Thứ ba, 03/12/2024, 12:33

Sức mạnh của một bài báo

Tùy bút “Đây là Tiếng nói Việt Nam” không chỉ thể hiện tài năng báo chí văn chương của Lưu Quý Kỳ mà còn có sức mạnh truyền thông hiếm có.

47 năm hoạt động báo chí, ông đã tổ chức được 15 cơ quan báo chí, đã viết hơn 3.000 bài báo, đã xuất bản 27 cuốn sách về báo chí, thơ, bình luận văn học. Ông từng giữ chức: Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Miền Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Liên lạc Văn hóa với nước ngoài, Vụ trưởng Vụ tuyên truyền Quốc tế, Vụ trưởng Vụ Báo chí thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương.

Trong khuôn khổ kỷ niệm 35 năm, ngày mất của nhà báo, nhà văn Lưu Quý Kỳ, Nhà xuất bản trẻ mới ra mắt bạn đọc tuyển tập “Lưu Quý Kỳ - Sông núi còn đây”. Tùy bút chính luận “Đây là Tiếng nói Việt Nam” được in trang trọng trong tập sách này không chỉ thể hiện tài năng báo chí văn chương của ông mà còn có sức mạnh truyền thông hiếm có. VOV.VN giới thiệu bài viết của nhà báo Vĩnh Trà, cựu phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ngày 18 tháng 12 năm 1972, máy bay B52 của Mỹ bắt đầu ném bom hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng, chúng tôi ở chiến trường B4 (Trị Thiên Huế) như ngồi trên đống lửa. Ai có radio đều mở suốt ngày đêm dõi theo từng bản tin, từng phóng sự, ghi nhanh của phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam về tội ác của kẻ thù và tinh thần chiến đấu oanh liệt của quân dân Hà Nội.

Như thường lệ, rạng sáng 19/12, Đài TNVN mới mở đầu bản tin thì vụt tắt. Chúng tôi hỏi nhau “Vì sao?” và bối rối dò làn sóng. Sóng 297 m bị mất. Điều gì đã xảy ra với Đài phát thanh Quốc gia, với Hà Nội? Sau 9 phút, sóng được nối lại, báo tin Hà Nội bắn rơi máy bay B.52. Ngày sau nữa tôi đang phỏng đoán có phải Đài phát sóng Mễ Trì bị bắn phá thì hay tin khu tập thể Đài ở 128 C Đại La cùng bệnh viện Bạch Mai bị bom Mỹ đánh phá. Nhà cháy, trăm gia đình mất chỗ ở, nhiều người chết và bị thương. Ruột gan như lửa đốt, vì vợ con tôi và bạn bè đang ở đó. Mấy ngày sau được nghe giọng chị Tuyết Mai, phát thanh viên quen thân xúc động đọc bài tùy bút “Đây là Tiếng nói Việt Nam” của nhà báo, nhà văn Lưu Quý Kỳ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà báo Lưu Quý Kỳ tại Phủ Chủ tịch, khoảng năm 1968 (trích từ tư liệu phim của Đài Truyền hình Nhật Bản)

Giọng văn mạch lạc, khi dứt khoát, đanh thép lên án tội ác tày trời của quân thù, lúc hào sảng ngợi ca tinh thần chiến đấu của quân dân ta, lúc nghẹn ngào với chín phút mất sóng phát thanh Quốc gia như bóp nghẹt triệu, triệu con tim Việt và bè bạn.

“Tiếng nói ấy nghẹn lại rồi!

Một phút, Hai phút. Ba phút.

Điều gì đã xẩy ra ?

Bao nhiêu người hồi hộp. Trái tim của đồng bào ta đã quen đập theo nhịp tim của Tổ quốc.

Hà Nội ra sao rồi ?

Đúng chín phút sau, giọng dịu hiền, trang nghiêm, trầm tĩnh, thân yêu lại phát ra:

“Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội…”

Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Sung sướng biết bao nhiêu, vẻ vang biết bao nhiêu cho chúng ta. Tiếng nói Việt Nam, tiếng nói kiên cường bất khuất! Tiếng nói không gì dập tắt! Tiếng nói mãi mãi vang dội khắp non sông…”.

Tùy bút chính luận của Lưu Quý Kỳ đã thổi sức nóng từ Hà Nội vào mọi ngỏ ngách của chiến trường miền Nam đang chỉa súng vào quân thù, sẵn sàng đòi nợ cho đồng bào miền Bắc, nhân dân Hà Nội.

Hay tin Đài phát sóng Mễ Trì và khu tập thể Đài TNVN bị tàn phá. Được nghe bài báo về “9 phút đi vào lịch sử” trên làn sóng Đài Phát thanh Quốc gia, cán bộ và nhân dân huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Hưng ( nay là Hải Dương) cử đoàn cán bộ do đồng chí Chủ tịch huyện dẫn đầu lên Hà Nội thăm Đài TNVN. Trong lúc chờ đợi Chính phủ xây lại nhà kiên cố, bà con Gia Lộc tình nguyện xây 20 ngôi nhà vách đất, tranh tre nứa lá, mỗi nhà 10 gian, mỗi gian rộng 20m2 đủ chỗ cho trăm gia đình cán bộ phóng viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên, nhân viên Đài ở tạm.

Hơn tháng sau, 20 ngôi nhà xây xong. Ngày khánh thành, bàn giao nhà, bà con Gia Lộc mang theo gà, vịt, rau quả, gạo nếp lên Hà Nội cùng cán bộ nhân viên nhà Đài vui liên hoan. Kể lại chuyện này, Nhà báo Trần Lâm, Tổng biên tập Đài TNVN cười vui: “Nhà Đài chỉ tốn rau thơm thôi”.

Sau này, trong một lần họp ở ban Tuyên huấn Trung ương, Tổng biên tập Trần Lâm kể lại cho Vụ trưởng Báo chí Lưu Quý Kỳ nghe chuyện 20 ngôi nhà tạm sau chiến tranh của Đài TNVN và hỏi: “Tôi tính đặt tên cho công trình này là “Nhà tình nghĩa Gia Lộc – Lưu Quý Kỳ”, anh thấy thế nào?” Nhà thơ Tố Hữu đứng cạnh tán thưởng: “Hay đó. Có chất thơ”. Nhà báo Lưu Quý Kỳ nhỏ nhẹ: “Tình nghĩa Gia Lộc là hay lắm rồi, đưa tên tôi vào làm chi cho rềnh rang”.

Ông Lưu Quý Kỳ, quê Điện Bàn, Quảng Nam, hơn ông Trần Lâm 3 tuổi. Tính ông lại dứt khoát, nên ông Trần Lâm chiều theo, không nhắc đến nữa. Nhưng trong mỗi người làm báo Phát thanh luôn nhắc đến ông, nhà báo, nhà văn Lưu Quý Kỳ với tùy bút chính luận nổi tiếng “Đây là Tiếng nói Việt Nam”.

Bài báo được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Nhật Bản và tiếng Anh. Bạch Vân, nữ phát thanh viên tiếng Nhật với chất giọng mềm mại, duyên dáng, rõ ràng đã truyền đi cảm xúc và sức mạnh bài tùy bút này. Một tuần lễ sau, Bộ biên tập Đài TNVN nhận được bức điện của ông Katemura báo tin: Sau khi được tin Đài TNVN bị B52 phá hủy, Công đoàn Truyền thanh dân gian Nhật Bản, mà ông làm chủ tịch đã tổ chức ghi âm bài bút ký “Đây là TNVN” của Lưu Quý Kỳ gửi cho các công đoàn cơ sở và 200 tổ nghe Đài TNVN tại Nhật Bản.

Chỉ gần một tuần đã nhận được 5 triệu Yên, góp phần khôi phục lại các cơ sở của Đài bị phá hủy. Ông Chủ tịch mời ba cán bộ kỹ thuật sang Nhật chọn mua linh kiện trong số tiền 5 triệu yên ấy. Tiền vé máy bay đi về do Công đoàn Truyền thanh Dân gian Nhật Bản đài thọ.

Sáng 19/5/2002, tại ngôi nhà 145, phố W, thành phố New York, tôi cùng đoàn công tác Đài TNVN có cuộc gặp lý thú với nhà báo lão thành John Hess. Ông là nhà báo Mỹ ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến tranh vệ quốc, từ năm 1962; từng có nhiều bài báo ủng hộ Việt Nam tại Hội nghị Pa ri chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Lúc này, nước Mỹ mới trải qua thảm họa 11/9/2001 nên vẫn thường trực tâm lý hoang mang, lo sợ.

Bất thần, John Hess hỏi tôi về trạng thái tinh thần khi B52 trút bom xuống Hà Nội 1972. “Chúng tôi chịu đựng kiểu “Tháp Đôi” nhiều rồi nên quen dần”. Tôi nói vậy và kể cho ông nghe 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, về 9 phút mất sóng của Đài TNVN do bom Mỹ tàn phá, về tùy bút “Đây là TNVN” của nhà báo Lưu Quý Kỳ và sức mạnh của nó.

Ông giơ hai tay lên trời rồi nhẹ nhàng đặt xuống vai vợ ngồi bên cạnh: “Tôi có nghe bài báo này qua giọng đọc nữ phát thanh viên tiếng Anh, rất Mỹ. Tôi biết đến tiếng nói Việt Nam, tiếng nói chính nghĩa của các bạn và nhận ra sự ngang trái, sai lầm của một số nhà cầm quyền nước tôi.”

Còn tôi và đồng nghiệp nhận ra sức mạnh của một bài báo: “Đây là Tiếng nói Việt Nam” của nhà báo, nhà văn Lưu Quý Kỳ.


Vĩnh Trà/ Báo điện tử VOV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây