Chủ nhật, 08/09/2024, 15:07

Ông chủ Việt Á nói có thỏa thuận không trực tiếp gặp cựu bộ trưởng Bộ Y tế vì nhạy cảm

Trả lời thẩm vấn của viện kiểm sát, tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt khai không trực tiếp liên hệ cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long mà phải thông qua thư ký "vì lý do nhạy cảm".

 

Bị cáo Phan Quốc Việt - Ảnh: DANH TRỌNG

Bị cáo Phan Quốc Việt - Ảnh: DANH TRỌNG

Sáng 5-1, phiên tòa xét xử 2 cựu bộ trưởng cùng 36 người trong vụ án Việt Á tiếp tục phần xét hỏi của viện kiểm sát.

Việt Á chi hoa hồng cho các CDC địa phương từ 5-20%

Bị cáo Phan Quốc Việt (tổng giám đốc Công ty Việt Á) là người đầu tiên được gọi lên thẩm vấn. Đứng trước bục khai báo, bị cáo điềm tĩnh, trả lời rõ ràng các câu hỏi của đại diện viện kiểm sát.

Phan Quốc Việt khai trong thời gian dịch COVID-19 diễn ra, do tình hình dịch phức tạp, bản thân thường xuyên di chuyển nên việc điều hành công ty được thực hiện chủ yếu qua các nhóm chat trên mạng xã hội. 

Các nhân viên trong công ty được phân công phụ trách từng vùng miền.

Cũng theo bị cáo Việt, Việc chiết khấu phần trăm cho các CCD địa phương sẽ từ 5-20% hợp đồng, dựa trên ba tiêu chí, gồm chống dịch, giá trị hợp đồng, chủng loại hàng hóa.

"Sao chiết khấu không ghi chiết khấu, lại để thế kia?", viện kiểm sát hỏi. Việt cười, nói: "Như bị cáo cũng nói rồi, thực tế là chia sẻ, cảm ơn thôi, nhưng vì chuyện đó nhạy cảm nên phải để thế, không ghi rõ được".

Viện kiểm sát truy vấn: "Việc chi phần trăm được thỏa thuận trước với các địa phương hay không?". Việt cho hay "không có thỏa thuận trước". Sau khi hoàn tất hợp đồng thì Việt Á tự mang đến cảm ơn.

Tuy nhiên, viện kiểm sát cho rằng có đủ cơ sở để chứng minh nhiều vụ việc có sự thỏa thuận trước, như tại CDC Hải Dương.

Cũng tại phần xét hỏi của viện kiểm sát, bị cáo Việt một lần nữa khẳng định đã đưa cho cựu thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc số tiền 50.000 USD. Số tiền này được Việt rút tại ngân hàng ở Đà Nẵng rồi đổi sang USD.
Sau đó bị cáo giao lại cho bị cáo Vũ Đình Hiệp (phó tổng giám đốc Việt Á) vài trăm nghìn USD để khi cần thì bảo Hiệp chi ngoại giao.

Khoảng tháng 4-2021 thì chi tiền cho ông Tạc để cảm ơn sự hỗ trợ trong thời gian Việt Á tham gia đề tài nghiên cứu với Học viện Quân y. 

Trong khi đó, ông Tạc phủ nhận số tiền này, chỉ khai nhận 100 triệu đồng.

Ông chủ Việt Á khai lý do "nhờ vả" cựu bộ trưởng y tế qua thư ký

Đại diện viện kiểm sát tiếp tục truy vấn: "Lý do vì sao bị cáo nhờ ông Long nhiều lần, đưa tiền nhiều lần nhưng không gặp trực tiếp mà phải thông qua Nguyễn Huỳnh (từng là thư ký của ông Long)?".

Việt cho biết có quen biết với ông Long và Huỳnh trong lần đi dự sự kiện dự án bệnh viện tại TP.HCM hồi năm 2017.

Hai bên sau đó thỏa thuận, thống nhất giải quyết công việc đều thông qua Nguyễn Huỳnh "vì một số nguyên nhân nhạy cảm", Việt nói.

"Nguyên nhân nhạy cảm cụ thể là gì? - viện kiểm sát hỏi. 

"Không nhớ rõ lắm", Việt trả lời.

Ngay sau đó viện kiểm sát trích dẫn lời khai của Việt trong hồ sơ thể hiện vì lúc đó Việt biết ông Long đang có mối quan hệ không tốt với một lãnh đạo cũ của Bộ Y tế. 

Vì vậy, ông Long và ông Huỳnh dặn bị cáo mọi việc đều thông qua ông Huỳnh để "giữ tiếng" cho ông Long, tránh gặp nhau, ảnh hưởng.

Đến năm 2021, trong một lần lên Bộ Y tế cùng một công ty khác để trao hỗ trợ các thiết bị y tế phòng chống dịch. Tại đây, Việt gặp ông Long và đưa số tiền 50.000 USD.

Nói về mục đích tham gia đề tài nghiên cứu kit xét nghiệm tại Học viện Quân y, tổng giám đốc Việt Á cho biết thời điểm đó chỉ Việt Á có chứng chỉ ISO đủ điều kiện sản xuất nên được Trịnh Thanh Hùng (cựu vụ phó thuộc Bộ khoa học và Công nghệ) mời tham gia để kịp thời chống dịch. "Ban đầu chỉ có mục đích nghiên cứu, không có thỏa thuận ăn chia".

"Đề tài nghiên cứu là của Nhà nước hay của Việt Á?", viện kiểm sát truy vấn. Việt khai đề tài này dùng kinh phí nhà nước nên sản phẩm đề tài là của Nhà nước. "Bị cáo nhận thức được hành vi của mình là sai".


Theo TTO

 Tags: Vụ Việt Á

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây