Thứ tư, 16/10/2024, 03:26

Từ những “viên đạn bọc đường” trong thực hiện Phóng sự Điều tra Báo chí

(hoinhabaonghean.vn) - Theo tôi, trong điều tra báo chí, có rất nhiều cái “bẫy” cả ngọt ngào lẫn chua xót, mà những cái sai của người thực hiện đôi khi rất “tinh tế” mới thấy rõ được. Có những cái sai, chính người sai cũng chưa hẳn đã biết và công chúng báo chí (tạm gọi là ngoại đạo) thì lại càng rất khó để biết được. Không ít người đã lợi dụng các cái “sai khó thấy” này để gieo gió gặt bão, cho đến ngày họ gặp hoạ thì mới vỡ ổ con chuồn chuồn (như chúng ta vẫn thấy mỗi khi nhà báo sa lưới pháp luật vì dùng “cây bút” để trục lợi cá nhân).
dbh
 Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng
Bên cạnh những cái sai khó thấy, tất nhiên, có những cái sai mà đưa ra là ai cũng hiểu nó đã thành “điển tích điển cố” trong làng báo ngay. Tôi không tiện thống kê ra ở đây, chắc quý vị tự hiểu.
Tôi muốn nói về bài toán: làm sao để có đề tài hay, có tác phẩm phóng sự chất lượng hơn; làm sao để có được một thái độ làm báo công tâm, trách nhiệm, vì cộng đồng nhất? Làm sao lối ứng xử của người làm báo và cơ quan báo chí trở nên “có văn hoá” nhất trước các vấn đề mà cuộc sống đặt ra, trước những cạm bẫy mà người viết rất hay phải đối mặt?

1/ Chuyện về các nguồn tin gian xảo và bàn tay “sạch” của nhà báo
Về thái độ của người thực hiện tác phẩm điều tra báo chí. Họ cần xác định rõ: đề phòng các dấu hiệu “bất minh” trong người cung cấp nguồn tin. Vì sao họ tìm đến nhà báo để tố cáo một sự thật, đằng sau là cái gì? Liệu mình có trở thành kẻ “đánh thuê” cho cái người có vẻ “yêu công lý” đến tận cùng kia không, hay phía sau là một cạm bẫy?
Trong cơ chế thị trường, trong thời kỳ sức mạnh của báo chí - truyền thông ngày càng lớn hơn, rất hiếm có người “giữa đường thấy sự bất bằng” mà vào cuộc đi tìm nhà báo để “tìm công lý” cho thiên hạ. Tất nhiên, khi biết rõ âm mưu của người cung cấp thông tin, ta vẫn có thể tương kế tựu kế mà đi tìm sự thật độc lập và công tâm nhất. Biết rõ chỉ để tránh cạm bẫy, còn thông tin họ đưa ra, ta cứ sử dụng, chứ không nên vì thế mà từ chối.
(Ví dụ, vụ Phá rừng nghiến cổ thụ ở Hà Giang - xê ri bài của Dân Việt đã đoạt Giải A, Báo chí Toàn quốc chống tham nhũng 2021, chúng tôi đã bị các kiểm lâm viên, rồi người dân tạo tình huống chủ động tiếp cận rồi “dắt mũi” vào các cánh rừng khác nhau để chứng kiến rừng nghiến vài trăm đến cả nghìn năm tuổi bị tàn sát - vụ phá rừng nghiến lớn nhất từng được biết đến trong lịch sử Việt Nam!. Họ làm vậy là để tố cáo đối thủ liên đới trách nhiệm trong để mất rừng. Ngay cả khi chúng tôi đã đăng bài, Chủ tịch UBND tỉnh vào hiện trường, các lực lượng điều tra, Cục Kiểm lâm có văn bản chỉ đạo rồi. Nhưng, các phe phái vẫn đi tìm chúng tôi để tố cáo “đối thủ”, với các tài liệu “được đạo diễn cao tay”. Chúng tôi đã “giả đò” tin tất cả các bên, rồi tố cáo sự thật đích đáng nhất, đến nay, hơn 15 đối tượng đã bị bắt giam, mới xử án chưa hết các thủ phạm, mà mức án đã lên đến 64 năm tù giam. Bí thư Huyện uỷ, rồi Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê cũng bị xử lý trách nhiệm, Giám đốc Khu Rừng Đặc dụng bị cách hết các chức vụ, 3 kiểm lâm viên - trong đó có trạm trưởng bị bắt giam…).
Trước các “bức tường im lặng” (không trả lời, không tiếp xúc báo chí) và các “nguồn tin gian xảo” (bịa tạc, đánh lạc hướng, trục lợi trong tung tin), vấn đề là nhà báo điều tra cần giữ một bàn tay “sạch”. Không đánh ông A vì nhận “quà” của ông B. Và, khi ông A bị thua từ tài liệu của ông B rồi thì quay lại bắt tay “xí xoá” với ông A nốt (người ta gọi là ăn hai mang). Nhiều người gọi đó là ăn “ba mang”, vì ngoài ăn của ông A, rồi ông B, lại ăn cả cái “phần thưởng” chống tiêu cực giòn giã và có hiệu quả xã hội nữa (vì ông B luôn tìm mọi cách đưa ra các tài liệu chuẩn chỉ để tấn công “hạ bệ” ông A một cách hiệu quả nhất, sau đó nhà báo lại đưa tin ông B “lên tiếng nhận lỗi” một cách chung chung hoặc đổ lỗi cho ai đó khác (sau khi “làm việc riêng” với nhà báo); với lại cơ quan chức năng khắc phục hậu quả, tức là tuyến bài có “hiệu ứng xã hội rõ rệt”).

2/ Hãy thử làm luật sư “bào chữa” cho các nhân vật - vấn đề mà nhà báo đang điều tra tố cáo!
 Để tránh cái bẫy “nghe bằng một tai”, nhà báo cần không bao giờ chấp nhận đưa tin một chiều. Chúng tôi nhận nhiều lời tố cáo, thậm chí đơn thư có chữ ký và số điện thoại của cả một cộng đồng dân cư về một nhân vật tai tiếng. Dù nghe nhiều người nói “trúng khẩu đồng từ, ông sư cũng chịu” về một cái tạm gọi là sự thật nào đó. Song, chúng tôi bao giờ cũng đi xác minh đa chiều, thậm chí đối thoại với nhân vật bị tố cáo (tránh để ông/bà ta biết mục đích của chúng tôi là gì, thường chúng tôi tạo các cuộc tiếp xúc mà chúng tôi không xuất hiện trong tư cách nhà báo). Hoặc có phương pháp theo dõi điều tra bí mật với thiết bị công nghệ tinh vi (bằng thiết bị đầu cuối của thế giới!), tìm bằng chứng xác tín cho các lời tố cáo kia (tránh thể hiện rằng, mình đã vượt qua giới hạn được phép của báo chí điều tra). Xác minh chéo trong trường hợp này là cần thiết.
(Ví dụ, vụ nhóm phóng viên điều tra chúng tôi góp phần đắc lực vào việc giải cứu 24 cá thể hổ ở Nghệ An, với loạt bài hơn 50 kỳ - lần xuất bản – trên Dân Việt mang tên “Kinh hoàng các chiêu trò tàn sát thú rừng” - Giải A, Giải Báo chí Quốc gia, năm 2021, chúng tôi đã phải mật phục, lắp thiết bị theo dõi ở nhiều nơi, hoá trang vào nhiều vai như cảnh sát đặc nhiệm, để cuối cùng xác minh các lời đồn, các thông tin từ giới siêu giàu xuyên quốc gia “nuôi trái phép hàng trăm con hổ, xây cả các trang trại gà lợn để làm thức ăn cho hổ, buôn cả công-ten-nơ sừng tê giác”. Khi có đủ tư liệu, chúng tôi chính thức ra mặt làm việc với lãnh đạo Công an tỉnh, các phòng nghiệp vụ… Tuyệt đối tránh nghe ai đó “chém gió” rồi viết, dù khi chúng ta vào vai điều tra ghi hình, theo kinh nghiệm của tôi, hầu như không có lý do gì các đối tượng nói sai vào máy ghi âm - ghi hình lén của “người điều tra ngầm” để làm gì).
Ngay cả khi có văn bản, có video hay băng ghi âm tưởng như thuyết phục nhất về một chủ đề tố cáo, chúng tôi cũng phải xác minh theo hướng: Nếu mình là luật sư bào chữa cho “đương sự”/“nghi phạm” bị tố cáo (và sắp bị phơi bày trên mặt báo) kia, thì mình sẽ “cãi” thế nào để cứu ông ta? Chừng nào sự phản biện của chúng tôi thắng được vị luật sư tưởng tượng của “đối thủ” kia, thì chúng tôi mới đăng báo.
(Ví dụ vụ theo sát “Quỷ ấu dâm Huỳnh Đắc Cường ở Quảng Nam” - đã đăng dài kỳ trên Dân Việt năm 2022 và được Bộ trưởng Bộ LĐTBXH tặng Bằng khen ngay sau đó - chúng tôi đã mất nhiều tháng theo dõi, ghi hình, rồi tố lên Cục Cảnh sát Hình sự, Cục Trẻ em Việt Nam và đề nghị điều tra bắt giữ Cường. Đến nay Cường đã bị bắt, song, ngay lúc đó, chúng luôn phản biện: hắn ta lạm dụng, “hãm hiếp” các bé trai 14-15 tuổi nhiều như thế, rồi lây HIV/AIDS cho các cháu rồi.
Nhưng thử hỏi: ta có bằng chứng về việc hắn chủ động lây lan HIV sang các bé trai kia không. Hay hắn chỉ quan hệ tình dục không an toàn, khi không hề biết hắn đã nhiễm HIV/AIDS? Chúng tôi tố cáo tới Bộ Công an, rồi viết báo về điều này, hết sức thận trọng, tránh làm oan - thêm tội cho đối tượng dù hắn ta đã bị bắt với các hành vi không thể dung thứ!
Công an tỉnh Quảng Nam, rồi Cục Hình sự Bộ Công an đã kỳ công xác minh, Cường chưa từng có tên trong bất cứ lần đi xét nghiệm HIV nào ở cả vùng rộng lớn Quảng Nam, rồi Đà Nẵng. Cuối cùng, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra chứng minh được, Cường đã đi xét nghiệm HIV với cái tên khác - tên giả. Và hắn bị “khép” vào khung tội rất nặng: lạm dụng tình dục nhiều trẻ em nam, cố tình lây HIV/AIDS tới các cháu…).

3/ Sau khi đã đăng - phát sóng tác phẩm điều tra, đó là khi bạn dễ “sập bẫy” nhất!
Đạo đức của người làm báo điều tra, còn là vấn đề đi đến cùng sự việc, tạo hiệu ứng xã hội tích cực cho vấn đề mà báo chí đặt ra. Nói khác đi, “làm gì đó tích cực cho xã hội” là thước đo quan trọng bậc nhất cho phẩm cách của một ngòi bút điều tra nói riêng; và của toà báo, nền báo chí nói chung.
          Để đi đến tận cùng một vấn đề, ngoài việc không đưa tin một chiều, nghe bằng nhiều tai, đây còn là câu chuyện về lý tưởng/khát vọng và nhân cách của người cầm bút. Nhà báo cần xác định: tử tế và kiên định con đường thông tin minh bạch, vì cộng đồng như một sự lựa chọn/một lối sống/một hành trình số phận. (Ở đoạn này, chúng ta tự đưa ra ví dụ “tế nhị” - giấu tên - về các nhà báo vi phạm gần đây…). Tìm đề tài, điều tra, đưa ra vấn đề thì không phải quá khó, nhưng khi đăng tải rồi, trước vô vàn sức ép, nhà báo vẫn đi đến cùng được và không bị bất cứ thế lực nào mua chuộc/doạ dẫm (hoặc khéo léo vượt thoát được những điều trên), đó là vấn đề/bài toán/thách thức còn khó hơn nhiều. Tôi nhớ lời Trung tướng Hữu Ước, khi ông bảo, với tư cách là Tổng Biên tập, ông phải gồng mình chống lại sức nặng của những cái phong bì. Chính “sức nặng” đó thường xuất hiện ở giai đoạn đã đăng bài. Một số nhà báo bị bắt gần đây, là đều ở hoàn cảnh đã viết hoặc đã đăng bài (tức là khi đã công khai sai phạm của người ta, khiến người ta đã “run sợ” đến “gặp” nhà báo và toà báo). Cho nên, đi đến cùng hay đi đến nửa chừng (win win, hai bên cùng “chiến thắng”/có lợi lộc) ở đây rất tinh tế, ranh giới rất mong manh. Mỗi nhà báo cần lựa chọn con đường chính đạo cho chính mình. Tránh để cơ quan điều tra mang còng số tám đến trả lời mình chính hay tà, thì đã quá muộn.
Một nhà báo tiền bối của tôi đã nói: Lựa chọn thái độ sống thiếu tích cực, có thể bạn đủ khôn ngoan để không vướng vào lao lý hay tai tiếng với nghề, nhưng có một hậu quả chắc chắn sẽ luôn đến. Rằng, bạn chắc chắn bạn sẽ mất nghề vì sự tha hoá kia. Vì nghề viết, cần cái Tâm, lơi lỏng cái Tâm là đã đủ… để mất.
Tôi xin mở ngoặc: chỉ cần bạn không đi đến tận cùng sự việc vì cộng đồng, trong khi bạn biết mình có thể đi thêm nữa hoặc vấn đề còn da diết muốn bạn xông pha thêm nữa – thì riêng điều đó đã đủ để coi như một sự phản bội với sự thật rồi. Đấy là chưa kể, bạn dừng lại vì sự trục lợi…
Khi đã phơi bày sự thật, các bên rất “sợ”, “nể”, “cầu thị” ở nhà báo hoặc tòa soạn. Nếu không khéo, ta sẽ giữ thế thượng phong mà hống hách, dọa nạt hoặc có thái độ “bề trên” với cơ quan hữu trách ở các địa phương. Về mặt đạo đức công dân, đạo đức công vụ, khi có “quyền” kiểu như trên, người ta rất dễ “làm quyền” hoặc rơi vào một thái độ ứng xử đáng xấu hổ mà ta không khéo sẽ mắc phải… (Sau sự hống hách trên là sự yêu cầu họ cung phụng hoặc “ra giá” mọi thứ theo những cách tinh vi nhất).
Trước khi làm nhà báo, chúng ta là một công dân.
Tôi nghĩ, câu chuyện đạo đức nghề nghiệp trước hết là câu chuyện giữ mình trong sạch và tôn trọng tất cả các bên khi giao tiếp, làm việc, ứng xử, dù mình ở thế cạy vạy để moi tin hay ở thế nắm thông tin độc quyền có quyền “phủ quyết” khiến họ phải “luỵ” mình. Quan trọng hơn là một tình yêu thật sự với chân lý, một lòng kiêu hãnh thật sự với nghề viết (tôi muốn chúng ta coi nó là cái nghiệp), một sự tha thiết thật sự với các vấn đè thuộc về “thân phận, thân phận và thân phận con người

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây