(Hoinhabaonghean.vn) - Nghị quyết số 26- NQ/TW tại Hội nghị lần thứ 7 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 10 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn là chiến lược phát triển nông thôn toàn diện, đa ngành, đa lĩnh vực, tác động đến tất cả các hoạt động đời sống xã hội. Trong đó, vai trò của khoa học và công nghệ với xây dựng NTM là một trong những yếu tốt quyết định đến thành công.
Thực hiện Nghị quyết số 26, cụ thể là Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XD NTM), đến nay Nghệ An được đánh giá là đạt tiến độ nhanh hơn dự kiến. Đó là kết quả một phần của Chương trình KH-CN, phục vụ XD NTM trên tất cả các lĩnh vực. Đến 30/6/2022, toàn tỉnh có 299/411 xã đạt chuẩn NTM, 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 02 xã đạt NTM kiểu mẫu; 184 thôn, xóm đạt chuẩn NTM (không thuộc xã chuẩn NTM). 7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ XD NTM gồm thành phố Vinh, Thị xã Thái Hòa, huyện Nam Đàn, huyện Yên thành, huyện Nghi Lộc, Thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu. Có 299 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM, chiếm 72,74%, 18 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 50 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, 44 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí. Bình quân tiêu chí cả tỉnh là 16,83 tiêu chí/xã. Toàn tỉnh có 249 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 40 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm có tiềm năng 5 sao. Vượt mục tiêu đề ra đến năm 2030 (có 200 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên). Đặc biệt mức độ hài lòng của người dân về XD NTM đạt gần 100%. Đây là tiền đề để Nghệ An phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ XDNTM trước năm 2025.
Hội đồng thẩm định NTM tỉnh kiểm tra mô hình sản xuất rau trong nhà lưới trên địa bàn huyện Nghi Lộc
Theo số liệu của Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia XD NTM, Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) đã đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần chuyển dịch mô hình tăng trưởng và thăng tiến cao hơn về chuỗi giá trị. Bằng chứng, tăng trưởng GRDP giai đoạn 2011-2015 lên 41,14% giai đoạn 2016-2020, đạt trung bình chung 37,45% trong cả thời kỳ 2011-2020. Năm 2019, quy mô GRDP đạt 132.993 tỷ đồng, gấp 1,82 lần năm 2013 (73.021 tỷ đồng); năm 2021, quy mô GRDP đạt 155.425 tỷ đồng, gấp 2,13 lần năm 2013. GRDP bình quân đầu người đạt 39,85 triệu đồng vào năm 2019, gấp 1,78 lần so với năm 2013; năm 2021 đạt 45,58 triệu đồng, gấp 1,92 lần so với năm 2013.
Giá trị sản xuất (GTSX) công nghiệp tăng từ 26.080 tỷ đồng năm 2013 lên 81.750 tỷ đồng năm 2021, gấp hơn 3,1 lần so với năm 2013, xếp thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ và thứ 26 cả nước. GRDP nông, lâm, thủy sản tăng từ 19.336 tỷ đồng năm 2013 lên 38.192 tỷ đồng năm 2021, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2014-2020 đạt 4,46% (trong đó, giai đoạn 2014-2019 tăng trưởng 4,37%) và năm 2021 đạt mức tăng trưởng 5,59%, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ.
Một góc vườn chuẩn của gia đình chị Bùi Thị Hà ở xóm Thọ Đông, xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn.
Các dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH-CN, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và vùng dân tộc thiểu số của Trung ương, Nghệ An đã triển khai tập trung ứng dụng trong nuôi bò thịt, gà thịt, nấm, lúa chất lượng cao, rau Vietgap, cam Xã Đoài… Từ các dự án này, ông Lê Diện ở xóm 5, xã Diễn Hải huyện Diễn Châu đã đầu tư trồng dưa lưới, cà chua, dưa chuột trên diện tích 1.500 m2 nhà màng, mỗi năm ông thu hoạch 4 vụ, trừ chi phí, còn lãi trên 200 triệu đồng. Gia đình bà Trần Thị Hà ở xóm Thọ Đông, xã Nghĩa Lộc huyện Nghĩa Đàn có khu vườn rộng 2.500 m2, rước đây bà từng trồng nhiều loại cây nhưng giá trị kinh tế không cao. Sau khi được sự hướng dẫn của Ban chỉ đạo XD NTM xã, bà đã quy họach lại khu vườn hợp lý, cho thu nhập cao hơn. Bà Hà cho biết: “ Gia đình bà được Chương trình hỗ trợ 40 triệu đồng để xây dựng vườn chuẩn. Số tiền đó tuy không lớn so với số tiền hàng trăm triệu gia đình bà đã đầu tư vào vườn, nhưng đó là sự khích lệ, động lực để người dân bắt tay vào xây dựng vườn chuẩn. Hơn nữa, cái quan trọng khi xây dựng vườn chuẩn là bà được tư vấn để quy hoạch lại mảnh vườn của mình hợp lý hơn, đẹp hơn, đem lại lợi ích thiết thực hơn cho gia đình.”
Nghiên cứu, nhân giống một số cây trồng đặc sản bằng công nghệ mới tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh
Tỉnh cũng đã triển khai các dự án thuộc chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH-CN, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và vùng dân tộc thiểu số của Trung ương như: Dự án cải tạo và nâng cấp thủy lợi Bắc, Dự án Bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ, Dự án cạnh tranh chăn nuôi, Dự án cạnh tranh nông nghiệp, Dự án Nước và vệ sinh môi trường nông thôn miền Trung, Dự án phục hồi và quản lý vùng Rừng phòng hộ, các dự án WB, ADB… Dự án hỗ trợ kỹ thuật Jica… Xúc tiến đầu tư dự án phát triển chuỗi giá trị rau quả trong ứng dụng công nghệ thông minh với khí hậu tại Việt Nam ( ADB).
Về nhiệm vụ thời gian tới, ông Nguyễn Văn Hằng- Phó chánh văn phòng Chương trình xây dựng NTM tỉnh Nghệ An cho biết: Đến hết năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 10 xã đạt chuẩn NTM, thêm 22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 2 huyện đạt chuẩn NTM. Xây dựng thêm 66 vườn chuẩn NTM, có thêm 100 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Các xã đã đạt chuẩn NTM tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn. Tạo ra nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân. Phấn đấu đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt 35,5 triệu đồng/năm.
Những kết quả đạt được trong XD NTM thời gian qua là tiền đề quan trọng để Nghệ An hướng tới mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 337 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 34 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 11 huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Huyện Nam Đàn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 17/QĐ- TTG ngày 4/1/2019; 200 thôn, xóm, bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực III, xã biên giới đạt chuẩn NTM theo bộ tiêu chí, thêm 800 vườn chuẩn NTM đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí.
Để thực hiện được mục tiêu đó, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng NTM theo quy hoạch; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối giữa các vùng miền. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, hỗ trợ các doanh nghiệp vùng nông thôn; nâng chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn…nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần nâng chất lượng cuộc sống người dân./.
Hoài Sơn