Phần lớn lời rao là tuyển dụng những công việc nhẹ, lương cao như bình luận sản phẩm, đánh máy đề cương... với mức lương từ 100.000 - 300.000 đồng/ngày, cộng tác viên bán vé máy bay chiết khấu hoa hồng lên đến 20%, cắt mác quần áo nhận tiền công liền tay; cộng tác viên vận đơn...
Kẻ lừa đảo dùng nhiều số điện thoại, tài khoản mạng xã hội đánh vào ham muốn nhanh kiếm được tiền của nạn nhân. Trong quá trình trao đổi, nạn nhân luôn bị dồn ép tâm lý, rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng và sợ rằng không lấy lại được số tiền "cọc" ban đầu nên phải tiếp tục chuyển tiền.
Khi số tiền nạp lên đến hàng chục triệu đồng, kẻ lừa đảo đã nêu lý do rất khó tin như: tài khoản bị đóng băng, hệ thống lỗi... để trì hoãn việc rút tiền rồi chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.
Chẳng hạn, lợi dụng tình trạng vé máy bay Tết khan hiếm, các đối tượng lừa đảo đã giăng nhiều bẫy chờ nạn nhân. Chị Thanh Tâm (Đà Nẵng) kể đã đặt mua vé máy bay qua một fanpage trên mạng xã hội Facebook có tên "Sunny Travel - Vé Máy Bay Giá Rẻ". Tuy nhiên, ngay sau khi chuyển tiền thành công, chị Tâm đã bị fanpage kia chặn liên hệ.
Chưa hết, toàn bộ tin nhắn giao dịch giữa chị và bên bán cũng bị thu hồi. Trong khi đó, anh Đ. (Hà Nội) cũng bị lừa mất 32 triệu đồng bởi chiêu trò "bán vé máy bay chiết khấu hoa hồng 10 - 20%".
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, những kẻ lừa đảo luôn có "đồng bọn" đóng giả làm khách đặt mua vé máy bay và giao dịch thành công để tạo niềm tin cho "con mồi". Ngay sau khi nạn nhân chuyển tiền, kẻ lừa đảo sẽ chặn Facebook, xóa toàn bộ dấu vết, các tài khoản đã sử dụng liên hệ và cắt liên lạc.
Bên cạnh hình thức giả mạo tài khoản mạng xã hội, nhiều người còn tự nhận là nhân viên của hãng nên có chiết khấu cao, giả mạo đại lý ủy quyền để đưa ra các mức giá hấp dẫn khiến nhiều người mắc bẫy...
Ngoài ra, lợi dụng người dân mất cảnh giác khi bận rộn mua sắm hàng Tết, các đối tượng cũng giăng bẫy lừa bán hàng giá sốc, cơ hội trúng thưởng cao, bán tour du lịch giá rẻ, bán vé máy bay giá rẻ... nhằm bán hàng giả, hàng kém chất lượng để chiếm đoạt tiền người dùng.
Một số hình thức lừa đảo khác đã "quen thuộc" trong năm vẫn tiếp tục diễn ra dịp cận Tết như giả mạo cơ quan điều tra, giả mạo người thân, qua đó dẫn dụ nạn nhân thực hiện theo các hướng dẫn chuyển tiền vào tài khoản của kẻ xấu.
Dù đã được cảnh báo nhiều, các chiêu thức lừa đảo tuy không mới vẫn khiến nhiều nạn nhân bị mắc lừa và mất tiền do kịch bản của các đối tượng lừa đảo khá tinh vi, thông tin được đưa ra dồn dập, khiến nạn nhân bị thao túng tâm lý và bị dẫn dắt. Theo các chuyên gia, người dân cần cảnh giác với tất cả các số điện thoại không có trong danh bạ gọi đến. Không chuyển tiền vào số tài khoản của người lạ.
"Nếu mua hàng của người không quen biết, phải kiểm hàng rồi trả tiền để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng", ông Vũ Ngọc Sơn, giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng NCS, nói.
Các hãng hàng không cũng khuyến cáo người dân nên trực tiếp đặt vé qua website chính thức của hãng hàng không hoặc gọi trực tiếp lên tổng đài nếu không thành thạo việc đặt vé qua mạng.
Trước khi thực hiện bất cứ giao dịch nào, người dùng cần tìm hiểu kỹ và xác nhận thông tin mã vé và kiểm tra có hiệu lực, đồng thời yêu cầu nhân viên của hãng soát lại thông tin hành trình bay, hành khách bay. Đặc biệt, người dùng không nên giao dịch qua bên trung gian thứ ba hay các đại lý khi không rõ về chất lượng, độ uy tín.
Cảnh giác trước các ứng dụng chứa mã độc
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vừa phát đi cảnh báo khách hàng cần cẩn trọng trước những thủ đoạn dẫn dụ nạn nhân cài đặt các ứng dụng (app) có chứa mã độc, sau đó chiếm quyền kiểm soát thiết bị di động, chiếm quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng điện tử, từ đó chiếm đoạt tài sản.
Theo ngân hàng này, thời gian gần đây các nhóm tội phạm sử dụng công nghệ có xu hướng chuyển mục tiêu sang chính thiết bị di động được khách hàng sử dụng. Một trong các thủ đoạn phổ biến và hiệu quả của kẻ gian là dẫn dụ nạn nhân cài đặt các ứng dụng (app) có chứa mã độc, sau đó chiếm quyền kiểm soát thiết bị di động, chiếm quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng điện tử, từ đó chiếm đoạt tài sản.
Do đó, ngân hàng này khuyến cáo người dùng không sử dụng các thiết bị đã bị bẻ khóa, không cài đặt bất kỳ phần mềm nào được chia sẻ qua tập tin/đường link gửi từ bất kỳ ai/nguồn thứ ba nào khác mà không thể tìm thấy trên App Store/CH Play, không cung cấp thông tin bảo mật như mã OTP, mã CVV, số thẻ, mật khẩu ngân hàng điện tử... cho bất kỳ ai dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả cá nhân tự xưng là công an hoặc nhân viên ngân hàng.
Cũng theo ngân hàng này, một số dấu hiệu nhận biết thiết bị di động có thể bị nhiễm mã độc như thiết bị chạy chậm, tốc độ phản hồi ứng dụng lâu hơn bình thường; dữ liệu di động (3G/ 4G/ 5G) bị tiêu hao nhanh chóng; thiết bị nóng lên bất thường và nhanh hết pin dù không mở nhiều ứng dụng; bị mất thông báo đặc biệt là tin nhắn và cuộc gọi.
Mua hàng giá rẻ qua mạng, nhiều nạn nhân bị chiếm đoạt tiền
Công an TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) vừa tạm giữ V. (Đắk Nông) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua bán nội thất, gia dụng qua mạng. Cụ thể, thông qua nhiều tài khoản mạng xã hội, V. rao bán những món đồ nội thất, gia dụng lên các hội nhóm. Khi có người nhắn tin hỏi mua, V. yêu cầu khách chuyển tiền đặt cọc, rồi chiếm đoạt. Theo cơ quan chức năng, V. đã lừa hơn 400 người ở nhiều địa phương, chiếm đoạt hơn 7 tỉ đồng.
Cũng với chiêu thanh lý các món đồ điện gia dụng được đăng trên nhiều hội nhóm mạng xã hội, sau khi nhận được tiền đặt cọc của khách mua, Lê Thanh Tuấn (Hoài Đức, Hà Nội), người vừa bị Công an tỉnh Bắc Kạn bắt giữ vì tội lừa đảo, ngay lập tức chặn tương tác với nạn nhân. Tuấn còn liên tục thay đổi tên và hình đại diện các tài khoản Facebook giả mạo, thậm chí đổi cả số điện thoại liên hệ để tránh bị phát hiện.