Thứ bảy, 23/11/2024, 22:21

Phát hiện thêm 175 m hang động núi lửa ở Đăk Nông

Sau năm ngày khảo sát, các chuyên gia quốc tế khám phá ra một số nhánh mới, với chiều dài khoảng 175 m trong hệ thống hang động núi lửa Krông Nô.

 

Chuyến khảo sát thực hiện trong khuôn khổ hội nghị quốc tế hang động núi lửa lần thứ 20 (ISV20) tại Đắk Nông từ ngày 22 đến 26/11. Kết quả được Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đăk Nông cho biết ngày 29/11.

Hang C7 là một trong 50 hang động thuộc hệ thống hang núi lửa Krông Nô. Năm 2014 các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản từng công bố việc phát hiện hang dài 25 km từ miệng núi lửa buôn Choar dọc theo chiều dài sông Sêrêpôk đến khu vực thác Dray Sáp. Riêng hang C7 khi đó được giới chuyên gia khảo sát xác định dài hơn một km và được đánh giá là hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á.

Nay các nhà khoa học phát hiện thêm khoảng 175 m, nâng chiều dài hang C7 lên hơn 1.240 m. Sắp tới, nhóm sẽ quay lại đo vẽ và dựng bản đồ 3D. Đây sẽ là nguồn tư liệu khoa học quý đối với di sản địa chất Việt Nam và quốc tế.

Các chuyên gia quốc tế khảo sát, khám phá thêm 175 m hang động núi lửa. Ảnh: Sở thông tin truyền thông Đăk Nông

Các chuyên gia quốc tế khảo sát, khám phá thêm 175 m hang động núi lửa. Ảnh: Sở thông tin truyền thông Đăk Nông

Krông Nô là một hệ thống hang động trong đá bazan hình thành từ quá trình phun trào dung nham. Hang có cấu tạo đặc trưng cho quá trình phun trào như các ngấn dung nham, dòng chảy dung nham, hốc sụt; cùng các di tích thực vật và quá trình đông cứng dung nham bazan xảy ra cách đây hàng triệu năm. Hệ thống hang động thuộc Công viên địa chất Đăk Nông.

Năm 2018, các nhà khoa học ở Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam đã công bố phát hiện mới hàng loạt địa điểm chứa di tích khảo cổ tiền sử trong hang động núi lửa ở Công viên Địa chất Krông Nô. Trong đó có dấu tích cư trú của người tiền sử cách đây khoảng 6.000 - 7.000 năm. Có ít nhất di cốt của 10 người, trong đó 3 di cốt hoàn chỉnh gồm hai người lớn và một trẻ em 4 tuổi và hàng vạn vỏ ốc biển cùng số lượng lớn di vật đá, gốm, xương răng động vật, vỏ nhuyễn thể...

 
Núi lửa Krông Nô. Ảnh: Ngọc Oanh

Núi lửa Nâm Ka- nằm trong hệ thống núi lửa tại Đăk Nông. Ảnh: Đặng Dương

Công viên địa chất Đăk Nông có diện tích 4.760 km2, trải dài trên địa bàn 5 huyện Krông Nô, Cư Jút, Đăk Mil, Đăk Song, Đăk Glong và TP Gia Nghĩa, được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu năm 2020.


Theo  Vnexpress


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây