Thứ sáu, 22/11/2024, 03:16

Không chủ quan sau tuyên bố của WHO về Covid-19

Các chuyên gia cho hay, Việt Nam cũng sẽ nghiên cứu đánh giá để sớm xem xét công bố cấp quốc gia với đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, thời điểm này Việt Nam đang có làn sóng dịch nhỏ, chưa thể đưa Covid-19 ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Chăm sóc người cao tuổi trong đại dịch Covid-19. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Chăm sóc người cao tuổi trong đại dịch Covid-19. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Các nước sẽ tự quyết định biện pháp phòng, chống dịch Covid-19

Ngày 5/5, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Covid-19 không còn là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu.

Quyết định này dựa trên việc xem xét chiều hướng bệnh nhân nhập viện và tử vong do Covid-19 cũng như mức độ miễn dịch cộng đồng trên toàn cầu (do tiêm chủng và do nhiễm tự nhiên).

Theo đánh giá này thì bệnh dịch của một quốc gia (nếu có) sẽ không làm bùng phát dịch ở toàn cầu trừ khi việc bùng phát dịch ở quốc gia gây ra một biến chủng mới nguy hiểm (nhưng điều này được đánh giá là hiếm ở thời điểm hiện tại và đang được theo dõi chặt chẽ).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa y tế công cộng, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, khi Tổ chức Y tế thế giới công bố chấm dứt PHEIC (Tình huống y tế công cộng khẩn cấp có quan ngại quốc tế-Public health emergency of international concern), điều này không có nghĩa là dịch sẽ tự động hết ở tất cả các quốc gia và các quốc gia có quyền công bố đã thanh toán xong Covid-19. Điều này chỉ có nghĩa là các quốc gia có quyền đánh giá tình hình dịch và có những ứng xử y tế công cộng phù hợp.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, việc Covid-19 WHO tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu giúp cho từng quốc gia, trong đó có Việt Nam, thuận lợi hơn cho việc ra quyết định trong công tác phòng, chống dịch.

"Dựa trên công bố của WHO, Việt Nam có cơ sở quan trọng trong việc xem xét đánh giá tình hình dịch ở nước ta. Khi trên thế giới không còn tình trạng khẩn cấp, đáng quan ngại thì chắc Việt Nam cũng sẽ nghiên cứu đánh giá để xem xét công bố cấp quốc gia", ông Phu cho hay.

Với một hy vọng lớn lao, tôi tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Covid-19 không còn là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu... Virus này vẫn còn ở đây. Nó vẫn đang gây chết người, và nó vẫn đang thay đổi. Nguy cơ vẫn còn ở các biến thể mới xuất hiện gây ra các đợt gia tăng mới về số ca mắc và tử vong.

Điều tồi tệ nhất mà bất kỳ quốc gia nào có thể làm lúc này là sử dụng tin tức này làm lý do để mất cảnh giác, dỡ bỏ các hệ thống mà họ đã xây dựng hoặc gửi đi thông điệp tới người dân rằng Covid-19 không có gì phải lo lắng.

Tin tức này có nghĩa là đã đến lúc các quốc gia chuyển từ chế độ khẩn cấp sang quản lý Covid-19 cùng với các bệnh truyền nhiễm khác.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus

Thực tế, WHO cũng đã xây dựng và đã công bố chiến lược mới trong phòng chống Covid-19 giai đoạn 2023-2025, trong đó tìm cách giúp các quốc gia chuyển từ cơ chế khẩn cấp sang chiến lược phòng ngừa và kiểm soát dài hạn.

Chiến lược mới bên cạnh việc duy trì 2 mục tiêu của kế hoạch trước đó là giảm sự lây lan của dịch bệnh và điều trị để giảm tỷ lệ tử vong, tỷ lệ mắc bệnh và hậu quả lâu dài, thì kế hoạch mới sẽ hỗ trợ các quốc gia khi họ chuyển từ ứng phó khẩn cấp sang quản lý, kiểm soát và phòng ngừa dịch Covid-19 một cách bền vững lâu dài, để không có sự bất ngờ.

 Tags: Covid-19

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây