Để thực thi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng một cách hiệu quả, chính xác, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS (Geographic Information System) để theo dõi, phát hiện biến động hiện trạng rừng, phục vụ việc xác định diện tích rừng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng.
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) được đánh giá là một hướng đi đúng đắn và kịp thời, mang lại hiệu quả rõ rệt trên các khía cạnh kinh tế - môi trường - xã hội. Ngoài tác động tích cực đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao ý thức giữ rừng và cải thiện đời sống của người dân, chính sách chi trả DVMTR còn góp phần hỗ trợ nguồn kinh phí hàng năm cho các đơn vị chủ rừng trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn. Từ đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghề rừng, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị và trật tự xã hội được ổn định ở các địa bàn dân cư, nhất là ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
Lớp bản đồ tăng (giảm) hiện trạng rừng đã được chuyển sang định dạng MBtiles (dạng ảnh) và đưa lên điện thoại thông minh
Theo Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, hằng năm, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Chi cục Kiểm lâm và chủ rừng (đối với chủ rừng nhóm II) và Hạt Kiểm lâm (đối với chủ rừng nhóm I) xác định diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường để làm cơ sở thanh toán tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Chính vì vậy, việc xác định diện tích rừng cung ứng DVMTR trong lưu vực các nhà máy thuỷ điện đủ điều kiện chi trả tiền DVMTR hàng năm luôn được quan tâm và thực hiện đầy đủ, kịp thời. Tuy nhiên, việc xác định diện tích rừng và chi trả tiền DVMTR cũng gặp nhiều khó khăn do địa bàn đều là những vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, diện tích rừng có biến động lớn nên cần nhiều thời gian, công sức và khá khó khăn khi xác định đúng vị trí các lô có diện tích rừng biến động trên hiện trường, đặc biệt là việc kiểm tra, xác minh hiện trường đối với các chủ rừng có diện tích lớn, địa hình phức tạp.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, khắc phục khó khăn, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An đã chủ động phối hợp với các bên có liên quan, đẩy mạnh ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS (Geographic Information System) để theo dõi, phát hiện biến động hiện trạng rừng phục vụ việc xác định diện tích rừng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng trên cơ sở từ dữ liệu đầu vào của các chủ rừng, các Tổ chức chi trả cấp huyện (Hạt Kiểm lâm) cung cấp như: Hồ sơ thiết kế kỹ thuật giao khoán bảo vệ rừng phục vụ chi trả tiền DVMTR; Kết quả rà soát ranh giới các lưu vực thủy điện được UBND tỉnh phê duyệt; Kết quả kiểm kê rừng theo chu kỳ; Kết quả theo dõi diễn biến rừng hàng năm (số liệu gần nhất); Bản đồ lưu vực nơi cung ứng DVMTR được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Bản đồ chi trả DVMTR. Từ đó, sử dụng phần mềm Mapinfo, Qgis kết hợp nguồn ảnh vệ tinh Planet để chuẩn hóa và xây dựng lớp bản đồ tăng/giảm hiện trạng rừng, chuyển lớp tăng/giảm từ định dạng Vecter sang định dạng MBtiles (dạng ảnh) sau đó đưa lên điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng hệ điều hành Android, Ios kết hợp sử dụng các app hỗ trợ đọc file bản đồ định dạng MBtiles để theo dõi, phát hiện biến động hiện trạng rừng trong các lưu vực thuỷ điện cung ứng DVMTR nhằm phục vụ công tác xác định diện tích rừng được chi trả DVMTR hàng năm.
Công tác xác định diện tích rừng cung ứng DVMTR trước đây
Thực hiện công tác chuyển đổi số, toàn bộ cơ sở dữ liệu được Quỹ bảo vệ Phát triển rừng số hóa, dựa trên nền tảng số nên có thể dễ dàng xác định vị trí, theo dõi, phát hiện biến động hiện trạng rừng của các lô có diện tích rừng biến động trên bản đồ số cũng như khi đi kiểm tra hiện trường tại cơ sở. Nhờ đó giảm được rất nhiều thời gian, công sức trong việc xác định diện tích rừng được chi trả DVMTR cũng như kiểm tra, xác minh diện tích rừng được chi trả DVMTR đối với trường hợp có kiến nghị. Đặc biệt, với sáng kiến kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi số phục vụ công việc chuyên môn chi trả dịch vụ môi trường rừng, không chỉ giảm tối đa thời gian công sức cho người lao động, mà điều quan trọng hơn là, đã nâng cao việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý bảo vệ rừng nói chung, thực hiện chính sách chi trả DVMTR nói riêng; tăng tính hiệu quả trong việc xác định diện tích rừng được chi trả DVMTR, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc chi trả.
Có được những thành quả trên là sự chủ động trong công tác chuyển đổi số, ứng dụng sự phát triển của công nghệ thông tin kết hợp với việc đưa các đề tài, sáng kiến kinh nghiệm của CBVC Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An vào thực tiễn trong công tác chi trả DVMTR.
Có được những thành quả trên là sự chủ động trong công tác chuyển đổi số, ứng dụng sự phát triển của công nghệ thông tin kết hợp với việc đưa các đề tài, sáng kiến kinh nghiệm của CBVC Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An vào thực tiễn trong công tác chi trả DVMTR.
Quỹ BV & PT Rừng Nghệ An