Thứ tư, 18/09/2024, 15:06

Bộ TT&TT phối hợp ngăn chặn tình trạng rao bán hóa đơn điện tử trên mạng

Bộ TT&TT và Tổng cục Thuế sẽ ngăn chặn tình trạng rao bán hóa đơn điện tử trên mạng, nhưng gỡ bỏ thông tin không phải biện pháp tối ưu.

 

Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính mới đây đã có văn bản đề nghị Bộ TT&TT phối hợp ngăn chặn, xử lý các thông tin rao bán hóa đơn điện tử trên không gian mạng. Theo cơ quan này, thời gian qua có hiện tượng một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng không gian mạng xã hội, sử dụng công nghệ đăng tải thông tin, quảng cáo mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng, gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước.

Tổng cục Thuế khẳng định, hành vi đăng tải thông tin, quảng cáo mua bán trái phép hóa đơn vi phạm các quy định tại Luật Quản lý thuế năm 2019 và Nghị định 123 năm 2020 quy định về hóa đơn, chứng từ. 

Do vậy, Tổng cục Thuế đề nghị Bộ TT&TT phối hợp chỉ đạo Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử cùng các đơn vị có liên quan phối hợp với cơ quan thuế để ngăn chặn, gỡ bỏ, xử lý các website có dấu hiệu thông tin, quảng cáo mua bán hóa đơn trên không gian mạng. 

Tại cuộc họp báo của Bộ TT&TT được tổ chức ngày 5/5, trả lời báo chí về vấn đề này, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT cho biết, Cục đã nhận được văn bản đề nghị của Tổng cục Thuế.

Đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, ông Lê Quang Tự Do trao đổi tại cuộc họp báo ngày 5/5. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Nhấn mạnh quan điểm bộ, ngành, địa phương nào quản lý gì trong thế giới thực sẽ quản lĩnh vực đó trên không gian mạng, ông Lê Quang Tự Do cho hay, vai trò chính của việc ngăn chặn các hoạt động mua bán hóa đơn điện tử trên mạng vẫn thuộc về cơ quan chủ quản phụ trách lĩnh vực này là Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính).

Vai trò phối hợp của Bộ TT&TT thể hiện ở chỗ, khi Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính gửi các đường link về những nội dung, tài khoản, trang web có liên quan đến hoạt động buôn bán hóa đơn vi phạm pháp luật và không xác định được nhân thân, Bộ TT&TT sẽ yêu cầu các nền tảng mạng xã hội cả trong nước và nước ngoài ngăn chặn, gỡ bỏ.

“Trong trường hợp xác định được nhân thân, các cơ quan chức năng phải xử lý được những đối tượng vi phạm theo các quy định pháp luật hiện hành. Trường hợp không phát hiện được, chúng ta mới dùng đến biện pháp gỡ bỏ, ngăn chặn”, ông Lê Quang Tự Do cho hay.

Theo đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, cách thức phối hợp nêu trên đã được Bộ TT&TT áp dụng ở nhiều lĩnh vực trong thời gian qua. Đơn cử như, trong quản lý thuốc và thực phẩm chức năng, Bộ Y tế và Bộ TT&TT đã thống nhất rằng, Bộ Y tế xác định những loại thuốc, thực phẩm chức năng bị quảng cáo vi phạm trên mạng và không xác định được nhân thân để xử phạt, mới chuyển qua để Bộ TT&TT ngăn chặn, gỡ bỏ.

“Biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung không phải là biện pháp tối ưu, không xử lý triệt để tình trạng vi phạm. Quan trọng là phải xử lý tận gốc vấn đề, tức là xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm, khi đó mới có tính răn đe, cảnh báo”, đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử phân tích.

Mở rộng vấn đề, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử thông tin thêm, Bộ TT&TT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ xây dựng Chỉ thị về việc các bộ, ngành, địa phương tăng cường sự quản lý lĩnh vực của mình trên không gian mạng. Chỉ thị này đã đến những khâu cuối của quá trình xây dựng, đã lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành; xử lý xong phần góp ý và hiện đang được hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành.

Đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử cũng nêu rõ: “Cuộc sống của chúng ta đang chuyển dịch lên không gian mạng. Hầu hết các lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành đã xuất hiện trên không gian mạng. Vì vậy, những hoạt động thuộc quản lý của bộ, ngành, địa phương nào trong thế giới thực cũng thuộc chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm quản lý của bộ, địa phương đó trên không gian mạng”


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây