Thứ sáu, 11/10/2024, 07:21

Nghệ An - nhiều giải pháp quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thường trú trên địa bàn

Nghệ An là địa phương có số lượng Văn phòng đại diện (VPĐD) và Phóng viên thường trú (PVTT) các cơ quan báo chí Trung ương và tỉnh bạn đăng ký và được chấp thuận hoạt động đông đảo, với 39 văn phòng đại diện, 41 phóng viên thường trú, gồm 150 phóng viên (trong đó 90 phóng viên đã được cấp thẻ nhà báo; 60 phóng viên chưa được cấp thẻ nhà báo), chưa kể đông đảo đội ngũ cộng tác viên, đứng thứ 4 cả nước, chỉ sau Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng. Điều này đặt ra cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí không ít khó khăn.

Đóng góp của VPĐD, PVTT đối với địa phương

Với số lượng đông đảo, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, thời gian qua, các cơ quan báo chí thường trú đã đồng hành với tỉnh trong trong tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Kịp thời phản bác lại những thông tin thiếu khách quan, thông tin sai lệch, xuyên tạc của các thế lực thù địch, thực hiện tốt chức năng cảnh báo, phản biện xã hội, làm tốt vai trò là cầu nối giữa người dân và chính quyền.

Bên cạnh đó, các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú còn tích cực đồng hành với tỉnh trong các hoạt động xã hội, góp phần vào nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Công tác thiện nguyện được các cơ quan báo chí quan tâm, hướng tới hỗ trợ người nghèo, gia đình chính sách, nhân dân vùng bị thiên tai bão lụt…với tổng số tiền (cả tiền mặt và vật chất khác) mỗi năm lên đến hàng chục tỷ đồng
 
Quang cảnh cuộc làm việc của Bộ TT TT với UBND tỉnh Nghệ An về thực hiện quy định phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước Copy
Quang cảnh cuộc làm việc của Bộ TT-TT với UBND tỉnh Nghệ An về thực hiện quy định phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước.


Bên cạnh những kết quả nổi bật, hoạt động của một số phóng viên thường trú còn cố những hạn chế cũng cần chỉ ra. Đó là, một số tạp chí thành lập văn phòng đại diện (VPĐD) hoặc cử phóng viên thường trú (PVTT) chủ yếu để làm quảng cáo, xem nhẹ việc tuyên truyền, phản ánh thông tin tại địa phương. Một số VPĐD, PVTT sa đà vào phản ánh các vụ việc tiêu cực, mặt trái và những hạn chế của tỉnh, không quan tâm tới mặt tích cực, tới những thành quả phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng mà tỉnh đã đạt được. Tình trạng cơ quan báo chí cử 01 PVTT, nhưng lại cử kèm theo nhiều phóng viên khác (làm trợ lý, giúp việc cho PVTT)  mà chưa có thẻ nhà báo hoạt động trên địa bàn. Nhiều văn phòng đại diện chỉ có Trưởng văn phòng có thẻ nhà báo, còn lại phóng viên thuộc văn phòng là nhân viên quảng cáo hoặc cơ quan báo chí ký với các cá nhân không có chuyên môn, nghiệp vụ về báo chí làm cộng tác viên, không đáp ứng được yêu cầu về năng lực và trình độ của người làm báo.

Tình trạng một số tạp chí khoa học nhưng mở văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú không cần thiết cho hoạt động nghiên cứu, thông tin khoa học mà tập trung khai thác những vấn đề tiêu cực, bất cập của địa phương (có địa phương cấp xã hoặc doanh nghiệp phản ánh hàng tuần có từ 3 đến 5 đoàn PV các cơ quan tạp chí và báo chí đến làm việc). Đặc biệt, có hiện tượng một số phóng viên, nhà báo lập các tài khoản mạng xã hội ẩn danh để đăng, phát thông tin tiêu cực, thông tin chưa được kiểm chứng.

Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) phục vụ công tác quản lý nhà nước, tạo điều kiện cho báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích

Để làm tốt công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông luôn chủ động bám sát thực tiễn hoạt động báo chí, thường xuyên liên hệ chặt chẽ với các Văn phòng đại diện, Phóng viên thường trú để kịp thời hỗ trợ phóng viên trong hoạt động tác nghiệp, đồng thời đưa ra các giải pháp quản lý phù hợp, hạn chế các hành vi không chuẩn mực hoặc vi phạm đối với các phóng viên. Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, kế hoạch để tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho phóng viên, nhà báo hoạt động tác nghiệp trên địa bàn. Trong đó: Quyết định số 15/2014/QĐ-UBND ngày 07/02/2014 quy định về “quản lý hoạt động của cơ quan đại diện, phóng viên thường trú các cơ quan báo chí trong nước và ngoài nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An”; Quyết định số 29/2023/QĐ-UBND  ngày 06/11/2023 “Quy định về phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí, xử lý thông tin đăng phát trên báo chí và thông tin phản ánh trên mạng xã hội trong các cơ quan hành chính nhà nước”, là những văn bản được đánh giá cao bởi tính chặt chẽ, đảm bảo pháp luật, phù hợp với thực tiễn, vừa phục vụ công tác quản lý tốt, đi đôi với tạo điều kiện cho báo chí phát triển.
 
Đồng chí Nguyễn Bá Hảo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông báo cáo tình hình thực hiện quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của tỉnh Nghệ An Ảnh TL
Đồng chí Nguyễn Bá Hảo - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông báo cáo tình hình thực hiện quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của tỉnh Nghệ An. 

Đồng thời, Sở tham mưu Quy chế về tổ chức giải báo chí của tỉnh và tạo điều kiện cho phóng viên, nhà báo của các VPĐD, PVTT được tham gia giải. Thực tế trong các năm qua, các cơ quan báo chí thường trú tích cực tham gia các giải báo chí của tỉnh, nhiều phóng viên đã đạt giải cao, được tỉnh khen thưởng. Để kịp thời động viên các nhà báo trong tuyên truyền các vụ việc đột xuất, tỉnh tổ chức khen thưởng các cơ quan báo chí và PV có thành tích trong công tác tuyên truyền các sự kiện lớn của tỉnh, trong công tác xã hội từ thiện, kêu gọi thiện nguyện, giúp đỡ người dân trong các đợt thiên tai, bão lũ, người nghèo, gia đình chính sách…

Bên cạnh đó, Sở cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn trong hoạt động báo chí với các nội dung như: chấn chỉnh tình trạng giả danh phóng viên báo chí, lợi dụng nghề nghiệp để gây phiền hà cho cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, ảnh hưởng tới uy tín và danh dự của những người làm báo chân chính. Chấn chỉnh tình trạng cản trở hoạt động báo chí, hướng dẫn cách ứng xử đúng quy định đối với PV báo chí.

Tổ chức tập huấn, xuất bản tài liệu nghiên cứu, thực hành cho Người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí

Sở TT-TT tổ chức nhiều lớp tập huấn cho người phát ngôn từ cấp xã trở lên trong công tác và kỹ năng tiếp xúc, làm việc với báo chí (gần 30 cuộc, hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh đã được tập huấn). Kịp thời hướng dẫn xử lý các vấn đề nảy sinh trong quá trình tác nghiệp của phóng viên, nhà báo khi có phản ánh từ địa phương, doanh nghiệp; Xuất bản nhiều tài liệu phục vụ nghiệp vụ cho người phát ngôn, trong đó các tài liệu được đánh giá cao như “Sổ tay Công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí” (hơn 3.000 cuốn) phát đến tận cấp xã; In Poster phân biệt Thẻ nhà báo và các loại giấy tờ khác không có giá trị thay thế Thẻ nhà báo trong tác nghiệp, mẫu Giấy giới thiệu (hơn 4.000 bản) gửi xuống tận cơ sở cho người phát ngôn tham khảo để thực hiện.

Thực hiện tốt việc cung cấp, tham mưu cung cấp thông tin cho  báo chí

         Hàng quý, Sở TT-TT tham mưu UBND tỉnh tổ chức họp báo, cung cấp thông tin về tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng – an ninh. Phối hợp với các ngành, tổ chức họp báo cung cấp thông tin kịp thời về các hoạt động chỉ đạo, điều hành, các sự kiện chính trị, xã hội nổi bật cũng như các vấn đề mới phát sinh.

          Hàng tháng, Sở TT-TT phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Nhà báo tổ chức Hội nghị giao ban báo chí định kỳ. Đây là hoạt động đã đi vào nề nếp, được các đơn vị, các cơ quan báo chí quan tâm. Thông qua các hoạt động này, Sở TT-TT theo dõi, quản lý và đánh giá việc thực hiện Luật Báo chí khá đầy đủ, khách quan và chỉ ra những tồn tại trong hoạt động tác nghiệp của phóng viên, tiếp thu những ý kiến phản hồi từ báo chí để công tác quản lý linh hoạt, đảm bảo quyền được thông tin của báo chí. Hội nghị trở thành diễn đàn trao đổi thông tin nghiệp vụ, phản ánh những vấn đề còn tồn tại trong tháng, đồng thời cung cấp một số thông tin liên quan đến các vấn đề đang được dư luận quan tâm.

         Sở quan tâm triển khai các ứng dụng tiện ích của Mạng xã hội trong công tác phối hợp tuyên truyền với các VPĐD, PVTT, đảm bảo phù hợp với tính chất hoạt động của phóng viên, nhà báo, không để báo chí phải bị động, tìm kiếm thông tin. Nhờ đó, các chủ trương lớn, các nhiệm vụ tuyên truyền trọng tâm được các cơ quan báo chí triển khai kịp thời, đúng thời điểm. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị, địa phương công khai danh sách người phát ngôn, danh sách các cơ quan báo chí lên Cổng thông tin điện tử để phục vụ tra cứu thông tin và phối hợp làm việc khi có yêu cầu.

Tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, chấn chỉnh các sai phạm

Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ hoạt động tác nghiệp cho các VPĐD, PVTT, Sở TT-TT thường xuyên triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm răn đe, chấn chỉnh, ngăn chặn sớm các vi phạm không đáng có xảy ra trong hoạt động tác nghiệp báo chí của các VPĐD, PVTT. Hàng năm, Sở đều tổ chức 01 - 02 cuộc kiểm tra hoạt động của các VPĐD, PVTT trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, 2023 đã xử phạt 06 cơ quan báo chí về hành vi hoạt động sai tôn chỉ mục đích, đăng, phát thông tin sai sự thật; xử phạt 12 nhà báo, phóng viên sử dụng mạng xã hội để đăng phát thông tin sai sự thật. Tại các kỳ giao ban báo chí, Sở thường xuyên theo dõi, nhắc nhở phóng viên tuân thủ Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam của Hội Nhà báo và Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, ban hành theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Có thể nói, những giải pháp nêu trên mà Sở TT-TT thực hiện thời gian qua đã góp phần quan trọng và hiệu quả trong việc quản lý nhà nước về báo chí đối với các VPĐD và PVTT trên địa bàn tỉnh, giúp các phóng viên hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, góp phần lan toả thông tin, hình ảnh Nghệ An đến với công chúng, đồng thời hạn chế những sai sót không đáng có trong hoạt động báo chí./.

Nguyễn Bá Hảo
PGĐ Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây