Thứ năm, 21/11/2024, 11:27

Cuộc sống và công việc của các nhà báo trên chiến tuyến Nga - Ukraine

Một năm đã trôi qua kể từ khi cuộc chiến Nga - Ukraine bắt đầu vào ngày 24/2/2022. Giao tranh vẫn tiếp diễn, dẫn đến tổn thất lớn về sinh mạng của binh sĩ và dân thường, cũng như ảnh hưởng tới cuộc sống, công việc và cả tính mạng của các nhà báo trên chiến tuyến.

Theo Liên hợp quốc, Ukraine nằm trong số 3 quốc gia có số lượng nhà báo thiệt mạng cao nhất trong năm 2022, và các nhà báo nước này tiếp tục đối mặt với rủi ro rất lớn. Theo Ủy ban Bảo vệ Nhà báo, các thành viên báo chí thường bị thương trong khi đưa tin về cuộc xung đột.

cuoc song va cong viec cua cac nha bao tren chien tuyen nga ukraine hinh 1

Các nhà báo đưa tin về cuộc chiến Nga - Ukraine đối mặt với nhiều nguy hiểm đến tính mạng. Ảnh: EJ

Tuy nhiên, năm khó khăn này đối với những người làm báo cũng đã chứng kiến những tấm gương về sự tận hiến nghề nghiệp, khả năng tồn tại và tìm ra hướng phát triển mới trong hoàn cảnh khó khăn và sự đổi mới sáng tạo trong nghề báo.

Nhiều tổ chức truyền thông đã phát triển lại công việc của họ và tìm ra những cách thức và mục tiêu mới để hoạt động trong một môi trường mới, ví dụ như Diễn đàn Truyền thông Lviv, nơi đã hỗ trợ suốt ngày đêm cho các tòa soạn của các hãng truyền thông Ukraine và các nhà báo tự do.

Tác động tâm lý và rủi ro tính mạng

Nhiều người trong số những nhà báo đã nói chuyện với Mạng lưới Nhà báo Quốc tế (IJnet) thừa nhận rằng, trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến, họ rất khó khăn về thể chất và tâm lý để đối phó với tình hình. Sau đó, họ học cách thích nghi - và nhiều người đã có thể bắt đầu làm việc trở lại.

Evgene Zaslavsky, Giám đốc điều hành của Tổ chức phát triển truyền thông tổ chức phi lợi nhuận tại Kiev, cho biết: “Vì chiến tranh, chúng tôi phải thay đổi rất nhiều. Một khoảng trống quản lý nảy sinh trong tất cả các tòa soạn - một số biên tập viên đi tình nguyện, những người khác gia nhập quân đội, gia nhập Lực lượng Vũ trang Ukraine. Cấu trúc của các tòa soạn bị hư hại nghiêm trọng - ở khắp mọi nơi, ở mọi cấp độ, không có đủ người: ai đó đã rời đi, ai đó đã chết”.

Nhóm của Zaslavsky cũng mua mũ bảo hiểm, áo giáp và garô cho các nhà báo. Các phương pháp hỗ trợ khác bao gồm hỗ trợ tâm lý cho các nhà báo và giúp di dời các tòa soạn khỏi miền Đông đất nước - đặc biệt là từ các vùng lãnh thổ đang bị chiếm đóng.

“Nhu cầu báo chí phải được hỗ trợ. Đối với tôi, báo chí không kém phần quan trọng so với quốc phòng quân sự. Việc hỗ trợ là rất quan trọng vì phải mất rất nhiều thời gian để tạo ra. Mất môi trường này, chúng tôi sẽ mất rất nhiều thời gian để khôi phục lại nó”, Zaslavsky nói.

Trong khi đó, Andrii Bystrov, chuyên gia truyền thông làm việc tại Kiev, nói rằng cuộc chiến đã “làm thay đổi nền báo chí Ukraine hiện đại”. Ông nói: “Nhiều nhà báo trước đây đưa tin về chính trị, văn hóa và tin tức đã trở thành phóng viên chiến trường. Tôi phải nhanh chóng học cách làm việc ở tiền tuyến, dưới làn đạn. Tất nhiên, đó là công việc nguy hiểm đến tính mạng”.

Theo Liên đoàn Nhà báo Quốc tế, ít nhất 12 nhà báo và nhân viên truyền thông đã thiệt mạng trong quá trình hoạt động nghề nghiệp của họ trong cuộc chiến ở Ukraine vào năm ngoái.

Thích ứng trong mọi hoàn cảnh

Nhà báo Ukraine Galyna Ostapovets sống và làm việc tại Ukraine cho biết: “Sống giữa chiến tranh và làm việc trong chiến tranh không giống nhau. Hai năm làm việc ở Donbas không thể so sánh với việc chiến tranh ập đến nhà bạn như thế nào và bạn hoàn toàn không biết phải làm gì”, cô nói.

cuoc song va cong viec cua cac nha bao tren chien tuyen nga ukraine hinh 2

Phóng viên ghi lại những hình ảnh tàn khốc của cuộc chiến ở Ukraine. Ảnh: GI

“Không ai dạy tôi điều này trong bất kỳ khóa đào tạo hay khóa học nào. Tôi đã phải học trên đường đi, ngay cả với những vụ nổ đến từ các hướng khác nhau. Điều đó rất khó khăn, nhưng tôi nghĩ mình đã vượt qua được”.

Trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến, giống như nhiều đồng nghiệp của mình, Ostapovets nhớ lại mình đã làm việc gần như 24/7, chỉ được nghỉ để ngủ và ăn. Chiến tranh cũng thay đổi những chủ đề mà cô ấy đưa tin với tư cách là một nhà báo.

“Trước ngày 24 tháng 2, tôi viết về chính trị, sau đó đến tháng 3 năm 2022, tôi phải tìm hiểu các loại vũ khí, tên lửa, các loại quân, tìm hiểu thế nào là tấn công, phòng thủ... Bây giờ tôi viết rất nhiều về chiến tranh, kể cả cho các ấn phẩm nước ngoài”, cô nói.

Theo Ira Hoiuk, một nhà báo người Ukraine và di cư sang Ba Lan, hiện đang tiếp tục hợp tác với Diễn đàn Truyền thông Lviv.

“Nhiệm vụ chính của tôi sau ngày 24 tháng 2 là sống sót, vì vậy tôi phải tập trung vào điều quan trọng nhất và tạm dừng công việc nhà báo tự do. Về mặt chuyên môn, tôi đã học cách làm việc trong điều kiện căng thẳng nghiêm trọng. Chỉ sau 8-9 tháng, tôi mới có thể lấy lại ít nhất một chút cảm giác kiểm soát cuộc sống của mình và quay trở lại với công việc viết lách tự do”, cô nói.

Olena Dub, một nhà báo và nhà tư vấn truyền thông ở Ukraine, nói rằng cuộc chiến vào ngày 24 tháng 2 đã khiến tất cả các cuộc phỏng vấn, dự án và các chuyến đi đã lên kế hoạch trở nên “không còn liên quan”. Cô chia sẻ, “đối với những người làm nghề tự do như tôi, ban đầu không rõ phải làm gì”.

Dub rời Ba Lan vào tháng 3 năm 2022, nơi cô ở lại cho đến tháng 8. Cô nói: “Giống như những người khác, tôi sống và làm việc trong điều kiện thường xuyên bị tấn công bằng tên lửa, không kích, mất điện và internet thường xuyên yếu”.

Cô nói thêm: “Hai tháng đầu, tưởng chừng công việc sẽ chững lại, nhưng khi cú sốc qua đi, công việc của các nhà báo lại dồn dập hơn. Chúng tôi thích ứng với máy phát điện, pin, mạng Starlink, bộ sạc di động, Zoom, internet cáp quang và sự sáng tạo”.


Hải Anh/Nhà báo và Công luận  (theo IJNet)


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây