GS. TS Nguyễn Văn Hiếu, Trường Đại học Phenikaa là một trong 10 nhà khoa học Việt Nam vừa được Research.com xếp hạng trong danh sách "có thành tích xuất sắc trong công bố khoa học". Ở tuổi 50 GS Hiếu trở thành 1 trong 2 nhà khoa học Việt đứng top đầu lĩnh vực vật liệu và được xếp trong số 100.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới (năm 2019). Ông cũng là Giáo sư trẻ nhất ngành Vật lý Việt Nam (năm 2015) và sở hữu giải thưởng Tạ Quang Bửu 2016.
Nhìn lại quá trình hơn 20 năm nghiên cứu, sở hữu 165 công trình công bố trên tạp chí uy tín thuộc danh mục ISI/Scopus, GS Hiếu vẫn chưa quên những ngày đầu chinh phục các thí nghiệm khoa học.
GS.TS Nguyễn Văn Hiếu. Ảnh: Trường Đại học Phenikaa
Năm 2004, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Khoa Kỹ thuật điện, Trường Đại học Twente, Hà Lan, ông về Việt Nam làm việc tại Viện đào tạo quốc tế về vật liệu ITIMS (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội). GS Hiếu cho biết hướng nghiên cứu liên quan đến các linh kiện điện tử khi ấy khó triển khai ở Việt Nam nên chuyển hướng nghiên cứu vật liệu.
Quyết định này khiến ông gặp khó phần vì khác chuyên môn được đào tạo, phần vì lúc đó ngành vật liệu trong nước còn khá mới mẻ. Những năm đầu, ông và cộng sự không có đề tài nghiên cứu nào được đầu tư. Các ý tưởng khoa học đều không có kinh phí để triển khai. Số tiền tích góp khi ở nước ngoài cũng chỉ giúp gia đình ông cầm cự được vài ba năm. Để xoay sở, cứ sau 5 giờ chiều, rời giảng đường ông sang làm thêm cho công ty của một người bạn, chuyên về buôn bán thiết bị kỹ thuật. "Tôi làm thêm buổi tối rồi cả cuối tuần, phải 'chân trong, chân ngoài' mới tạm đủ sống", ông kể.
Cuộc sống gia đình khó khăn, điều kiện làm việc tại Viện ITIMS nhiều thiếu thốn song không làm ông nản chí. Ông nhận thấy các công bố khoa học quốc tế sẽ là tiêu chí tất yếu và quan trọng trong việc đánh giá xếp hạng các trường đại học trên thế giới. Vậy là ông và các nhà khoa học trẻ của Viện quyết tâm xây dựng phòng thí nghiệm, phát triển đội ngũ, tập trung nghiên cứu để có các công bố quốc tế.
Phòng thí nghiệm khởi đầu từ hai bàn tay trắng. Mỗi kỳ nghỉ hè, các nhà khoa học trẻ lại lặn lội lục tìm mua các thiết bị, linh kiện trôi nổi ở chợ Hòa Bình ở Hà Nội (còn gọi là chợ Trời) về nghiên cứu, mày mò lắp ráp. GS Hiếu và đồng nghiệp khi đó quyết thực hiện mục tiêu "mỗi kỳ hè phải lên được một hệ thí nghiệm". Ông nhớ lại, một giáo sư người Hàn Quốc sang thăm đã rất ngạc nhiên "khi tôi - lúc ấy đã là phó giáo sư - lại mặc quần soóc đi dựng thí nghiệm". Khi trở về Hàn vị giáo sư ấy đã mua một hệ thí nghiệm có giá hơn 20.000 USD gửi sang Việt Nam tặng cho nhóm. Đó cũng là lần đầu tiên họ có được một thiết bị hiện đại.
Những công bố quốc tế đầu tiên
Sau 3-4 năm miệt mài, nhóm nghiên cứu của GS Hiếu có công bố quốc tế đầu tiên. Nhờ đó dự án dần được mở rộng, có kinh phí để đầu tư nâng cấp phòng thí nghiệm, cử cán bộ làm postdoc...
Mũi nhọn nghiên cứu mà ông tập trung là phát triển vật liệu cảm biến trên cơ sở dây nano oxit kim loại bán dẫn, ứng dụng cấu trúc nano cho lĩnh vực cảm biến khí, vật liệu graphene... Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, ông cùng cộng sự công bố hơn 50 công trình trên các tạp chí quốc tế ISI uy tín, có chỉ số ảnh hưởng cao. Trong số đó phải kể đến công trình "Thiết kế cấu trúc nano SnO2/ZnO phân nhánh nhằm tăng cường hiệu suất phát hiện hơi cồn", công bố trên tạp chí Sensors and Actuators B (tạp chí ISI uy tín số một trong lĩnh vực cảm biến khí).
Nhóm nghiên cứu đưa ra phương pháp mới chế tạo cấu trúc nano phân nhánh dễ điều khiển và có thể mở rộng cho việc chế tạo nhiều loại cấu trúc nano phân nhánh khác trên cơ sở các cấu trúc nano một chiều. Với các cấu trúc này, ngoài diện tích riêng bề mặt lớn còn có định hướng tinh thể cao so với các vật liệu xốp nano thông thường, đồng thời, sự hình thành các tiếp xúc dị thể còn góp phần tăng cường đáng kể khả năng nhạy khí của vật liệu. Các cấu trúc nano mới này có tính ứng dụng cao trong môi trường cảm biến nhạy, linh kiện điện tử nano, pin năng lượng...
Một công trình tiêu biểu khác được GS Hiếu tâm đắc là "Phát triển cảm biến khí siêu nhạy với khí H2S bằng vật liệu dây nano SnO2 biến tính với vật NiO", đăng trên tạp chí Applied Physics Letters của Viện Vật lý Mỹ (American Institute of Physics). Công trình phát triển phương pháp phủ hạt nano NiO lên bề mặt dây nano SnO2 để có thể tăng độ đáp ứng khí H2S lên hàng trăm lần. Cảm biến dây nano SnO2 biến tính NiO có khả năng phát hiện khí H2S ở nồng độ siêu thấp cỡ ppb (1 phần tỷ), nhờ đó có thể ứng dụng trong việc phát hiện khí độc trong hầm mỏ, phân tích bệnh lý thông qua hơi thở.
Giờ đây, trên cương vị Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa, ngoài quản lý và giảng dạy, ông còn là trưởng nhóm nghiên cứu mạnh của trường. Trong trao đổi, GS Hiếu không quá bận tâm đến các đánh giá của giới nghiên cứu về sự thành công của mình, chỉ nói nhiều về niềm vui khi được làm khoa học thực sự.
Theo ông, người làm khoa học chỉ nên công bố các nghiên cứu thực sự có đóng góp cho cộng đồng, không chạy theo số lượng. Từ chối làm việc ở nước ngoài, ông rất tự hào khi phần lớn các công trình được công bố trên các tạp chí khoa học thuộc top cao của thế giới và đều đứng tên 100% các nhà khoa học Việt Nam. Các công trình của ông và cộng sự nhận được hơn 6.800 trích dẫn và chỉ số H-index 50 (Google Scholar) - đứng trong top công bố khoa học có lượng trích dẫn hàng đầu trên toàn thế giới.
GS Hiếu cho biết, các trường đại học hiện rất quan tâm tới việc công bố công khoa học trên các tạp chí uy tín thế giới, đặc biệt là các công trình có số lượng trích dẫn cao (một yếu tố quan trọng đánh giá xếp hạng đại học). Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo hiện tượng các nhà nghiên cứu trẻ chạy theo số lượng xuất bản, tìm cách công bố công trình bằng mọi giá. Có trường hợp một nhà nghiên cứu trẻ ở Việt Nam một năm công bố gần hai chục bài báo - điều ông đánh giá là vô cùng nguy hiểm. "Hiện tượng "ăn xổi" này là hệ quả của quá trình đào tạo thiếu bài bản, đi ngược lại văn hóa công bố, đạo đức và liêm chính khoa học", ông nói.
Ông mong muốn các nhà khoa học vật liệu hướng tới các nghiên cứu có tính thực chất, công bố khoa học cần có hàm lượng sáng tạo cao và gắn liền với ứng dụng thực tế, để chuyển giao cho doanh nghiệp, phục vụ cộng đồng. "Làm nghiên cứu ứng dụng rất vất vả, không đơn giản chỉ cần sự kiên trì mà còn là quá trình lăn lộn với thực tế, với doanh nghiệp", ông nói.
Theo GS Hiếu, trên thế giới khoa học Vật liệu rất được chú trọng nhưng ở Việt Nam ngành còn khá non trẻ, ít sinh viên theo học mặc dù cơ hội việc làm rất lớn. "Hy vọng ngành thu hút được nhân tài, nhà nước đầu tư cho khoa học vật liệu, trở thành một trong những ngành khoa học mũi nhọn".
Theo Như Quỳnh/VNexpress