Theo kết luận điều tra, thời điểm năm 2014, Công ty CP Xây dựng Faros có vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng. Sau 5 đợt tăng vốn điều lệ trong các năm 2014-2016, Faros có vốn điều lệ 4.300 tỷ đồng. Điều đáng nói, các cổ đông chỉ thực góp hơn 1.197 tỷ đồng, còn lại 3.102 tỷ đồng là "vốn khống".
Ở mỗi lần góp vốn, tiền được nộp vào tài khoản song lại nhanh chóng bị rút ra, nộp lại, quay vòng nhiều lần. Việc rút tiền ra được hợp thức hóa bằng các hợp đồng ủy thác đầu tư, hợp tác kinh doanh, cho vay vốn.
Sau khi nâng khống vốn điều lệ, biết Công ty Faros không đủ điều kiện được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, nhưng ông Trịnh Văn Quyết vẫn chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ gửi các cơ quan quản lý Nhà nước đề nghị đăng ký lưu ký, niêm yết cổ phiếu ROS (của Công ty Faros) tại Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM.
Theo Cơ quan điều tra, dù biết rõ số vốn góp không đúng với báo cáo tài chính năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, nhưng ngày 20/4/2016, ông Doãn Văn Phương (Chủ tịch HĐQT Công ty Faros) đã ký văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề nghị xem xét và chấp thuận việc đăng ký công ty đại chúng, kèm theo các hồ sơ liên quan.
Tiếp nhận hồ sơ của Faros, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giao Vụ giám sát công ty đại chúng thực hiện việc thẩm định hồ sơ. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, Vụ giám sát công ty đại chúng đề nghị Công ty Faros giải trình làm rõ một số nội dung liên quan đến quá trình góp vốn và sử dụng vốn từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng trong các năm 2014, 2015, 2016; Giải trình nội dung liên quan về các khoản ủy thác đầu tư, cho vay đối với bà Nguyễn Thị Hồng Dung và Lê Thị Thơm…
Dù bà Dung và Thơm là thợ may, lao động tự do, không hoạt động kinh doanh gì, nhưng phía Công ty Faros vẫn giải trình đây là “hai nhà đầu tư uy tín”.
Kết quả điều tra làm rõ, ngày 31/5/2016, ông Nguyễn Ngọc Tỉnh (TGĐ Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội) đã ký, ban hành 2 báo cáo kiểm toán của Công ty Faros.
Tuy nhiên trong báo cáo có lưu ý người đọc báo cáo tài chính như sau: “Trong năm 2015, đơn vị ủy thác đầu tư cho một số tổ chức và cá nhân với số tiền là hơn 3.332 tỷ đồng. Một số giao dịch về ủy thác đầu tư trong kỳ phát sinh bằng tiền mặt giá trị lớn…”
Trong khi hồ sơ còn nhiều vấn đề, ngày 24/6/2016, Faros ký văn bản thúc giục Ủy ban Chứng khoán Nhà nước “sớm có văn bản chấp thuận Faros là công ty đại chúng”.
Chấp thuận niêm yết Faros
Đến ngày 30/6/2016, bà Nguyễn Thị Thủy (chuyên viên) và ông Lê Công Điền (Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng) đã ký báo cáo kèm tờ trình về hồ sơ Faros gửi lên Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán lúc đó là ông Vũ Bằng. Sau đó, ông Vũ Bằng đã có ý kiến: “Đồng ý; Tiếp tục cùng công ty và kiểm toán làm rõ”.
Ngày 1/7/2016, Vụ Giám sát công ty đại chúng có văn bản chấp thuận hồ sơ đăng ký công ty đại chúng của Faros và đề nghị Công ty Faros tiếp tục giải trình một số nội dung và bổ sung tài liệu liên quan.
Đến ngày 4/7/2016, Vụ Giám sát công ty đại chúng có văn bản gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM thông báo về việc tăng vốn của Faros và yêu cầu trường hợp Faros nộp hồ sơ niêm yết, đăng ký giao dịch thì đề nghị các Sở thẩm định chặt chẽ theo thẩm quyền và quy định.
Ngày 24/8/2016, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM có quyết định chấp thuận đăng ký niêm yết cổ phiếu ROS, với số lượng 430 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng, tổng giá trị cổ phiếu theo mệnh giá 4.300 tỷ đồng, giá tham chiếu 10.500 đồng/cổ phiếu.
Cơ quan điều tra làm rõ, từ tháng 9/2016- 3/2022, ông Trịnh Văn Quyết giao cho em gái là bị can Trịnh Thị Minh Huế sử dụng các tài khoản dưới tên Trịnh Văn Quyết và 40 tài khoản chứng khoán nhờ người đứng tên để thực hiện việc mua, bán cổ phiếu ROS.
Ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo bà Huế bán hơn 391 triệu cổ phiếu ROS ban đầu hình thành từ vốn góp khống (cổ phiếu không đảm bảo giá trị) thu được 4.818 tỷ đồng. Kết luận điều tra chỉ ra rằng, số tiền các nhà đầu tư đã mua cổ phiếu ROS bị chiếm đoạt là 3.620 tỷ đồng.
Theo Cơ quan điều tra, đối với các đối tượng thuộc các cơ quan quản lý Nhà nước về chứng khoán, các công ty kiểm toán và các công ty liên quan có dấu hiệu vi phạm, Cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Cơ quan điều tra Bộ Công an cũng đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho mượn tài khoản chứng khoán dẫn đến hành vi thao túng thị trường chứng khoán đối với các cá nhân, pháp nhân.
Theo Vietnamnet.vn