Thứ tư, 18/09/2024, 14:22

Nghệ An sơ kết 1 năm thực hiện Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người khó khăn về nhà ở

Trong 1 vừa năm qua, Nghệ An đã hỗ trợ làm mới, sửa chữa 8.440 ngôi nhà cho hộ nghèo, với tổng nguồn lực hơn 606 tỷ đồng, bằng kết quả 10 năm trước cộng lại. Tỉnh đang đặt mục tiêu hoàn thành hơn 7.600 ngôi nhà còn lại trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. 

 

Sáng 19/4, Ban Chỉ đạo vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025 (Ban Chỉ đạo 1838) tổ chức Hội nghị toàn tỉnh trực tiếp kết hợp trực tuyến sơ kết 1 năm thực hiện chương trình.

bna_IMG_5284.JPG
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu chính Tỉnh ủy Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh chủ trì cuộc làm việc.

Dự cuộc làm việc có các đồng chí Phó trưởng Ban Chỉ đạo: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An và các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 21 huyện, thành, thị và cấp xã với 463 điểm cầu, 15.173 đại biểu tham dự.

8.440 HỘ NGHÈO, HỘ KHÓ KHĂN VỀ NHÀ Ở ĐÃ ĐƯỢC HỖ TRỢ LÀM MỚI, SỬA CHỮA NHÀ

Chương trình 1838 là một chủ trương lớn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhận được sự đồng tình và đánh giá cao của Nhân dân; được triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản, khoa học, quyết liệt; phát huy được sức mạnh nội lực từ chính cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, doanh nhân và cộng đồng dân cư.

bna_IMG_5299.JPG
Đồng chí Lê Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An báo cáo kết quả 1 năm thực hiện Chương trình 1838. Ảnh: Thành Duy

Sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 10/2/2023, các địa phương đã vào cuộc tích cực, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị của tỉnh đã tích cực kêu gọi, vận động nguồn lực để hỗ trợ thực hiện Chương trình, tiêu biểu nhất là ngành Công an.

Theo đó, đến nay, 149 tổ chức, cá nhân (bao gồm 21 huyện, thành, thị) đã đăng ký vận động, ủng hộ Chương trình qua Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo tỉnh 12.100 căn nhà, tương ứng 614,775 tỷ đồng.

bna_IMG_5365.JPG
Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phát biểu trả lời các kiến nghị của ban chỉ đạo cấp huyện. Ảnh: Thành Duy

Sau nhiều lần rà soát, cập nhật, tính đến ngày 30/3/2024, trên địa bàn tỉnh có 16.369 hộ có nhu cầu hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở giai đoạn 2023 - 2025; trong đó, đã có quyết định phê duyệt 16.111 hộ, với số hộ đề nghị hỗ trợ xây dựng nhà lắp ghép là 3.580 hộ; số hộ đề nghị hỗ trợ xây dựng mới là 8.006 hộ và số hộ đề nghị hỗ trợ sửa chữa là 4.525 hộ.

bna_IMG_5350.JPG
Ban Chỉ đạo tỉnh theo dõi phát biểu của ban chỉ đạo cấp huyện tại các điểm cầu. Ảnh: Thành Duy

Tính đến hết tháng 3/2024, thông qua thực hiện Chương trình 1838 và các chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số), Nghệ An đã thực hiện được 8.440 nhà, với tổng nguồn lực hơn 606 tỷ đồng, bằng 153% kế hoạch năm 2023, đạt 52,3% của cả giai đoạn 2023 - 2025; trong đó, riêng nguồn lực thực hiện từ Chương trình 1838 bằng nhiều hình thức với tổng kinh phí quy đổi hơn 596 tỷ đồng.

Cụ thể, 6.023 nhà (3.580 nhà lắp ghép, 2.086 nhà xây mới, 357 nhà sửa chữa) đã hoàn thành từ nguồn hỗ trợ của Chương trình 1838.

Cùng với đó, 2.417 nhà (1.711 nhà xây mới, 706 nhà sửa chữa) được thực hiện từ nguồn hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia (Trung ương cấp và ngân sách tỉnh đối ứng với tổng kinh phí hỗ trợ 44 triệu đồng mỗi nhà xây mới, 22 triệu đồng mỗi nhà sửa chữa), kết hợp nguồn hỗ trợ bổ sung của Chương trình 1838 (6 triệu đồng mỗi nhà xây mới, 3 triệu đồng mỗi nhà sửa chữa, với tổng kinh phí 12 tỷ đồng) để bảo đảm mặt bằng chung là hỗ trợ xây mới 50 triệu đồng/nhà; sửa chữa 25 triệu đồng/nhà.

bna_IMG_5375.JPG
Thiếu tướng Bùi Quang Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Duy

Tại cuộc làm việc, ban chỉ đạo một số huyện, thành, thị và cấp xã, thôn, xóm đã báo cáo trực tiếp kết quả thực hiện tại địa phương với Ban Chỉ đạo tỉnh, đồng thời kiến nghị, đề xuất một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Tại điểm cầu chính cấp tỉnh, các thành viên ban chỉ đạo đã có ý kiến trả lời về những khó khăn của cơ sở, cũng như đề xuất một số nội dung nhằm thực hiện đảm bảo theo kế hoạch trong thời gian tới.

bna_IMG_5384.JPG
Đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, Phó trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, Phó trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh đề nghị các địa phương được thụ hưởng hỗ trợ làm, sửa chữa nhà từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững quan tâm rà soát, đưa vào quyết định phê duyệt hỗ trợ nhằm tránh trùng lặp, bỏ sót, trả lại vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia;…

QUYẾT TÂM VỀ ĐÍCH TRƯỚC ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XX

Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý - Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh đồng tình cao với các ý kiến tại hội nghị, tiếp tục khẳng định đây là một trong những chương trình lớn, rất nhân văn và có quy mô lớn nhất từ trước tới nay do tỉnh phát động triển khai.

bna_IMG_5446.JPG
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý - Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh phát biểu kết luận. Ảnh: Thành Duy

Bí thư Tỉnh ủy đánh giá công tác triển khai chương trình được thực hiện bài bản, đồng bộ, thống nhất từ trên xuống dưới. Nổi bật là toàn tỉnh đã thành lập 1 ban chỉ đạo cấp tỉnh, 21 ban chỉ đạo cấp huyện, 460 ban chỉ đạo cấp xã do đồng chí bí thư cấp ủy làm trưởng ban; đồng thời, thành lập 3.798 tổ công tác xóm, khối, bản, với tổng số 34.355 thành viên.

Qua 1 năm triển khai, kết quả 8.440 ngôi nhà cho hộ nghèo, hộ khó khăn được hỗ trợ xây mới, sửa chữa; tương đương 10 năm trước cộng lại cho thấy đây là một trong những chương trình an sinh xã hội của tỉnh đang mang lại hiệu quả cao, với những con số rất thuyết phục.

Trên cơ sở đó, Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh đúc rút 3 bài học lớn. Đó là chọn chủ trương đúng, hợp lòng dân; khơi dậy lòng dân, sức dân; quyết tâm chỉ đạo, tranh thủ, vận dụng hợp lý, tối đa các nguồn lực.

bna_IMG_5319.JPG
Các đồng chí Thường trực Ban Chỉ đạo và thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh dự hội nghị. Ảnh: Thành Duy

Thay mặt Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh về chương trình hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đánh giá, ghi nhận rất cao ban chỉ đạo, thành viên ban chỉ đạo các cấp; tổ công tác ở các thôn, xóm, khối bản.

Người đứng đầu Tỉnh ủy Nghệ An bày tỏ cảm ơn và ghi nhận tấm lòng hảo tâm từ cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân khác; từ “anh em, họ hàng, khối xóm” của các hộ nghèo, hộ có khó khăn về nhà ở; các chi đoàn, chi hội đã hướng về người nghèo để góp phần vào thực hiện thành công chương trình trong hơn 1 năm qua. Minh chứng là nguồn lực từ sự ủng hộ của anh em, họ tộc, làng xóm, cộng đồng dân cư quy ra tương đương gần 200 tỷ đồng.

bna_IMG_5513.JPG
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh dự hội nghị. Ảnh: Thành Duy

Qua rà soát, trong giai đoạn 2023 - 2025, trên địa bàn toàn tỉnh còn hơn 7.600 hộ cần hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà. Ban Chỉ đạo tỉnh đặt ra quyết tâm hoàn thành toàn bộ trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030; đồng thời, vấn đề sửa chữa một số ngôi nhà đã thực hiện bị ảnh hưởng bởi thiên tai cũng đang được đặt ra.

Trong khi đó, các năm 2024, 2025 có rất nhiều nhiệm vụ chính trị lớn cần tập trung như: sắp xếp địa giới hành chính, chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, cho nên, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An nhấn mạnh yêu cầu phải tập trung cao độ để hoàn thành mục tiêu chương trình đặt ra.

bna_IMG_5307.JPG
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh dự hội nghị. Ảnh: Thành Duy

Cụ thể, qua đánh giá tình hình, số lượng nhà còn lại cần hỗ trợ, các nguồn lực đã có và tiềm năng có thể tiếp tục vận động được phân chia thành 3 nhóm.

Nhóm thứ nhất, là các địa phương đang thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững gồm: Quế Phong, Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Tương Dương, với tổng số 4.480 nhà cần làm.

Qua cân đối của cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh, các địa phương này cơ bản đã đủ nguồn lực do Trung ương cấp theo kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.

Đối với các địa phương thuộc nhóm này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý nhấn mạnh cần phải chỉ đạo sâu sát. Các ngành, địa phương liên quan tập trung phối hợp giải quyết các khó khăn như về đất đai, quy trình thủ tục, mạnh dạn đưa ra các giải pháp để thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Trung ương hỗ trợ; kiên quyết không để phải trả lại nguồn hỗ trợ trong khi người dân lại đang cần hỗ trợ. Đồng thời, tỉnh sẽ đối ứng thêm để bảo đảm mặt bằng chung là hỗ trợ xây mới 50 triệu đồng/nhà; sửa chữa 25 triệu đồng/nhà.

bna_IMG_5489.JPG
Các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh dự hội nghị. Ảnh: Thành Duy

Nhóm thứ hai, là các địa phương gồm: Thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, thị xã Thái Hòa, thị xã Hoàng Mai và các huyện: Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương, Nghi Lộc, Yên Thành, Thanh Chương, Anh Sơn: Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận, biểu dương tinh thần của các địa phương thuộc nhóm thứ hai khi theo cân đối của Cơ quan Thường trực, số địa phương này có đủ khả năng để hoàn thành việc hỗ trợ số nhà còn là 1.245 nhà.

Nhóm thứ ba, là các địa phương còn khó khăn về nguồn lực vận động gồm 6 huyện: Con Cuông, Quỳ Hợp, Diễn Châu, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, với số nhà cần hỗ trợ là 1.961 nhà, với tổng số kinh phí cần hỗ trợ là gần 100 tỷ đồng.

Đối với nhóm này, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh tham mưu xây dựng kế hoạch để Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh họp nghiên cứu, tìm giải pháp vào cuộc của ban chỉ đạo các cấp nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn lực để thực hiện hoàn thành mục tiêu đặt ra.

bna_IMG_5471.JPG
Các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh dự hội nghị. Ảnh: Thành Duy

Trên cơ sở phân tích bối cảnh, tình hình đặt ra, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý - Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh nhấn mạnh, thời gian tới cần tiếp tục xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện được mục tiêu theo đúng kế hoạch và Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đồng thời, người đứng đầu Tỉnh ủy Nghệ An yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nhất là kết quả thực hiện chương trình. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XX, do đó, Báo Nghệ An, Đài PTTH Nghệ An cần mở chuyên mục riêng để thông tin, tuyên truyền về những cách làm hay, sáng tạo, quá trình thực hiện ở cơ sở nhằm lan tỏa mạnh mẽ hơn việc thực hiện chương trình.

bna_z5362456791474_aea2af88a368e326f24d312c880ffc1a.jpg
Ban Chỉ đạo các huyện, thành, thị dự hội nghị tại các điểm cầu theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Thành Duy

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cần tiếp tục tận dụng và phát huy tối đa các nguồn lực để thực hiện chương trình; đồng thời, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, đặc biệt, các đồng chí trong Ban Chỉ đạo tỉnh được phân công phụ trách 6 huyện thuộc nhóm thứ ba hiện đang gặp khó khăn về nguồn lực cần “xắn tay” cùng các địa phương để có đề xuất với Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh.

bna_IMG_8020.JPG
Nhà lắp ghép được xây dựng cho hộ nghèo ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Ảnh: Thành Duy

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cũng trao đổi cụ thể hướng giải quyết đối với các kiến nghị, đề xuất tại hội nghị từ ban chỉ đạo các cấp.


Thành Duy/Baonghean.vn


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây