Thứ năm, 21/11/2024, 22:55

Nghệ An có hiện tượng thuê nhà dân để tổ chức hội thảo, bán hàng giá cao

Sau khi tỉnh Nghệ An cấm các địa phương cho mượn, thuê hội trường xã, nhà văn hóa để tổ chức giới thiệu sản phẩm, bán hàng, thời gian gần đây, nhiều công ty chuyển sang thuê các nhà dân, nhà các xóm trưởng rồi lôi kéo người già đến dự hội thảo, tiếp tục bán hàng.

 

Ngăn chặn kịp thời

Sáng 12/10, UBND thị trấn Thanh Chương (huyện Thanh Chương), nhận được tin báo, có một nhóm người mượn nhà người dân trên địa bàn khối 2A để tư vấn sức khỏe, giới thiệu sản phẩm. Ngay lập tức, lực lượng chức năng đã có mặt tại nhà người dân này để kiểm tra. Tại đây, lúc này đang có hơn 30 người, phần lớn là các bậc cao tuổi đang được nghe một nhóm 3 thanh niên tư vấn sức khỏe, giới thiệu sản phẩm và cho các cụ uống trà thanh lọc miễn phí, khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

bna_Nhóm người mượn nhà dân ở thị trấn Thanh Chương để tư vấn sức khỏe'..jpg
Nhóm người mượn nhà dân ở thị trấn Thanh Chương để tư vấn sức khỏe. Ảnh: T.H

“Sau khi kiểm tra, chúng tôi đã yêu cầu người dân giải tán, đồng thời mời 3 người đang tư vấn sức khỏe cho người dân này về trụ sở làm việc. Do chúng tôi phát hiện và kiểm tra kịp thời nên nhóm này chưa kịp mang sản phẩm ra để bán cho các cụ. Chúng tôi sau đó đã yêu cầu nhóm này giải tán đồng thời tổ chức tuyên truyền, cảnh báo cho người dân”, ông Tưởng Đăng Hào – Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Chương nói và cho hay, sau khi nhận được văn bản của UBND tỉnh về việc cấm cho mượn, thuê hội trường xã và nhà văn hóa khối, xóm để tổ chức giới thiệu sản phẩm, bán hàng, chính quyền thị trấn cũng đã quán triệt mạnh mẽ. Vì thế, đây có thể là lý do, nhóm người này chuyển qua mượn nhà dân để tổ chức.

Không chỉ ở huyện Thanh Chương, theo tìm hiểu của phóng viên, những ngày gần đây, tại nhiều địa phương cũng xuất hiện tình trạng tương tự, từ thành thị cho tới nông thôn.

Ở TP Vinh, một khối trưởng xin được giấu tên cho biết, ít ngày trước, bà được một nhóm người đến tận nhà đặt vấn đề mượn nhà để “tổ chức hội thảo”. Mỗi ngày, vị khối trưởng được trả 300.000 đồng kèm với một số sản phẩm mà nhóm người này bán. Không chỉ thuê nhà của khối trưởng làm địa điểm, nhóm người còn nhờ đến sự uy tín của bà để lôi kéo những người cao tuổi trên địa bàn đến để dự “hội thảo”. Tại đây, sau khi nghe nhóm người trên khoe khoang về công dụng thần kỳ của các sản phẩm, không ít cụ già đã bỏ tiền để mua. Vụ việc chỉ dừng lại sau khi con của chủ nhà phát giác và ngăn chặn.

Chiêu lôi kéo “không mua hàng cũng được tặng quà”

Cũng tại TP Vinh, nhiều ngày nay, căn nhà trên đường Phan Sỹ Thục (phường Trường Thi), trở thành địa điểm để một nhóm người chuyên lôi kéo người già đến để giới thiệu sản phẩm, bán hàng. Các sản phẩm mà nhóm người này giới thiệu rất đa dạng, trong đó chủ yếu là “sâm Hàn Quốc”, và “thuốc chống đột quỵ”. Để lôi kéo được nhiều khách hàng, nhóm người này đưa ra quy định, mỗi người đến dự “hội thảo” đều được tặng quà, bất kể có mua sản phẩm hay không. Thông thường các món quà là những mặt hàng rẻ tiền, như gói mì chính. Ngoài ra, những ai giới thiệu và đưa được thêm người khác đi cùng, cũng sẽ nhận thêm quà. Chính vì thế, mỗi ngày 2 buổi, có rất đông cụ già đến tham dự và mua hàng của nhóm người này.

bna_Các cụ già dự 'hội thảo' bên trong ngôi nhà thuê trên đường Phan Sỹ Thục..jpg
Các cụ già dự "hội thảo" bên trong ngôi nhà thuê trên đường Phan Sỹ Thục (TP Vinh). Ảnh: T.H

Tại ngôi nhà mà nhóm người này thuê, phía trước có dán bảng nội quy, trong đó quy định những người vào bên trong sẽ không được chụp ảnh, quay phim. Theo ghi nhận của phóng viên, phía trước ngôi nhà có 2 người của công ty có nhiệm vụ tiếp đón các cụ già. Những người này thường chỉ chào đón người cao tuổi, còn đối với người trẻ sẽ khéo léo từ chối. Mỗi cuộc “hội thảo”, thường có khoảng 30-50 cụ già tham gia. Khi đã đông đủ, cánh cửa phía trước được đóng kín. Nhóm người bắt đầu khoe khoang, giới thiệu công dụng thần kỳ của các sản phẩm. Sau khoảng vài tiếng, các cụ già ra về có vẻ rất hớn hở, ai nấy đều xách trên tay nhiều sản phẩm. Thứ thì được tặng miễn phí vì đã tham dự, thứ thì tự bỏ tiền ra mua sau khi nghe quảng cáo.

“Nhà chúng tôi sắp không thể chứa nổi vì mẹ ngày nào cũng mang về một vài sản phẩm. Trong đó có những hộp sâm được mua với giá hơn 2 triệu đồng, rồi là nồi cơm điện cho đến nước rửa chén…, cái gì cũng có. Chúng tôi can ngăn mãi nhưng vẫn không được, đành bất lực”, chị Liên (34 tuổi, phường Trường Thi) nói.

Theo chị Liên, kể từ lần đầu đi dự “hội thảo” và được phát quà, mẹ chồng chị ngày nào cũng đi đều đặn. Không những thế, bà còn rủ rê thêm nhiều người khác để mong nhận được thêm quà. Sau mỗi cuộc “hội thảo”, bà đều mang về nhiều sản phẩm đã bỏ tiền mua, bất chấp nhiều thứ trong nhà đã có.

bna_Lực lượng chức năng có mặt kịp thời để ngăn chặn, yêu cầu giải tán. Ảnh CTV.jpg
Lực lượng chức năng có mặt kịp thời để ngăn chặn, yêu cầu giải tán. Ảnh: CTV

Vì tò mò, có lần chị Liên đeo khẩu trang, cải trang thành người già theo mẹ đến dự “hội thảo”. “Vào trong đó, chúng nói chuyện khéo lắm, như rót mật vào tai vậy. Với ai cũng gọi bố, gọi mẹ cả. Liên tục khoe khoang về công dụng các sản phẩm, rồi bảo là khuyến mại giá rẻ. Khi có người cầm điện thoại lên, nhóm người kia tưởng là bị quay phim, quay ra lớn tiếng, yêu cầu cất điện thoại. Nếu không có gì mờ ám, sao lại sợ chụp ảnh, quay phim”, chị Liên cho hay, những mặt hàng mà mẹ chị mua, sau khi mang về tìm hiểu đều có giá cao hơn với thị trường rất nhiều. Tuy vậy, chị và các thành viên trong gia đình vẫn không ngăn cản được cụ tiếp tục mua hàng.

Trao đổi về vấn đề này, một lãnh đạo UBND phường Trường Thi cho biết, địa phương chưa nhận được thông tin người dân trình báo và sắp tới sẽ cho lực lượng chức năng tới kiểm tra tại địa điểm trên.

UBND tỉnh Nghệ An vừa có văn bản về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gửi các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành, thị chỉ đạo chính quyền cấp xã thông báo cho khối, xóm, bản tuyệt đối không cho các doanh nghiệp, cá nhân thuê, mượn hội trường UBND phường, xã, thị trấn; nhà văn hóa khối, xóm, bản; các sân vận động để tổ chức giới thiệu sản phẩm, bán hàng, tổ chức hội thảo kết hợp bán hàng, việc tổ chức bán hàng của các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh phải thực hiện tại các địa điểm kinh doanh theo quy định. Bố trí lực lượng tiếp nhận thông tin, thực hiện thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo thẩm quyền. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động thương mại, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm tại các nhà hàng, khách sạn, địa điểm cho thuê hội trường... có dấu hiệu vi phạm; tăng cường giám sát các hoạt động hội nghị, hội thảo giới thiệu các sản phẩm là thực phẩm chức năng, các sản phẩm sữa non quảng cáo có khả năng chữa bệnh... Xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định…


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây