Cùng với sự phát triển nhanh chóng của điện thoại thông minh và internet, các nhà phát triển phần mềm cũng đã xây dựng nhiều ứng dụng khác nhau thu hút người dùng sử dụng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số ứng dụng đang tiêu tốn quá nhiều dữ liệu di động. Do đó, việc sử dụng thường xuyên các ứng dụng cùng các dịch vụ yêu cầu dữ liệu chắc chắn sẽ ngốn không ít tiền của người dùng. Theo Reviews.org, một người Mỹ trung bình chi gần 100 USD (khoảng 2,5 triệu đồng) mỗi tháng và khoảng 1.166 USD (khoảng 28,9 triệu đồng) mỗi năm cho đăng ký phát trực tuyến và các gói mạng internet.
Các ứng dụng trên smartphone tiêu tốn dữ liệu theo nhiều cách khác nhau. Trong khi các nền tảng cung cấp video như TikTok tiêu thụ dữ liệu chủ yếu thông qua các lượt tải xuống video, các ứng dụng mạng xã hội như Instagram và Facebook lại tiêu thụ dữ liệu từ việc thu hút người dùng đăng tải nội dung của họ lên với chất lượng cao. Phổ biến hơn cả là việc nhiều ứng dụng tiêu tốn dữ liệu khi chạy ở chế độ nền.
1. Instagram
Trong những năm vừa qua, Instagram đã liên tục cải tiến và bổ sung nhiều tính năng mới trên nền tảng, nổi bật là Instagram Stories, Instagram Reels cùng nhiều bộ lọc chỉnh sửa ảnh cũng như tích hợp ứng dụng với bên thứ ba. Điều này đồng nghĩa với việc mức tiêu thụ dữ liệu của Instagram chắc chắn đã tăng lên.
Dành một giờ mỗi ngày lướt xem các nội dung trên Instagram trong một tuần được ước tính có thể ngốn tới 4,2 GB dữ liệu di động. Ứng dụng sẽ tiêu thụ nhiều dữ liệu hơn nếu người dùng đăng tải nội dung, trung bình khoảng 2 MB cho mỗi ảnh và nhiều hơn cho video.
Người dùng Instagram có thể tùy chọn hạn chế sử dụng dữ liệu bằng cách dừng tải trước video, chỉ xem các hình ảnh và video có độ phân giải cao bằng Wi-Fi hoặc tải lên bài đăng với chất lượng thấp. Tuy nhiên, tất cả những điều này đều phải đánh đổi bằng trải nghiệm kém mượt mà.
2. TikTok
Tiktok đang phát triển mạnh mẽ với tốc độ vô cùng nhanh chóng với mô hình video ngắn. Hiện có hơn 1 tỷ người dùng TikTok hoạt động hàng tháng, vượt chỉ tiêu ban đầu của Tiktok tính đến năm 2025.
Tương tự như Instagram, TikTok cũng cung cấp một loạt tính năng thu hút người dùng tải lên video thường xuyên. Nền tảng này hiện đang đứng đầu bảng xếp hạng các ứng dụng truyền thông xã hội tiêu tốn dữ liệu di động.
Theo thống kê, một giờ lướt TikTok ngốn khoảng 840 MB dữ liệu. Như vậy, trong một tuần, chỉ riêng TikTok đã sử dụng hết 10 GB dữ liệu. Những người dùng tải video lên thường xuyên thậm chí phải sử dụng nhiều dữ liệu di động hơn.
3. YouTube
Youtube hiện đang phục vụ hơn 2 tỷ người dùng hoạt động mỗi tháng, với tối đa 500 giờ video được đăng tải mỗi phút.
Tuy nhiên, theo Android Authority, một thử nghiệm trên việc sử dụng dữ liệu di động cho YouTube đã xác nhận rằng nền tảng này tiêu tốn tới 2,7 GB cho mỗi 60 phút xem video ở độ phân giải 720p (HD) và tốc độ bit cao. Mức tiêu thụ dữ liệu này tăng lên tới 23 GB mỗi giờ ở độ phân giải 2160p (4K) và ngay cả ở chất lượng thấp nhất là 144p, ứng dụng vẫn sử dụng hơn 1 MB cho mỗi phút xem video.
4. Netflix
Cũng là một nền tảng phát trực tuyến video như Youtube, tuy nhiên Netflix chuyên về nội dung dạng dài bao gồm phim và series, thậm chí cung cấp trò chơi điện tử cho người dùng. Tính đến quý 3 năm 2022, Netflix đã ghi nhận hơn 220 triệu người đăng ký trả phí trên toàn thế giới.
Netflix, so với YouTube, cũng yêu cầu sử dụng nhiều dữ liệu di động hơn. Ở độ phân giải tiêu chuẩn, video trên Netflix đã tiêu tốn tới 1 GB mỗi giờ. Khi tăng chất lượng phát video lên Full HD hoặc 4K, mức tiêu thụ dữ liệu hàng giờ theo đó cũng tăng lên tới 3 GB hoặc 7 GB.
5. Google Chrome
Trình duyệt Chrome sử dụng nhiều dữ liệu để truy cập internet, có thể là để duyệt các trang web, đọc tài liệu, xem hình ảnh hoặc video. Tùy thuộc vào trang web được truy cập hoặc tác vụ đang chạy, Chrome sẽ tiêu thụ lượng dữ liệu di động khác nhau trên mỗi đơn vị thời gian làm việc. Trình duyệt cũng sẽ sử dụng dữ liệu để theo dõi lịch sử duyệt web, đề xuất các bài báo trong nguồn cấp dữ liệu Chrome và chạy nền để giữ cho các tab trình duyệt luôn mở. Người dùng có thể giảm mức tiêu thụ dữ liệu của Chrome thông qua cài đặt "Trình tiết kiệm dữ liệu" trên ứng dụng Chrome. Tất nhiên điều này có thể ảnh hưởng đến tốc độ và độ mượt của trình duyệt, nhưng nó sẽ giúp tiết kiệm dữ liệu di động một cách lâu dài.
6. Snapchat
Ra mắt vào năm 2011, một năm sau Instagram, Snapchat đã đạt được sự tăng trưởng đáng kể về số lượng người dùng hàng năm và hiện tại, có khoảng 363 triệu người dùng hoạt động hàng ngày của nền tảng này.
Tuy nhiên, việc sử dụng các tính năng do ứng dụng cung cấp cũng yêu cầu vài megabyte dữ liệu. Đáng chú ý hơn, Snapchat hoạt động ở chế độ nền theo mặc định để tải trước Snaps và Stories. Tất cả những điều này có thể khiến cho mức tiêu thụ dữ liệu di động của Snapchat đạt tới 20 GB mỗi tháng.
Để quản lý dữ liệu, người dùng cũng có thể sử dụng "Trình tiết kiệm dữ liệu" do Snapchat cung cấp để tắt tính năng tải trước.
7. Facebook
Được công nhận là ứng dụng mạng xã hội đi đầu, tính đến quý 3 năm 2022, Facebook có gần 3 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng, khiến nó trở thành nền tảng truyền thông xã hội được sử dụng nhiều nhất trên toàn thế giới.
Facebook đã giới thiệu một loạt các cải tiến trong vài năm qua, bao gồm giao diện cho trải nghiệm mượt mà hơn, Facebook Stories, Facebook Rooms. Tương tự Instagram, Facebook cũng cho phép tải lên với độ phân giải cao, cung cấp tính năng tự động phát và tải trước. Đi kèm với các tính năng hấp dẫn, mức tiêu thụ dữ liệu di động của Facebook chắc chắn cũng tăng lên. Tuy nhiên, điều này có thể được quản lý thông qua cấu hình cài đặt dữ liệu Facebook.
8. Spotify
Nếu như YouTube thống trị không gian nội dung video thì Spotify đang ở đỉnh cao của truyền phát nhạc. Spotify cung cấp cả dịch vụ miễn phí và trả phí, thu hút 456 triệu người dùng và 195 triệu người đăng ký trả phí.
Kể từ khi thành lập vào năm 2006, Spotify đã nỗ lực cải thiện các tính năng trên nền tảng của mình. Từ giao diện của ứng dụng đến chất lượng âm thanh, đến khả năng tích hợp với hệ thống âm thanh trên ô tô, người dùng có thể nghe nhạc bất cứ khi nào và theo bất kỳ cách nào họ muốn. Nhưng về mức tiêu thụ dữ liệu, Spotify cũng gặp vấn đề tương tự với các nền tảng phát video trực tuyến như YouTube và Netflix.
Lượng dữ liệu di động tiêu thụ khi phát nhạc trực tuyến phụ thuộc vào chất lượng âm nhạc. Nghe ở chất lượng bình thường (96kbps) tiêu tốn 40 MB mỗi giờ và con số này tăng lên 70 MB mỗi giờ đối với chất lượng cao (160 kbps) và 150 MB mỗi giờ đối với chất lượng cực cao (320kbps).
Tuy nhiên, với các gói Spotify Premium, người dùng có thể tiết kiệm dữ liệu di động bằng cách tải và nghe nhạc ngoại tuyến.
9. Twitter
Với gần 400 triệu người dùng trên toàn cầu và hơn 500 triệu tweet được đăng tải mỗi ngày, Twitter hiện là một trong những nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất dành cho tin tức, xu hướng, giải trí và chính trị.
Với giới hạn 280 ký tự trên mỗi tweet, Twitter hướng đến việc người dùng chia sẻ thông tin mà không tiêu tốn quá nhiều tài nguyên. Tuy nhiên, nền tảng này vẫn ghi nhận mức độ tiêu thụ dữ liệu cao.
Sự phát triển của các tính năng hỗ trợ hình ảnh và video trên Twitter là một trong những “thủ phạm” chính. Bên cạnh đó, mạng xã hội “chim xanh” cũng có cài đặt tự động phát mặc định, giúp hình ảnh và video tải một cách nhanh chóng, bất kể chất lượng hay độ phân giải của chúng.
Người dùng có thể tắt tự động phát, không xem video chất lượng cao hoặc chỉ xem video chất lượng cao bằng Wi-Fi để tối ưu hóa việc sử dụng dữ liệu di động.
10. WhatsApp
WhatsApp hiện đang được sử dụng bởi hơn 2 tỷ người trên toàn thế giới mỗi tháng, đưa nó trở thành một trong những ứng dụng điện thoại thông minh phổ biến nhất nói chung.
WhatsApp tự quảng cáo mình là một nền tảng dữ liệu thấp và điều này đúng ở một số khía cạnh. Tin nhắn văn bản và ghi chú thoại trên WhatsApp chỉ tiêu tốn ít kilobyte và ngay cả cuộc gọi âm thanh cũng sử dụng dưới 1 MB mỗi phút. Ngoài ra, ứng dụng này cũng sử dụng một thuật toán nén để giảm chất lượng và kích thước hình ảnh và video hay kể cả các dòng cập nhật trạng thái.
Tuy nhiên, xét ở các khía cạnh khác, các cuộc gọi video trên WhatsApp được ước tính chiếm tới 5 MB mỗi phút khi dùng 4G và 3,75 MB mỗi phút khi dùng 3G. Ngoài ra, mặc dù một ảnh, video hoặc một dòng cập nhật trạng thái có thể không tiêu tốn quá nhiều dữ liệu, nhưng việc xem một số hình ảnh, video và cập nhật trạng thái của bạn bè trong nhiều giờ, hoặc tự tải những dữ liệu này của mình lên, có thể nhanh chóng sử dụng hết dữ liệu di động của bạn.
Người dùng có thể bật cài đặt “Chế độ dữ liệu thấp” để tiết kiệm dữ liệu di động. Tuy nhiên, tính năng lưu trữ tin nhắn, hình ảnh và video sẽ bị hạn chế ở chế độ này.
Các cài đặt giúp giảm mức tiêu thụ dữ liệu
Ngoài những cài đặt tối ưu dữ liệu di động trong từng ứng dụng, các dòng smartphone hiện nay cũng cung cấp những cài đặt bao quát giúp quản lý mức tiêu thụ dữ liệu hiệu quả.
Trên iPhone, người dùng có thể tìm thấy cài đặt "Chế độ dữ liệu thấp" giúp ngăn các ứng dụng chạy nền sử dụng nhiều dữ liệu, tắt tải xuống tự động, tạm dừng cập nhật ứng dụng và dịch vụ gốc của Apple.
Trong tùy chọn "Mạng & Internet" (hoặc tương tự) trong cài đặt trên các thiết bị Android, người dùng có thể tắt tự động đồng bộ hóa và chuyển vùng dữ liệu, nhận cảnh báo sử dụng dữ liệu và tự động tắt dữ liệu di động khi đạt đến giới hạn./.