Thứ tư, 24/04/2024, 06:16

Nữ sỹ Hồ Xuân Hương – Tầm vóc của một Danh nhân văn hóa

(hoinhabaonghean.vn) - Hơn 2 thế kỷ qua, Hồ Xuân Hương – một tài năng hiếm có, gắn liền với nhiều bí ẩn, luôn thu hút sự quan tâm của giới khoa học và đông đảo công chúng. Ngày 23/11/2021, Đại Hội đồng UNESCO đã thông qua Nghị quyết 41C/15 “Vinh danh và tham gia kỷ niệm 250 năm năm sinh Hồ Xuân Hương (1772-1822)- Danh nhân văn hóa, nhà thơ lớn của Việt Nam”.
HXH
Bà chúa thơ Nôm. Tranh của họa sĩ Bá Siếu

Hồ Xuân Hương là một hiện tượng khác thường, phi thường. Bà là một hiện tượng độc nhất vô nhị nhưng không đơn độc. Cuộc đời và sự nghiệp thi ca của bà đã neo vào dòng phả hệ những nữ thi sỹ Việt Nam tiêu biểu. Nghị quyết 41C/15 của UNESCO đã xác định 7 điểm cốt lõi về Danh nhân Hồ Xuân Hương:
1. Hồ Xuân Hương có tư tưởng nhân văn mang tính nhân loại sâu sắc với hạt nhân là đòi quyền sống cho con người - con người với tư cách là những thực thể tồn tại trên mặt đất với mọi nhu cầu, khát vọng sống trần thế.
2. Hồ Xuân Hương là một hiện tượng văn hóa - thẩm mỹ đặc biệt với cả một hệ thống quan niệm độc đáo qua các tác phẩm thi ca.
3. Hồ Xuân Hương có đóng góp lớn cho nữ quyền, cho sự bình đẳng của phụ nữ.
4. Di sản của Hồ Xuân Hương không chỉ là thơ ca, mà còn là hệ ứng xử - tinh thần - ý thức vì sự tiến bộ tốt đẹp.
 5. Hồ Xuân Hương không chỉ có đấu tranh, bảo vệ mà còn có ý thức cảnh báo, phê phán, chống lại, phủ định những gì ngăn cản sự tiến bộ của con người.
6. Hồ Xuân Hương và di sản của bà có một sức sống mãnh liệt, có sức lan tỏa, truyền cảm hứng đến nhiều dân tộc, nhiều quốc gia.
7. Tác phẩm của Hồ Xuân Hương đã được giới nghiên cứu nhiều nước thừa nhận và dịch sang tiếng nước mình (đến năm 2021 là dịch sang 12 thứ tiếng).
Cuộc đời và giai thoại
Có không nhiều các dữ kiện thực tế viết về cuộc đời Hồ Xuân Hương, mà hầu hết tiểu sử của bà đều xuất phát từ chính các bài thơ của . Các học giả trong và ngoài nước đều cho rằng, Bà sinh ra trong một gia đình họ Hồ ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Bố của Bà là Hồ Phi Diễn (1703-1786). Mẹ của bà là một người dân bình dị quê ở Hải Dương, có tên gọi là Hà, chỉ là một người vợ lẽ của một ông quan cao cấp. Nữ sỹ được sinh ra ở phường Khán Xuân, kinh thành Thăng Long của Hà Nội ngày nay, gần Hồ Tây, bà được đặt tên là Xuân Hương, nghĩa là “Hương vị mùa xuân”. Bà bị mồ côi từ thuở bé, do đó, bà phải tự nuôi mình và chú tâm vào sáng tác thơ văn. Giai thoại nói rằng, bà rất thông minh và nhạy cảm. Bà lấy chồng hai lần và đều với vị trí là vợ lẽ. Cả hai người chồng của bà đều mất sớm, bà đều viết tặng họ những vần thơ đầy thương tiếc. Dù chưa bao giờ được làm vợ cả, vì thế bà đã thể hiện nỗi niềm trong những vần thơ.
Góa chồng lần thứ hai khi vẫn còn trẻ, không có con, bà đã mở một quán nước trà, nơi tổ chức các cuộc thi làm thơ. Bà trở nên nổi tiếng với tài làm thơ và “xuất khẩu thành thơ”.
Bất luận các d kiện về đời tư của bà như thế nào, Hồ Xuân Hương vẫn nổi lên với một dòng giai thoại về bà với tính nhất quán và mang đậm ý nghĩa văn hóa. Theo giai thoại, việc cha của bà mất sm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến gia đình, chấm dứt việc học hành và hạn chế các cơ hội lấy chồng của bà. Vì thế, đôi khi bà phải mở bán một quán trà ở Thăng Long. Vì nổi tiếng với tài xuất khẩu thành thơ hoàn chỉnh, bà thường bị thách đố bởi đám nho sỹ lên kinh thành đi thi.
Một ngày nọ, có ông đồ trẻ cùng bạn đến quán và yêu cầu hầu gọi Hồ Xuân Hương ra tiếp. Thay vì bước ra tiếp khách, Hồ Xuân Hương lại gửi ra mảnh giấy đề mấy vần thơ viết dở và yêu cầu khách hoàn thành nốt. Nhưng đề thơ quá khó đến  nỗi anh đồ đọc xong mặt tái đi như phải gió. Người bạn phải tát nước vào mặt để anh ta có thể làm nốt bài thơ rồi đưa cho cô hầu đem vào cho Hồ Xuân Hương. “Không tệ”, bà nói và sau này lấy anh đồ - chính là ông Phủ Vĩnh Tường. Cuộc hôn nhân này, nếu ai đó chấp nhận tình cảm trong bài thơ “Khóc ông Phủ Vĩnh Tường”, có thể coi là kết quả của sự cảm kích, nhưng chỉ kéo dài được 27 tháng. Cuộc hôn nhân thứ hai của bà là với một ông quan mà bà vẫn gọi giễu là “ông Cóc” trong bài “Khóc ông Tổng Cóc”. Cũng giống như mẹ mình, Hồ Xuân Hương là người vợ lẽ - một hoàn cảnh mà bà phẫn uất.
Một câu chuyện trở thành giai thoại mà người đời kể lại là, chuyện tình giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương. Tính xác thực của vấn đề này như thế nào hiện vẫn còn là một vấn đề mà các học giả cần bàn luận và kiến giải. Nhưng nếu có câu chuyện đó, thì âu cũng là một điều dễ hiểu, bởi hai vì tinh tú trên bầu trời văn học Việt Nam đầu thế kỷ XIX cùng được chung đúc từ khí thiêng núi Hồng sông Lam xứ Nghệ quê cha, hòa trộn và thấm đượm chất tình tứ, vẻ duyên dáng của người thiếu nữ Quan họ xứ Bắc quê mẹ, lại cùng trưởng thành nơi kinh thành Thăng Long hào hoa, thanh lịch. Hai người con ưu tú và hào hoa đó lại sống cùng thời cuối Tây Sơn, đầu nhà Nguyễn, cùng là “đồng thanh tương ứng” trong giới nhân văn tài tử.
Những áng thơ Nôm mang giá trị vượt thời đại .
Trong các tác phẩm thơ chữ Nôm của Hồ Xuân Hương, bà không đề cập trực diện về vai trò, vị trí, quyền và nghĩa vụ của phụ nữ. Song, bà đã thể hiện khá rõ quan điểm của mình về quyền của phụ nữ. Đặt trong bối cảnh lịch sử thời đại bà đang sống để chúng ta hiểu, đó là cách nhìn vượt thời đại thông qua mấy điểm sau :
Thứ nhất, Hồ Xuân Hương khẳng định vai trò, vị trí, năng lực của phụ nữ trong xã hội.
Xã hội Việt nam cuối thể kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX là xã hội phong kiến, mà ở đó, người phụ nữ thường bị đối xử bất công. Trong gia đình, chủ quyền ở trong tay người đàn ông, đàn bà không có quyền gì cả. Với việc lựa chọn Nho giáo làm tiêu chuẩn đạo đức xã hội thì xã hội chủ trương nam tôn nữ ty, trọng nam, khinh nữ, địa vị của đàn bà bị đè nén đến thấp kém. Chế độ phong kiến Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng Nho giáo nên các truyền thống về giá trị và chuẩn mực văn hóa đều được đặt ra để phục vụ cho phái nam. Xã hội khẳng định vị thế đàn ông cũng như việc đàn bà phải chấp nhận vai trò thua kém đàn ông vì trời đã đặt định như vậy. Các áng văn chương nổi tiếng của Việt Nam trong thời phong kiến đầy rẫy những tư tưởng tiêu cực về đàn bà như: “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” (Kiều), hoặc, “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi /Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên” (Chinh phụ ngâm), hoặc “Oán chi những khách tiêu phòng/Mà xui phận bạc nằm trong má đào” (Cung oán ngâm khúc). Ngoài ra còn nào Gia huấn ca, rồi tam cương, ngũ thường nữa, cũng đều dạy cho đàn bà, con gái biết an phận với vai trò thứ yếu và phụ thuộc trong xã hội.
Trước một xã hội đầy những tư tưởng trọng nam khinh nữ do các nhà Nho dựng lên đó, trước một xã hội bị bóp méo trong đó người nữ đã phải bị bắt buộc suy tư, và hành động, Hồ Xuân Hương đã khôn khéo dùng văn chương như một thứ vũ khí để chống lại những trật tự áp chế đó. Vũ khí bà dùng là thơ ca. Trong thơ Hồ Xuân Hương đã thể hiện rõ quan niệm của bà về vai trò, vị trí của người phụ nữ. Trước những trói buộc của xã hội, nhiều lúc bà cũng mơ được thoát ra khỏi các tập tục, các lễ giáo, và các ý thức hệ phong kiến khắc nghiệt để làm nên nhiều sự nghiệp lẫy lừng hơn. Trong bài “Đề đền Sầm Nghi Đống”, bà viết: “Ví đây đổi phận làm trai được/Thì sự anh hùng há bấy nhiêu”, và có lúc bà cũng muốn “Dơ tay với thử trời cao thấp/Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài”. Trong mắt Hồ Xuân Hương, nhiều “quân tử” rất là nhỏ nhoi nên bà đã không ngại ngùng lên mặt xưng là “chị” với họ: “Này này chị bảo cho mà biết…”, hoặc “Lại đây cho chị dạy làm thơ…”.   Trước mắt Hồ Xuân Hương, cái giai cấp “quân tử” mà xã hội Khổng giáo ưu ái dành cho nhiều ưu quyền so với phụ nữ thật ra không xứng đáng được có những thứ quyền như vậy. Giữa một xã hội phong kiến theo tư tưởng Nho giáo phân biệt rõ rệt giữa quân tử và tiểu nhân mà bà dám lớn tiếng ngạo mạn như vậy bà đúng là một nữ lưu tranh đấu đầy can trường.
Những bài thơ chống đối phụ quyền của Hồ Xuân Hương đối với người phương Tây cuối thế kỷ XX có vẻ rất bình thường nhưng trong thời đại của bà là chuyện làm nguy hiểm. Với cá tính độc đáo có một không hai trong nền văn học Việt Nam, bà thực sự là người tiên phong nói lên tiếng nói của phụ nữ, chống lại sự áp bức của cơ chế phụ quyền, khẳng định sự bình đẳng của phụ nữ.
 Thứ hai, Hồ Xuân Hương khẳng định quyền bình đẳng, quyền chủ động của phụ nữ trong tình cảm (trong việc thể hiện cảm xúc, tình yêu, tình dục). Trong tình cảm nam nữ, Hồ Xuân Hương là người phụ nữ đầu tiên mạnh dạn thể hiện cảm xúc, cái tôi và sự chủ động của mình. Bà đã đi những bước thật dài trước thời đại của bà và tiếng nói của bà đã tạo ra rất nhiều những cuộc tranh luận không hồi kết. Bài chủ động “Mời trầu” để khẳng định tình cảm và thân phận của mình. “Này của Xuân Hương mới quyệt rồi/ Có phải duyên nhau thì thắm lại”… Hồ Xuân Hương không hề dịu dàng, mà mạnh mẽ quả quyết khẳng định chủ quyền của mình với miếng trầu vừa được mời kia. Bà đã quyệt vôi vào nên nó là của Xuân Hương. Một câu thơ nghe như là một lời tuyên bố thẳng thừng. Bà hiểu mình muốn gì, đang làm gì. Do đó, bà mới có thể không ngại ngần xướng tên lên như thế. Đồng thời qua đó, cho thấy trong cái xã hội trọng nam, Hồ Xuân Hương vẫn mạnh mẽ dám khẳng định cái gì thuộc về mình.
Với “Mời trầu”, Hồ Xuân Hương không ngần ngại hỏi đối phương “có phải duyên nhau”. Mặc dù là nữ giới, nhưng bà đã chủ động để tìm kiếm tình yêu. Xuân Hương không ngồi chờ đợi để cha mẹ đặt đâu ngồi đấy, mà tự mình tìm kiếm, quyết định hạnh phúc lứa đôi. Vừa thể hiện sự kiên cường, bà vừa ướm hỏi nếu đã phải duyên nhau thì nên thắm lại chủ động đưa ra yêu cầu “đừng xanh như lá, bạc như vôi”. Hồ Xuân Hương yêu cái đẹp, khát khao niềm hạnh phúc lứa đôi. Bà cảm thương cho số phận người phụ nữ trong xã hội cũ, bà dám đứng lên để đi tìm tình yêu của mình. Cỗ vũ cho cái đẹp, khuyến khích tình yêu đôi đứa tự nguyện và phê phán những thói hư tật xấu ở đời. Sự chân thành và mạnh mẽ, sự sắc sảo và kiên cường của bà trong tình yêu chính là sự cổ vũ lớn cho phụ nữ khẳng định quyền bình đẳng, quyền chủ động của mình trong tình cảm.
Không chỉ trong cảm xúc yêu thương, Hồ Xuân Hương còn người đầu tiên dám dùng thơ văn để tôn vinh một vấn đề hết sức cấm kỵ trong văn chương là tình dục một cách đầy giá trị mỹ học. Lịch sử đã chứng tỏ sự phản kháng và cảm thông của bà về thân phận của phụ nữ là con đường chính đáng. Hồ Xuân Hương đã dùng văn chương để nói lên tiếng nói chống đối lại cái xã hội đã dành mọi đặc quyền cho nam giới. Không chỉ viết mà Hồ Xuân Hương còn nói lên tiếng nói của phụ nữ một cách táo bạo và hiện thực. Bà tự hào và khẳng định sự chủ động, sự bình đẳng của phụ nữ trong đời sống tình cảm, trong tình yêu, tình dục. Giữa khi các văn thi sĩ nam giới mộng mơ lên thăm cung Hằng, mơ gặp tiên nữ ở Thiên thai hoặc tả những cảnh non nước hữu tình nhưng vô thưởng vô phạt thì Hồ Xuân Hương đã dùng hiện thực của cuộc sống làm vũ khí để đả phá xã hội phụ quyền đương thời.
 
11
Quân tử dùng dằng. Chất liệu tổng hợp, họa sĩ: Minh Châu
 
Cuộc sống hiện thực là một sự phối hợp của hai yếu tố âm dương. Tình dục là một khía cạnh hiện thực thân thiết của con người và cuộc đời từ lâu đã bị bỏ quên trong văn chương. Hồ Xuân Hương bằng những bước chân táo bạo đã đem phô bày ra các hành động và bộ phận có nhiệm vụ truyền giống của nam và nữ giúp cho nhân loại trường tồn. Hồ Xuân Hương không chấp nhận sự coi trọng dương và khinh thường âm. Do đâu mà những gì liên quan đến dương thì được coi là đúng, là thanh, còn những gì dính dáng đến nữ là tục, là dơ bẩn. Để chống lại quan niệm thanh/tục đó, Hồ Xuân Hương đã tuyên xưng các hình ảnh bị cấm kỵ trong các bài thơ của bà như một thách thức đối với nam giới. Bà đã tài tình và khéo léo dùng những cảnh hoặc hình ảnh rất bình thường như đền Trấn quốc, chùa Hương, đèo Ba dội, hang Cắc cớ, động Kẽm trống, ốc nhồi, con cua, trái mít, bánh trôi, đồng tiền, cái quạt… và những sinh hoạt hằng ngày như cảnh dệt vải, tát nước, đánh đu, đánh cờ… để ngầm tả những chuyện tình dục cấm kỵ một cách rất thoải mái với những ngôn từ rất đơn giản, nhưng lại rất sống động và gợi hình. Tất cả cái tục đó đều được bà hướng đến một mục tiêu rõ rệt là tôn vinh vai trò và vị trí người nữ trong xã hội, để chống lại địa vị độc tôn của người nam đã được xã hội phong kiến thừa nhận một cách bất công.
Dù nhìn thơ của Hồ Xuân Hương theo ý hướng tục hay thanh thì đa số mọi người đều công nhận, giống như Đào Duy Anh là văn chương của Hồ Xuân Hương rất “khinh bạc mà tài tình”. Chỉ cần đọc lại bài thơ Đèo Ba dội của Hồ Xuân Hương cũng đủ thấy tài làm thơ của bà. Qua thơ văn của Hồ Xuân Hương, chuyện tình dục cũng bình thường và tự nhiên không có gì là cấm kỵ và xấu xa. Nếu xấu, tại sao “Hiền nhân quân tử ai mà chẳng/Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo” và không những thứ dân mà cả vua chúa cũng “Chúa dấu vua yêu một cái này”.
 Hồ Xuân Hương đối thoại trực diện với hành động giả đạo đức của xã hội phụ quyền. Hồ Xuân Hương biết được giá trị của thân xác và “cái này” nên bà đã không ngần ngại đem vũ khí của phái nữ ra để thể hiện quan điểm của mình. Giống như các phong trào tranh đấu nữ quyền tại Mỹ, trong nhiều cuộc xuống đường, các bà nhiều lúc đã đem phô trương vẻ đẹp của thân thể như một vũ khí tranh đấu, thì Hồ Xuân Hương đã không ngần ngại khoe rằng “Thân em vừa trắng lại vừa tròn” , hoặc “Chành ra ba góc da còn thiếu/Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa”  … Ngoài ra, theo Hồ Xuân Hương vai trò của phụ nữ trong việc tạo nên âm dương hòa hợp theo đúng lẽ đạo của tạo hóa là một việc đáng tôn vinh. Những bước chân táo bạo của Hồ Xuân Hương về chuyện chăn gối, bà khẳng định âm dương hòa hợp, phụ nữ hoàn toàn ngang hàng với nam giới trong đời sống hiện thực.
 Thứ ba, theo quan niệm của Hồ Xuân Hương, phụ nữ có quyền được “yếu đuối”, được than thân trách phận và được tự mình lựa chọn hay quyết định những vấn đề của chính mình.
Quan niệm về quyền phụ nữ còn được Hồ Xuân Hương khẳng định qua việc cảm thông, thấu hiểu những gánh nặng, nỗi niềm của phụ nữ và thể hiện sự đồng cảm khi bà cho rằng phụ nữ có quyền được “yếu đuối”, được than thân trách phận và được tự mình lựa chọn hay quyết định những vấn đề của chính mình. Hồ Xuân Hương qua bài thơ “Kẽm trống” đã một cách tinh tế tả cảnh “vượt cạn” của phụ nữ đồng thời nói lên nghĩa vụ cao cả của đàn bà là sanh ra trẻ con, một nghĩa vụ hơn hẳn đàn ông vì đàn ông không thể làm được. Qua ẩn ý của bài thơ này muốn cho người đàn ông thấy là đàn bà có một nhiệm vụ rất là thiêng liêng, cao cả hơn hẳn đàn ông là nhiệm vụ sanh con và sanh ra sự sống. Thêm vào đó, trong hai câu kết “qua cửa mình ơi, nên ngắm lại/nào ai có biết nỗi bưng bồng”, Hồ Xuân Hương còn muốn nhắn gửi phái nam hãy “ngắm lại” mình để nhớ là tất cả đàn ông đều đã đi qua “cái cửa đó”, cũng như đừng quên “nỗi bưng bồng” khổ nhọc của mẹ hay người nữ.
Hồ Xuân Hương đã đặc biệt chống đối kịch liệt chế độ đa thê của xã hội đương thời. Với kinh nghiệm bản thân sau hai lần lập gia đình với Tổng Cóc và ông Phủ Vĩnh Tường, bà thấy rõ chế độ đa thê rất phổ biến trong xã hội phong kiến là một sự bất công của xã hội phụ quyền. Đàn ông thì năm thê, bảy thiếp trong khi đó đàn bà phải chính chuyên một chồng. Cho nên thân phận người đàn bà, đặc biệt là các tì thiếp thì thật đáng thương chẳng khác gì một thứ nô lệ. Tuy mang tiếng là vợ nhưng về phương diện sinh lý bình thường, người làm thiếp cũng không được quyền đòi hỏi: “Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng/Năm khi mười họa, nên chăng chớ/Một tháng đôi lần, có cũng không”. Đồng cảm, chia sẻ với gánh nặng của phụ nữ, nói về nỗi niềm và nỗi khổ của phụ nữ trong cách nói của Hồ Xuân Hương vẫn toát lên vẻ cao ngạo đầy bản lĩnh.

Nữ sỹ Hồ Xuân Hương trong con mắt các học giả nước ngoài.
 
ta tam 7564
Chân dung nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Tranh: Tạ Tâm
 
Hồ Xuân Hương là một hiện tượng văn hóa đặc biệt. Với tư cách là một hiện tượng độc đáo của thơ ca Việt Nam thời trung đại, ảnh hưởng văn hóa của Hồ Xuân Hương đã vươn ra thế giới và được đông đảo bạn đọc và học giả nước ngoài chú ý.
Người ta đã nhận ra Hồ Xuân Hương là “người phụ nữ gây kinh ngạc với tính cách tự do và vượt ra ngoài chính thống” (Từ điển các tác phẩm mọi thời đại và mọi quốc gia); “Trong cuộc đấu tranh của phụ nữ suốt nhiều thế kỷ, sự nghiệp của Hồ Xuân Hương là ngọn hải đăng”, “thiên tài của bà còn là ở chỗ, dám đấu tranh công khai chống lại sự chính thống của đạo Khổng, bọn quan lại, tệ tham nhũng, những ông đồ gàn, thói giả nhân giả nghĩa trong xã hội”, “Bà hết sức hiện đại và cuộc đấu tranh của bà là cuộc đấu tranh của chúng ta” (Jean Ristat – Nhà thơ Pháp); “Tên tuổi của Hồ Xuân Hương bùng lên như pháo sáng trong văn học cổ điển Việt Nam”, bà là “hiện tượng quái kiệt”, dám “phá bỏ những quy tắc và thói quen vẫn trói buộc văn học Việt Nam vào những quan niệm của người Trung Quốc”, “tố cáo, nhạo báng một cách không thương tiếc những kẻ giả dối, ngu dốt , bọn quan lại bỉ ổi, hủ bại, bảo thủ gắn liền với những nguyên tắc của Nho giáo” ( Hữu Ngọc & Francoise Corereze); “Thơ Hồ Xuân Hương trở thành một hiện tượng trong đời sống văn học Mỹ”, “là một sự kiện văn hóa lịch sử lớn” có thể làm thay đổi nhận thức về văn hóa Việt Nam” ( John Balaba và Nhà xuất bản Publisher Copper Canyon Press, Hoa Kỳ).
Khoảng 2 thập kỷ trở lại đây, ảnh hưởng của xu thế toàn cầu hóa  đã mở ra những cánh cửa rộng cho việc giới thiệu và lan tỏa văn học Việt Nam ra bạn bè quốc tế. Thơ Hồ Xuân Hương nhờ đó có cơ hội đến được với đông đảo độc giả nước ngoài qua nhiều kênh khác nhau.
Tiêu biểu trên trang website “The Poetry Foundation” (Hiệp hội thơ Hoa Kỳ) đã chọn dịch và giới thiệu một cách trang trọng 5 bài thơ của Hồ Xuân Hương : “Bánh trôi nước” (Floating Sweet Dumpling), “Quả mít” (Jackfruit), “Ốc nhồi” (Snail), “Ong tò vẽ” (Wasps), “Dỗ người đàn bà khóc chồng” ( Lamenting Widow) kèm theo lời bình của dịch giả, nhà thơ Marilyn Chin :“ Khi tiếp xúc với thơ Hồ Xuân Hương, ngay lập tức tôi nhận ra cấu trúc của bài thơ niêm luật Trung Hoa – tứ tuyệt, bát cú, thất ngôn, các hình thức đối và điệp...Tôi nhận ra những biểu tượng cổ sơ –“trái cây chín”, “chiếc bánh trôi” tượng trưng cho thân phận người phụ nữ”.
Đánh giá về tư tưởng và giá trị nghệ thuật của thơ Hồ Xuân Hương, Marilyn Chin nhận định rằng : “Cha của Hồ Xuân Hương vốn là một nhà nho và mẹ bà là một người vợ lẽ. Bản thân nàng cũng trở thành thê thiếp của 2 vị quan nhỏ. Tất cả phụ nữ trong cấu trúc gia đình Nho giáo bị áp bức đều có vị trí bên lề, nhưng có lẽ chính sự áp bức này đã khiến Hồ Xuân Hương đã dùng trí thông minh và tài thơ thiên bẩm đưa ra những bài thơ mang tính khêu gợi lên một tầm cao tuyệt vời. Người ta có thể đọc thơ bà như một nhà thơ nữ quyền hiện đại bằng cách giải thích các bài thơ thông qua các biểu tượng phân tâm học, trong đó thiên tính nữ như một vũ khí chống lại chế độ phụ quyền”.
Rõ ràng, trong con mắt của các bạn đọc và học giả nước ngoài, Hồ Xuân Hương và di sản thơ ca của bà là một hiện tượng độc đáo của văn học Việt Nam nói riêng, văn hóa phương Đông nói chung. Tiếp cận Hồ Xuân Hương một cách đầy đủ nhất là cách tiếp cận song song và nhất quán giữa văn học và văn hóa. Bởi, với cách tiếp cận vấn đề như vậy, chúng ta mới có thể tìm thấy dấu vết của thơ dân gian - sức mạnh tinh thần của văn hóa làng xã. Điều quan trọng và hơn hết chính là ý thức khát vọng tự chủ từ việc hình thành và phát triển văn học chữ Nôm, vượt qua sự ảnh hưởng và cưỡng bức từ văn hóa của Trung Hoa.
Hồ Xuân Hương là một hiện tượng độc đáo của Văn học Việt Nam. Hồ Xuân Hương, tên bà có nghĩa là “hương vị mùa xuân”. Bà đã viết cả những điều mà các nhà thơ khác cùng thời không dám viết. Thơ Hồ Xuân Hương độc đáo, hiếm có và mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, có sức lan truyền, lan tỏa rộng rãi trên thế giới. Thơ của bà có thể làm lay động chúng ta ngày hôm nay cũng như đã từng làm chấn động người Việt Nam hơn 2 thế kỷ trước./.

Trần Trung Hiếu
Giáo viên trường chuyên Phan Bội Châu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây