Thứ năm, 28/03/2024, 12:25

Truyền thông chính sách: Cần được quan tâm một cách đúng mức

Chính sách là những vấn đề quan trọng hàng đầu, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Báo chí là kênh thông tin đại chúng phổ biến và năng động nhất để người dân giám sát, phản ánh những gì Chính phủ đang làm hoặc đang tham khảo ý kiến người dân một cách hiệu quả.
 

Luật đất đai ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân

Thời gian qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Chỉ thị về nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu của các cơ quan báo chí trong nhiều giai đoạn.

Ngày 30/3/2022, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027”, điều đó đã cho thấy Chính phủ rất quan tâm đến vai trò của các cơ quan báo chí trong truyền thông chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước. Vai trò quan trọng của báo chí trong công tác truyền thông chính sách pháp luật đến người dân.

Việc thực hiện truyền thông nhanh chóng, đầy đủ sẽ giúp chính sách pháp luật của nhà nước ngay trong quá trình dự thảo xây dựng được nhân dân đồng thuận, góp ý kiến trên tinh thần cởi mở, công khai, minh bạch. Từ đó, văn bản pháp luật được ban hành sẽ mang hơi thở cuộc sống, có tính khả thi và pháp luật thực sự là của dân, vì dân. 

truyen thong chinh sach can duoc quan tam mot cach dung muc hinh 1

Luật đất đai là dự án luật quan trọng, tác động rất lớn đến từng gia đình, từng địa phương. (Ảnh: HouseViet)

Đất đai - một vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm và là nguồn sống của nhân dân. Luật Đất đai là một dự án luật quan trọng, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai; có tác động đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đến toàn bộ người dân. Do vậy, việc tổ chức lấy kiến nhân dân đối với dự thảo luật là vô cùng cần thiết. Điều này vừa nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời cũng vừa tạo sự thống nhất và đồng thuận của nhân dân đối với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật.

Đây là vấn đề dành được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trong suốt quá trình xây dựng luật. Công việc này đang đang đi vào giai đoạn nước rút. Tuy nhiên, qua báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay nhiều địa phương đã ban hành Kế hoạch để tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Song, qua phản ánh thì tiến độ triển khai lấy ý kiến Nhân dân ở nhiều bộ, ngành, địa phương còn rất chậm.

Ngay trong tuần vừa rồi, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành công điện về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và tại phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã đôn đốc quá trình tiến hành lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo luật.

Bàn về vấn đề này, TS. Vũ Thanh Vân - Trưởng ban Hợp tác Quốc tế - Học viện Báo chí Tuyên truyền cho rằng, Luật đất đai liên quan đến lợi ích của từng người dân, do vậy người dân sẽ có mong muốn được tiếp cận và đóng góp ý kiến về các nội dung trong Luật. Trong quá trình xây dụng ban hành các chính sách và luật pháp về mặt tham vấn ý kiến của người dân đặc biệt những đối tượng chịu ảnh hưởng của chính sách đó là rất quan trọng. Để người dân có cơ hội, điều kiện góp ý thì cần có những hình thức, phương pháp phù hợp.

Không chỉ đơn thuần là đăng tải toàn văn dự thảo và chờ đợi việc người dân vào xem và cho ý kiến. Muốn lấy được ý kiến phải chủ động, có kế hoạch tạo cơ hội, điều kiện để người dân tham gia vào việc lấy ý kiến - đó mới là thực chất. Một vấn đề rất quan trọng cần được nói đến là chất lượng của các đóng góp, điều này phụ thuộc vào việc các cơ quan hoạch định chính sách có sẵn sàng, có thiện chí để lấy ý kiến và lắng nghe ý kiến đó hay không?

Theo TS. Vũ Thanh Vân, trong việc tổ chức lấy ý kiến, công tác truyền thông chính sách thông qua cơ quan báo chí là nhiệm vụ không thể thiếu. Các cơ quan báo chí là cầu nối giữa các cơ quan hoạch định chính sách và người dân. Để phát huy được việc truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, các bộ ngành phải có sự bàn bạc, trao đổi, phối hợp thành những kế hoạch truyền thông cụ thể. Nếu không có kế hoạch thì công tác truyền thông chỉ đơn giản là nêu vấn đề hoặc có tính chất thời điểm mà không có lộ trình, không có sự đánh giá, tổng kết.

"Công tác truyền thông chính sách tại Việt Nam hiện nay đang thiếu một mô hình, một chiến lược chung mang tính chất tổng thể để phát huy được sức mạnh chung. Khi một chính sách mới ra đời từ khi thảo luận, xây dựng chính sách đến đánh giá, thực thi, tổng kết cần có một mô thức bài bản, chuyên nghiệp, trong từng giai đoạn phải làm gì, làm như thế nào?

Để nâng cao hơn nữa công tác truyền thông chính sách thì việc xây dựng một mô hình chiến lược là rất quan trọng. Cứ mỗi lần có một chính sách mới lại phải bàn làm như thế nào cần có những cơ quan naò tham gia thì rất mất thời gian và không đem lại hiệu quả cần thiết. Chúng ta chưa thực sự quan tâm đến việc xây dựng thậm chí thử nghiệm một mô hình nào đó, để phát huy hiệu quả một cách toàn diện nhất", TS. Vũ Thanh Vân nhận định.

Làm gì để báo chí phát huy hiệu quả trong truyền thông chính sách?

Có thể nói trong những năm gần đây, Việt Nam đã nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách trên báo chí. Điều đó được thể hiện qua cơ cấu, số lượng tin bài trên các báo, đặc biệt là việc mở rộng các chuyên trang, chuyên mục về truyền thông chính sách được quan tâm chú ý hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hoạt động này chưa được quan tâm đúng mức. 

truyen thong chinh sach can duoc quan tam mot cach dung muc hinh 2

Báo chí phục vụ công tác truyền thông chính sách đã được quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng, song vẫn còn hạn chế và chưa tương xứng với vị trí và vai trò của nó. (Ảnh: quanlynhanuoc.vn)

Theo TS. Vũ Thanh Vân, muốn nâng cao chất lượng truyền thông chính sách trên báo chí cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật về báo chí và chính sách đến các cơ quan báo chí, các cơ quan có liên quan đến hoạt động báo chí.

Bên cạnh đó, tăng cường củng cố, hoàn thiện về cơ chế phối hợp của cơ quan chỉ đạo, quản lý nhà nước về báo chí truyền thông chính sách. Tổ chức định kỳ giao ban giữa các cơ quan báo chí, cơ quan có hoạt động mang tính báo chí với cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan định hướng công tác tư tưởng. 

TS. Vũ Thanh Vân cho rằng, vấn đề về đào tạo luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong mọi lĩnh vực và truyền thông chính sách cũng không ngoại lệ. Chúng ta cần hoàn thiện và thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhà báo làm công tác truyền thông chính sách đặc biệt đội ngũ cán bộ của các đơn vị chủ lực trong công tác truyền thông chính sách bao gồm mọi hình thức: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, các phóng viên, bình luận viên về các vấn đề trong nước và quốc tế.

"Phát triển nội dung trên các chuyên mục về truyền thông chính sách cũng là một nội dung thiết thực cần được quan tâm, Trong đó trọng tâm là xây dưng các chuyên mục mang đậm tính chất thời sự theo hướng lấy tin tức làm trụ cột. Các chuyên mục cần mang bản sắc riêng đáp ứng được tâm lý và sự quan tâm của công chúng là điều vô cùng quan trọng", TS Vũ Thanh Vân nói.

Rõ ràng, việc xây dựng chính sách, công bố chính sách tới người dân, thực thi như thế nào, liên quan tới công tác truyền thông chính sách. Truyền thông nói chung và báo chí nói riêng là một kênh thông tin để người dân giám sát, phản ánh về những gì chính phủ đang làm hoặc những vấn đề chính phủ cần tham khảo ý kiến của người dân một cách có hiệu quả. Có thể thấy, báo chí ảnh hưởng đến ý kiến công chúng và ý kiến công chúng lại là một trong những yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến cách nhà hoạch định chính sách. 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây