Thứ sáu, 13/09/2024, 08:35

Số ca mắc tay chân miệng tăng gấp đôi sau 1 tuần, chuyên gia khuyến cáo gì?

Trong 2 tuần gần đây, số ca mắc tay chân miệng tại thành phố Hà Nội đã tăng gấp đôi với khoảng 140 ca/tuần. Dự báo, trong thời gian tới, số ca mắc tay chân miệng có thể tiếp tục tăng.
Trẻ mắc tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Trẻ mắc tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
 

Gia tăng ca nhiễm tay chân miệng

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2023, trung bình mỗi tuần, trên địa bàn thành phố ghi nhận 70-75 ca mắc tay chân miệng. Thế nhưng, trong 2 tuần gần đây, số ca mắc đã tăng gấp đôi với khoảng 140 ca/tuần.

Riêng trong tuần (từ ngày 22 đến 29/9), thành phố có 141 ca mắc tay chân miệng và 3 ổ dịch (gồm 2 ổ dịch tại Ba Vì và 1 ổ dịch tại Sóc Sơn). Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong tuần qua là Sóc Sơn (24 ca), Hoàng Mai (17 ca), Mê Linh (14 ca), Nam Từ Liêm (13 ca), Đông Anh (10 ca), Đống Đa (8 ca), Thanh Xuân (8 ca).

Như vậy, trong 9 tháng năm 2023, Hà Nội ghi nhận 1.798 ca mắc tay chân miệng (tăng 1,2 lần so với cùng kỳ năm 2022) nhưng chưa ghi nhận ca tử vong. Ngoài ra, thành phố cũng ghi nhận 43 ổ dịch tay chân miệng trong 9 tháng và còn 3 ổ dịch đang hoạt động.

Theo đánh giá của CDC Hà Nội, trong tuần qua, số mắc tay chân miệng đã tăng so với các tuần trước, tuy nhiên hầu hết là ca tản phát, không ghi nhận ổ dịch phức tạp. Thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường kết hợp với việc học sinh quay trở lại trường học sau thời gian nghỉ hè sẽ khiến số ca tay chân miệng có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia y tế, tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm do nhóm virus đường ruột Enterovirus gây nên, thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus type 71. Trong đó, Enterovirus type 71 (EV71) gây nhiều biến chứng nguy hiểm viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim và có thể dẫn đến tử vong. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên có đến 90% là ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi.

Virus gây bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan rất nhanh, truyền trực tiếp từ người sang người thông qua đường miệng, qua các chất tiết từ mũi, miệng, phân hay nước bọt của trẻ bệnh. Hiện chưa có vaccine phòng bệnh tay chân miệng. Cách điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc bệnh nhân tại nhà và sử dụng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau, bù đủ nước cho cơ thể theo hướng dẫn của bác sĩ.

Phần lớn các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng được phát hiện và điều trị sớm, từ khi bệnh ở mức độ nhẹ, cấp độ 1 hoặc 2. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh không được điều trị đúng cách, tay chân miệng chuyển biến sang cấp độ 3 và gây ra nhiều tổn thương nghiêm trọng.

Một số biến chứng do bệnh tay chân miệng gây ra gồm: viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi,… thậm chí gây tử vong.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng, Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, bệnh tay chân miệng hiện vẫn chưa có vaccine phòng ngừa và thuốc đặc trị. Do đó, khi mắc bệnh, bác sĩ sẽ hướng dẫn điều trị dựa vào các triệu chứng đã xuất hiện, giúp trẻ cảm thấy thoải mái, dễ chịu, đồng thời, ngăn ngừa xảy ra biến chứng nguy hiểm.

Hơn nữa, bệnh do virus gây ra nên thuốc kháng sinh sẽ không được sử dụng trong điều trị bệnh này. Nếu có, thuốc chỉ được sử dụng khi có bội nhiễm do vi khuẩn. Tay chân miệng ở mức độ nhẹ, bệnh có thể được chữa khỏi sau 7-10 ngày với sự hỗ trợ của các loại thuốc hạ sốt, giảm đau, bù nước,… theo chỉ định của bác sĩ. Khi trẻ có tổn thương ở da đi kèm hoặc không kèm sốt có thể chăm sóc trẻ tại nhà.

Dựa vào mức độ tổn thương do tay chân miệng gây ra, bệnh được chia làm 4 cấp độ chân tay miệng:

Tay chân miệng độ 1: Bệnh diễn ra ở mức độ nhẹ, có thể được chữa khỏi hoàn toàn qua chăm sóc và điều trị tại nhà.

Tay chân miệng độ 2: Bệnh bắt đầu gây ra những tổn thương nặng hơn với các triệu chứng liên quan đến thần kinh và tim mạch.

Tay chân miệng độ 3: Bệnh gây biến chứng nặng về thần kinh, tim mạch và hô hấp.

Tay chân miệng độ 4: Bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốc.

Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ có các biểu hiện sau cần kịp thời nhập viện điều trị: Sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt; mệt mỏi, không chơi, bỏ ăn, ngủ nhiều, lơ mơ…; giật mình nhiều (từ trên 2 lần trong 30 phút); vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc ở tay, chân; thở nhanh, thở bất thường (ngưng thở, thở nông, rút lõm ngực, khò khè...); run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng.

Lưu ý chăm sóc trẻ tại nhà

Bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng, khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà, bố mẹ cần chú ý 4 yếu tố dưới đây:

Cách ly trẻ mắc bệnh: Khi phát hiện trẻ bị tay chân mẹ nên thông báo với trường học và cho trẻ tạm thời không đến trường trong khoảng 10-14 ngày. Đồng thời, trẻ cần phải cách ly với các trẻ khác và người thân trong nhà. Khi chăm trẻ, bố mẹ cần đeo khẩu trang và sát khuẩn thường xuyên.

Thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ, phù hợp: Trẻ bị tay chân miệng thường có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, đau và khó chịu khi nuốt. Do đó, bố mẹ nên lựa chọn cho trẻ những món ăn mềm, dễ nuốt và dễ tiêu. Bố mẹ có thể chia nhỏ bữa ăn trong ngày ra thành nhiều bữa ăn nhỏ để trẻ ăn đủ no và đủ chất, không ép buộc trẻ ăn, tạo ác cảm cho trẻ.

Bên cạnh đó, mẹ nên tránh cho trẻ ngậm vú nhựa hoặc các dụng cụ sắc bén vì chúng có thể gây tổn thương trẻ, khiến bệnh dai dẳng, khó hết. Thức ăn quá nóng, hoặc chua cay sẽ khiến trẻ cảm thấy đau, rát và khó chịu hơn nên bố mẹ cũng lưu ý không nên cho trẻ ăn những món ăn này. Trẻ bị tay chân miệng cần bổ sung đủ nước, ăn đủ chất và không nên kiêng quá nhiều.

Giữ vệ sinh: Để bệnh nhanh khỏi, việc giữ vệ sinh cá nhân, môi trường sống và các vật dụng sinh hoạt của trẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bố mẹ nên tắm cho trẻ bằng nước ấm trong phòng kín gió với xà phòng sát khuẩn. Xử lý phân, rác thải và vệ sinh đồ dùng cá nhân của trẻ đúng cách.

Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ: Trẻ sốt cao kèm theo các biểu hiện mệt mỏi, khó chịu khiến nhiều bố mẹ cảm thấy lo lắng nhưng bố mẹ lưu ý tuyệt đối không được tự ý cho trẻ dùng thuốc hoặc kết hợp các loại thuốc cho trẻ uống khi không có sự đồng ý của bác sĩ. Tùy thuộc vào độ tuổi, cân nặng, mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ cân nhắc kê toa với liều lượng phù hợp nhất, an toàn cho trẻ.

Trần Lam/Báo Nhân dân


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây