Thứ bảy, 20/04/2024, 04:54

Báo chí ưu tiên "khung giờ vàng" phổ biến rộng rãi nội dung dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí ưu tiên dung lượng, thời lượng, khung giờ vàng,… tăng cường các chuyên mục, tin, bài để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các nội dung liên quan đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Ngày 9/3/2023, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 1470/VPCP-PL truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).

bao chi uu tien khung gio vang pho bien rong rai noi dung du thao luat dat dai sua doi hinh 1

Ảnh minh họa

Văn bản nêu rõ, xét đề nghị của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà có ý kiến chỉ đạo như sau:

Bộ Tài nguyên và Môi trường đăng tải đầy đủ trên Cổng Thông tin điện tử Luatdatdai.monre.gov.vn; monre.gov.vn và gửi Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đầy đủ hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để tổ chức lấy ý kiến Nhân dân theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí ưu tiên dung lượng, thời lượng, khung giờ vàng,… tăng cường các chuyên mục, tin, bài để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các nội dung liên quan đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Cổng Thông tin điện tử Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, cơ quan, tổ chức, cơ quan báo chí tổ chức đợt thông tin chuyên đề về nội dung của dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).

Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được tổ chức từ 3/1 đến hết ngày 15/3/2023. Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các nội dung trọng tâm theo từng nhóm đối tượng lấy ý kiến.

Đối tượng lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm: Các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học.

Nội dung lấy ý kiến gồm: Bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Bên cạnh đó, lấy ý kiến về một số vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật, gồm: 

(1) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; 

(2) Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; 

(3) Phát triển quỹ đất; 

(4) Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; 

(5) Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai;

(6) Cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; 

(7) Chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; 

(8) Phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; 

(9) Hộ gia đình sử dụng đất.

Quốc Trần/ Nhà báo & Công luận


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây