Thứ sáu, 22/11/2024, 00:39

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Báo chí cần tiến thêm để trở thành nền tảng số"

Thăm và làm việc tại nhiều cơ quan báo chí, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng báo chí cần tiến thêm một bước để trở thành nền tảng số, nắm bắt được và dẫn dắt tin tức là dòng chủ lưu.

 

Ngày 19/6, nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023), Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đến thăm và chúc mừng Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông Tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội Nhân Dân, Báo Công an Nhân Dân, Truyền hình Quốc hội, Báo Lao Động, Báo Đại biểu Nhân Dân, Báo VnExpress.

Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, lãnh đạo cơ quan báo chí chia sẻ những khó khăn, thách thức đối với báo chí trong giai đoạn kinh tế gặp nhiều khó khăn, kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế đặt hàng báo chí và nêu vấn đề làm thế nào để báo chí chuyển đổi số thành công.



Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi với Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh và lãnh đạo, nhân viên, phóng viên Báo Nhân Dân. (Ảnh: Lê Anh Dũng)
 

Tại Báo Nhân Dân, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đến thăm khu vực làm việc của lãnh đạo, phóng viên báo điện tử. Lắng nghe ý kiến của lãnh đạo, phóng viên báo này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao quá trình chuyển đổi số của Báo Nhân Dân.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng với Truyền hình Quốc hội.

Chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lê Ngọc Quang, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam cho biết, thách thức lớn nhất của cơ quan này là xây dựng nền tảng truyền dẫn số trên không gian mạng. Cụ thể là xây dựng hạ tầng đủ mạnh để truyền tải nội dung VTVgo ổn định.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tặng sách lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam.

Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân Dân chia sẻ, những khó khăn về thu nhập hiện nay khiến cơ quan này khó thu hút được nhân tài, đặc biệt là cán bộ làm trong lĩnh vực công nghệ để phục vụ quá trình chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Ngọc Hiển, Tổng Biên tập Báo Lao Động cho biết, cơ quan này xác định đầu tư cơ sở vật chất, nhất là hạ tầng kỹ thuật phục vụ báo điện tử, truyền hình là nguồn lực lâu dài để ổn định, phát triển.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông lắng nghe ý kiến của lãnh đạo và các nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam.

Chia sẻ với lãnh đạo, cán bộ các cơ quan báo chí, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng dành nhiều thời gian nói về sự thay đổi của báo chí nhất là trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

“Cách mạng kỹ thuật số ảnh hưởng trước tiên và mạnh mẽ đến báo chí”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các cơ quan báo chí phải có sự thay đổi để trở thành công ty công nghệ. Đây là xu hướng, không chỉ riêng báo chí, nhiều công ty, nhiều lĩnh vực kinh doanh cũng sẽ trở thành các công ty công nghệ.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng ấn tượng với nhiều cơ quan báo chí hiện nay đã làm chủ công nghệ. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh về xu hướng báo chí sẽ trở thành nền tảng số để mọi người làm báo trên nền tảng của mình.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thăm và làm việc tại Thông Tấn xã Việt Nam.

Người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông cho rằng báo chí cần tiến thêm một bước để trở thành nền tảng số, nắm bắt được tin tức và dẫn dắt tin tức là dòng chủ lưu.

Không chỉ tin tức, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh, báo chí có lợi thế lớn về dữ liệu.

“Phải xem cái gì đứng đằng sau núi tin tức như vậy”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói và cho rằng, cần phân tích dữ liệu để đưa ra các thông tin.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi làm việc với lãnh đạo Báo Quân đội Nhân Dân.

'Làm truyền thông tốt, giá trị đem lại gấp nhiều lần so với số tiền bỏ ra'

Trong bối cảnh báo chí gặp nhiều khó khăn do nguồn thu từ quảng cáo ngày càng hẹp đi, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, báo chí cần phải cơ cấu lại nguồn thu. Trong đó, cơ cấu hợp lý là 30% đến từ quảng cáo, 70% còn lại đến từ cơ chế đặt hàng của cơ quan nhà nước, đầu tư, nghiên cứu, dịch vụ…

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng làm việc với báo Công An Nhân Dân

Tại buổi làm việc với cơ quan báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhắc tới việc nhiều cơ quan Nhà nước không đo lường sự ảnh hưởng của truyền thông tác động đến xã hội. Do vậy, khi xảy ra khủng hoảng truyền thông là ‘nhiều cơ quan báo chí bị vạ lây’.

“Khủng hoảng truyền thông trước tiên là do cơ quan, chính quyền các cấp. Khi bàn chính sách, nhiều cơ quan không để ý đến truyền thông, không biết nên đưa thông tin nào ra, vào thời điểm nào và sử dụng công cụ truyền thông nào cho hiệu quả”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Bộ trưởng TT&TT tặng sách lãnh đạo Báo Đại biểu Nhân Dân.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Chỉ thị của Chính phủ về tăng cường truyền thông chính sách đã nêu rõ truyền thông là việc của chính quyền, truyền thông là chức năng của chính quyền, truyền thông là nhiệm vụ thường xuyên của chính quyền các cấp. 

Do vậy, chính quyền các cấp phải tổ chức bộ máy làm truyền thông. Hằng năm, phải bố trí ngân sách để làm truyền thông, đặt hàng báo chí.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi làm việc với báo Lao Động. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

“Làm truyền thông tốt, bộ ngành, địa phương đó sẽ tốt lên và giá trị đem lại gấp nhiều lần so với số tiền bỏ ra. Điều này tạo cơ hội, tăng nguồn thu cho các cơ quan báo chí”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói chuyện với lãnh đạo báo VnExpress. (Ảnh: Lê Anh Dũng)


 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây