lên 20 con rồi, gia đình tôi sẽ tiếp tục cố gắng chăm sóc đàn dê thật tốt và quyết tâm thoát nghèo”, chị Dung cho hay.

z4649134907482_2464c230cae89f97143cba14f161a9af.jpg
Gia đình chị Vi Thị Dung ở bản Piêng Mựn, xã Mai Sơn được Đồn Biên phòng Nhôn Mai hỗ trợ xây dựng mô hình sinh kế quân dân kết hợp. Ảnh: TH

Theo chia sẻ của Đồn trưởng Phan Thanh Hồng: Cái hay của mô hình quân dân kết hợp là bộ đội và người dân cùng làm. Các hộ tham gia mô hình đều được hưởng lợi nhuận 50% theo cam kết sau khi bán sản phẩm chăn nuôi, số tiền còn lại sẽ được đơn vị đầu tư tái sản xuất cho các gia đình khác. Ngoài nguồn vốn, công sức của bộ đội, các hộ dân được thấy quyền lợi của mình khi tham gia mô hình nên cũng tích cực tham gia.

Qua đó nhiều hộ khác cũng học tập làm theo. Ví như tại điểm chốt Piêng Coọc, Đồn Biên phòng Nhôn Mai phối hợp UBMTTQ xã Mai Sơn triển khai mô hình nuôi bò vỗ béo. Sau 1 năm triển khai bò phát triển tốt, trở thành động lực để người dân trên địa bàn làm theo trong phát triển kinh tế gia đình. Được biết, từ đầu năm đến nay, tổng kinh phí mà Đồn kêu gọi các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm và kinh phí do Đồn Biên phòng Nhôn Mai trực tiếp đầu tư trên địa bàn hai xã Nhôn Mai, xã Mai Sơn là gần 3 tỷ đồng.

13.jpg
Đồn Biên phòng Nhôn Mai hướng dẫn người dân xây dựng mô hình sinh kế nuôi cá lồng trên sông. Ảnh: GH

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Phan Thanh Hồng - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nhôn Mai cho biết thêm: Trong thời gian tới, Đồn dự kiến tiếp tục triển khai khảo sát, kêu gọi, xây bể nước quân dân trị giá khoảng 200 triệu đồng, xây dựng cầu dân sinh, trị giá khoảng 300 triệu đồng tại bản Chà Lò, xã Mai Sơn.

Đồng thời, tiếp tục nhân rộng 03 mô hình sinh kế Quân dân kết hợp (nuôi dê sinh sản và nuôi cá lồng cho các hộ dân khó khăn) ước tính vốn đầu tư ban đầu (về con giống, chuồng, lồng) trị giá 1 mô hình khoảng 50 triệu đồng.

Bna12_FotoJet.jpeg
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhôn Mai giúp nhân dân xây dựng nông thôn mới. Ảnh: GH-TH

Theo chia sẻ của lãnh đạo xã Nhôn Mai: Những công trình, phần việc vì dân mà cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhôn Mai đã và đang triển khai không chỉ thắt chặt tình quân dân mà còn góp phần yên dân, yên địa bàn, yên biên giới.

Gia Huy/Baonghean.vn


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây